Peter Handke là một trong những nhà văn lớn viết bằng tiếng Đức. Ông sinh năm 1942 tại Áo, mẹ là người Áo còn bố là người Đức. Peter Handke viết đủ thể loại văn chương (khoảng bốn mươi tiểu thuyết, tiểu luận, khoảng mười lăm vở kịch, ngoài ra còn viết kịch bản phim), đề cập đến những bi kịch sâu kín của thời đại, về sự chia lìa, nỗi cô đơn, về sự vắng mặt hay những cuộc phiêu lưu.
Năm 22 tuổi, Peter Handke xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1966: Những con ong bầu. Khi còn rất trẻ, ông đã công kích các chuẩn mực, nguyên tắc thẩm mỹ của “Nhóm 47” vốn án ngự nền văn chương của Đức thời hậu chiến. Đây là nhóm tập hợp các nhà văn viết bằng tiếng Đức, thành lập năm 1947 và tan rã năm 1967, có những thành viên tiêu biểu như Heinrich Böll, Günter Grass, Peter Weiss. Nhóm văn chương này chủ trương phát triển những hình thức viết văn mới để văn chương Đức thể hiện được những vấn đề thẩm mỹ và tư tưởng thích ứng với xã hội thời hậu chiến. Về sau, trong những năm 60, nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là các nhà văn dấn thân và một bên là các nhà văn duy mỹ, không bận tâm đến vai trò chính trị của văn chương. Sở dĩ Peter Handke phản đối quan điểm của nhóm này vì ông không ủng hộ lối viết nhạt nhẽo, khuôn sáo mà một số nhà văn trong nhóm này chủ trương. Điều này chứng tỏ, từ những năm 1960, Peter Handke đã chọn cho mình một lối đi riêng: cách tân trong lối viết, một lối viết khác.
Qua những tác phẩm ông viết, chúng ta thấy ông đề cập đến các chủ đề về thân phận con người ở thời kỳ (hậu) hiện đại: cô đơn, mất phương hướng, vô danh, phi lý, vắng mặt… Những tác phẩm như “Nỗi lo sợ của thủ thành khi bắt penalty” (1970), “Nỗi bất hạnh thờ ơ” (1972), “Vắng mặt” (1987), hay “Một đêm tối trời tôi rời khỏi ngôi nhà tịch mịch” (1997) thể hiện rõ nét tư tưởng và phong cách văn chương của ông.
“Nỗi lo sợ của thủ thành khi bắt penalty” kể về một cựu thủ thành. Anh ta tưởng mình bị công ty sa thải và quyết định rời bỏ tất cả để đi lang thang. Sau khi bóp cổ thủ quỹ của một rạp chiếu phim, anh ta chạy trốn và có những hành động ngông cuồng, vô bổ, phi lý, thậm chí nguy hiểm. Cho đến một ngày, xem một trận bóng đá, thấy thủ thành bắt được một quả penalty, anh ta chợt hết sợ hãi. Peter Handke được trao giải thưởng Georg Buechner nhưng sau đó trả vào năm 1999 để phản đối việc Nato ném bom Serbie.
Cuốn “Nỗi bất hạnh thờ ơ” kể về việc mẹ của chính tác giả Peter Handke tự sát vào ngày 21 tháng 11 năm 1971, ở tuổi 51. Vài tuần sau, Peter Handke viết một quyển sách về cuộc đời của mẹ và vụ tự vẫn này. Câu chuyện đơn giản nhưng cho người đọc thấy một cuộc đời hoang vu, trống rỗng, vô vị, mất phương hướng. Một cuộc sống không có đòi hỏi, không khát khao với những nhu cầu không dám thổ lộ vì được xem như thứ gì đó rất xa xỉ. Ba mươi tuổi mà mẹ ông đã xem cuộc đời mình coi như xong, không còn đáng sống nữa.
“Vắng mặt” kể về bốn nhân vật vô danh: một người phụ nữ, một người lính, một tay chơi và một ông già. Họ tình cờ gặp nhau khi phiêu lưu trong không gian thường nhật đang trải rộng trước mặt. Họ khám phá thế giới đó: không gian gần nhất trở thành một cảnh vật xa xa, một mảnh đất mơ hồ trở nên mênh mông, bất tận, trần trụi, hoang vu. Đi mỗi bước là họ thấy xuất hiện những cảnh vật lạ hoắc, và ánh mắt của họ nhìn đâu là cảnh vật xuất hiện ở đó. Những nơi tầm thường nhất cũng trở nên những mảnh đất xa lạ. Kết thúc chuyến đi cũng ngẫu nhiên như khi bắt đầu, trả mỗi kẻ lãng du về với nỗi cô đơn vốn có. Kẻ đưa đường dẫn lối có thể chính là sự vắng mặt.
“Một đêm tối trời tôi rời khỏi ngôi nhà tịch mịch” kể lại câu chuyện ba người: Một dược sĩ thích nấm, một nhà văn (người kể chuyện) và một cựu quán quân Olympia. Họ gặp nhau ở ngoại ô Salzbourg, Áo và cả ba đều có cảm tưởng như đang cùng trải qua một câu chuyện chung. Họ không truy tìm hạnh phúc, tiền tài hay vinh quang nào cả. Họ ở đó với câu chuyện riêng của mình để cho người đọc nghe tiếng hát về tình yêu và tự do. Họ ở đó với cuộc phiêu lưu đẹp đẽ, thực thực hư hư như ở thời kỳ Trung cổ vậy. Nhân vật dược sĩ kể cho người kể chuyện nghe về chuyến đi lạ lùng của mình, một chuyến đi ngẫu nhiên, lang thang vô định, nhiều tháng trời từ Áo cho đến Andalousie. Anh ra khỏi nhà, gặp hai tu sĩ, rồi gặp một người phụ nữ, anh bị câm, lang thang khắp châu Âu, khám phá một thành phố diệu kỳ, vượt qua nhiều thử thách trong thế giới thần tiên đó. Và cuối cùng, bóng một người phụ nữ đã giúp anh thoát khỏi ảo ảnh. Khi ra đi là một kẻ cô độc, câm nín, nhưng khi trở về anh trở nên thanh thản, và tỉnh mộng: “vì một văn phong mới, sự khám phá mới mẻ về ngôn từ, một hình thức câu mới lạ, cao giọng, hoặc chí ít là đúng giọng”. Qua tiểu thuyết này, Peter Handke đề cập chủ đề về sự đoạt tuyệt với thế giới thực tại và mối quan hệ giữa con người (trong đó có nhà văn) và ngôn ngữ. Với Handke, ngôn ngữ có khi không còn là phương tiện để chia sẻ, giao tiếp mà là công cụ cự tuyệt: “Họ có ngôn ngữ của riêng họ, muốn qua ngôn ngữ để co cụm với nhau. Co cụm với nhau có nghĩa là trong vùng họ đang sống, vùng đất của riêng họ, không ai và không gì khác có quyền được lưu lại, trừ họ và ngôn ngữ của họ ra”.
Phong cách văn chương của Peter Handke vượt qua lối viết sáo mòn truyền thống. Ông phá vỡ những giá trị văn chương đã rắn hóa một cách định kiến, tìm cách thay đổi ngôn ngữ, phá vỡ nhịp văn, làm biến dạng những cấu trúc cú pháp quen dùng. Ví dụ như trong cuốn “Một đêm tối trời tôi rời khỏi ngôi nhà tịch mịch”, ông sử dụng rất nhiều dấu chấm than như một cách để ngắt câu, bẻ nhịp. Điều này phần nào thể hiện sự hỗn loạn trong tâm tư của nhà văn trong một thế giới đầy hỗn mang và đau khổ, khiến con người không thể hiểu nổi dòng đời, ý nghĩa của cuộc sống và tím cách ẩn náu trong thế giới của riêng mình.
Vượt qua tất cả những tranh luận ngoài lề, Nobel Văn chương 2019 đã được trao cho Peter Handke vì “những tác phẩm của ông đã khai thác vùng biên và đặc thù của cuộc sống con người bằng một ngôn ngữ cực kỳ điêu luyện”. Văn chương đối với Peter Handke là một cuộc tìm kiếm bất tận, tìm kiếm danh tính, tìm kiếm một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống, cho ngôn ngữ và cho chính văn chương.
Kỹ thuật: Chôm Chôm