Bỗng dưng tôi chững lại trước FB của một người bạn cũng lập nghiệp xa nhà như mình.
Bạn kể câu chuyện từ hai năm trước, trong một lần về thăm nhà, thấy mẹ treo trên tường mấy tấm hình đã mốc meo, hoen ố mà cậu chụp từ 5-10 năm về trước (hồi mà cậu bạn cao tầm mét bảy, chỉ nặng 50kg, gầy ốm tong teo, khác hẳn bây giờ). Bạn đã trách mẹ là hình hư hết rồi, mẹ còn chưng ra làm gì. Mẹ nghe xong chỉ bảo: “Treo lên để lúc nào nhớ mày thì nhìn. Mấy năm nay, mày có chụp hình nào mới đâu”…
Nghe mẹ nói xong, bạn nghẹn cứng ở cổ họng, không biết nói gì nữa. Nào phải thằng con không chụp choẹt hình mới đâu. Nó chụp nhiều, nhiều lắm, một kho hình đủ treo kín bốn bức tường nhà cũng không hết. Có điều là mấy năm nay, nó chụp xong thì lưu trong kho của máy tính hoặc up lên FB này kia chứ nào rửa ra để mà có hình mới gửi về cho mẹ.
Con trai thì cứ đi biền biệt, năm về thăm nhà giỏi lắm thì được 2 lần. Bà mẹ già ở quê nào biết “Fây búc- Fây bét” là gì để mà truy cập xem hình con cho thỏa. Thành ra bà chỉ biết chưng ra mấy hình cũ rích, mốc meo, để khi nhớ con bà sẽ nhìn thấy được ngay mặt nó. Thằng con thì vô tâm không hiểu, chưa chi đã lên tiếng quở trách bà mẹ già.
Bởi thế người ta mới nói rằng: “Với con, thế giới thật muôn màu. Với mẹ, con là cả thế giới”… Và dù con có lớn có cao hơn mẹ bao nhiêu đi nữa thì nó mãi mãi là một thế giới đầy sắc màu trong đôi mắt đang ngày càng già nua của bà mẹ ấy…
Tôi nhớ quay quắt tới tấm hình của bạn chụp chung với bố mẹ. Có một dạo ở Vinh rộ lên trào lưu chụp ảnh gia đình trong studio. Cả đời bố mẹ, những người lam lũ đầu tắt mặt tối giữa phố đương nhiên chả quan tâm gì tới studio. Dạo đó, theo trào lưu, tôi cũng vào ra studio vài lần chụp những bức hình thật điệu đà, kiểu cách. Tuyệt nhiên không có một tấm hình gia đình theo phong trào nào.
Tôi có một anh bạn làm phóng viên, thường kè kè máy ảnh. Và một lần anh tình cờ cầm máy ảnh qua nhà tôi, ngay khi cành đào Tết đang rộ nở đã chụp giùm một bức ảnh. Bức ảnh ấy có cả bố, mẹ và con vì cũng chỉ rất tình cờ đó là lúc đang rỗi rãi ngồi uống trà. Ngày Tết nên không ai bận bịu gì. Tôi không bao giờ nghĩ đó là khoảnh khắc duy nhất của mình bên bố và mẹ được lưu giữ lại.
Một cơn bạo bệnh cướp mẹ đi rất nhanh. Nhanh đến chóng mặt. Một đêm khuya thật khuya tôi bỗng nhớ tới tấm hình bên hoa đào năm nào, bật dậy cuống cuồng đi tìm nó. Trong những cuốn albulm lớn bé không có. Tôi ngờ rằng nó nằm ở một cuốn sách nào đó. Tôi thường có thói quen rất dở hơi là thi thoảng đang đọc sách lại có hứng ngắm hình. Và ắt hẳn đã lơ đễnh gập nó vào trang sách nào đó. Nhưng là trang sách nào trong cả ngàn cuốn sách của thì tôi bó tay. Mọi sự cố gắng đều trở nên thất vọng. Tôi khóc òa vì tấm hình duy nhất ấy. Tôi trách mình trăm lần nghìn lần vì sao không chụp lấy vài chục vài trăm tấm hình cùng bố mẹ để đến mức phải khóc òa vì một tấm hình duy nhất bị đánh mất? Trong khi đó, có những chuyến đi du lịch, chỉ cần một góc phố đẹp cũng có thể hết đứng rồi ngồi làm dáng chụp cả chục bức hình?
Một lần xếp những cuốn sách cũ không còn đọc nữa để gửi từ thiện cho trẻ nghèo, tôi lần mở từng trang sách. Và bất thình lình tấm hình ngày xưa xuất hiện. Tôi khóc òa khi nhìn thấy nó, vì mừng, vì thương cái khoảnh khắc duy nhất ấy vô cùng.
Cô bạn của tôi là một nhiếp ảnh không chuyên rất thích chụp hình các cụ già. Một ngày kia bạn khoe bộ hình chụp bà nội của chồng sắp cưới trên FB. Bạn hãnh diện nói, đó là bộ hình đẹp nhất đối với bạn. Có người khen hình đẹp, có người vào “ném đá” nói bạn “nịnh” bạn trai quá đáng. Rồi thì là mà dạy dỗ những chuyện xa vời như: Bây giờ chưa cưới mà đã vậy, mai mốt cưới về cả nhà “nó” ngồi lên cổ.
Bạn lẳng lặng trước những comment ấy. Bạn nói với tôi rằng, bồ biết không, mình không có may mắn có được nhiều thời gian bên ông bà. Ông bà nội ngoại đều lần lượt mất khi mình chưa được 7 tuổi. Ngoài tấm hình thờ ra chẳng có tấm hình nào khác của ông bà bên con cháu. Thời đó vất vả mà… Việc một đứa thiếu hụt tình cảm ông bà như mình có cảm tình với bà nội của chồng sắp cưới vì bà thương mình, hãnh diện khoe những bức hình mà mỗi lần nhìn lại cho mình một cảm giác ấm áp là chuyện đơn giản dễ hiểu hết sức, có đáng ném đá không?
Ảnh minh họa: Tư liệu