Có lẽ là tôi sẽ khó quên cậu bé Mông ấy, khi tôi gặp cậu ở một ngôi làng mà sau rất nhiều năm hình thành nó mới được đặt tên. Nhưng thậm chí ngay cả khi nó đã có tên thì tất cả các nhân khẩu trong làng đều… chưa có hộ khẩu. Lý do cực kỳ đơn giản, mà cũng rất đau đầu những nhà quản lý, là bởi vì cả làng đều là dân di cư. Họ đã bằng cách nào đó, từ Tây Bắc “nhảy dù” vào giữa một khu rừng đại ngàn, mênh mông xanh rì của Tây Nguyên. Tứ phía là rừng núi, con đường duy nhất dẫn vào làng vẫn là đường đất, bụi mù mịt, đỏ au. Những đứa trẻ ở làng sinh ra từ sau khi cha mẹ ông bà di cư vào đây đều để trống ô tên cha trong giấy khai sinh. Là bởi vì các cặp bố mẹ trẻ không có hộ khẩu, chứng minh thư nên không thể đăng ký kết hôn. Hàng đống thẻ bảo hiểm y tế không sử dụng được; Tất cả các xe máy đang chạy trong làng đều có chung tên một người sở hữu, là ông chủ đại lý bán xe; Làng chưa có em nào có bằng tốt nghiệp THPT, vì học hết lớp 12 cũng không thể thi tốt nghiệp… Tóm lại, rất nhiều hệ lụy đã sinh ra từ việc di cư tự do. Cậu bé Mông mà tôi nhắc ở trên, vừa kể về giấc mơ trở thành ca sỹ vừa chảy nước mắt. Trước đấy, cậu vừa hát một khúc ca bằng tiếng Mông, mà giai điệu của nó sao mà buồn quá.
Không biết từ sau khi tôi đến, cách đây tầm hơn một năm, cho đến giờ, thì việc cấp hộ khẩu, chứng minh thư cho gần 100 hộ dân ở đấy đã có thay đổi gì chưa. Nhưng e là khó. Vì đất là đất rừng, không được ở, không được sản xuất. Mà không có đất/sổ đỏ, thì không thể cấp sổ hộ khẩu, chứng minh thư. Bài toán dễ hiểu mà rất khó giải.
Có điều, suốt hai chục năm qua, sống không có hộ khẩu, nhưng họ vẫn có đủ tên tuổi trong sổ sách quản lý của địa phương. Trẻ con vẫn túc tắc đến trường, thanh niên vẫn lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Họ nói, hai mươi năm nay chúng tôi coi vùng rừng núi này là quê hương thứ hai. Rừng núi bao bọc nuôi nấng chúng tôi. Chúng tôi cũng bắt nhịp vào cuộc sống của người bản địa trong suốt 2-3 thế hệ.
Ở ta, nhiều địa phương, vẫn đang đối diện với những hệ lụy từ việc di cư tự do mang lại. Nhưng có một điểm chung là, địa phương nào cũng nỗ lực tìm ra một cách giải quyết mềm dẻo, uyển chuyển nhất. Luật pháp là luật pháp, nhưng chúng ta không chỉ căn cứ vào luật để giải quyết mọi vấn đề của đời sống. Mà trong đó, có những thứ, luật nào cũng không thể thấu đáo, trọn vẹn được. Thì khi ấy, ngoài hợp lý còn có hợp tình. Tôi nhớ cậu bé Mông, tôi cũng nhớ anh công an xã dẫn đường khi anh nói rằng: Dù là sống ở đâu trên đất nước này, thì người Việt vẫn là người Việt, có quyền được mưu cầu hạnh phúc trên Tổ quốc của mình.
Ảnh minh họa: Quốc Đàn