NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC
Thật khó để hiểu được cách tiêu tiền của người giàu nếu bạn không có mức thu nhập tương đương với họ. Trên thực tế, khi thu nhập của bạn tăng lên thì mức chi tiêu của bạn rất có khả năng sẽ thay đổi tỷ lệ thuận với số tiền bạn kiếm được. Không có khung tiêu chuẩn cố định nào đúng với tất cả mọi người cũng như không thể áp mức chi tiêu của người này cho người khác để quy chiếu hay đánh giá. Tiêu tiền cũng có tính tương đối như thước đo cảm xúc vậy. Điều tầm thường với người này có thể là hạnh phúc lớn lao mà người khác theo đuổi. Bạn thấy thứ gì đó đắt không có nghĩa là người khác mua nó là hành vi phung phí.
Có một câu nói thế này: Tất cả những thứ có thể mua được bằng tiền đều rẻ. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó. Thật khó để khẳng định mình là người có nhiều tiền hay không, vì tiền bạc cũng như mọi vật ngoài thân khác đều là thứ thêm bao nhiêu cũng chẳng nhiều mà bớt bao nhiêu cũng chẳng ít. Nếu bạn đang ở giữa sa mạc thì có lẽ một bình nước sạch còn giá trị hơn hàng đống tiền. Còn nếu bạn đang nằm trong quan tài chôn dưới ba tấc đất thì không những tiền mà đến lúc đó, chẳng có gì là giá trị với bạn nữa. Dĩ nhiên tiền có thể giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề, nhưng tiền không phải là giải pháp vạn năng cho tất cả. Tâm lý con người là hay đề cao quá đà những thứ mình chưa có. Điển hình là tiền.
Bởi vì như vậy nên chúng ta thường thiếu đi sự cảm thông với người giàu, mặc định rằng cuộc sống của họ trải bước bằng phẳng trên con đường lát bằng tiền. Ai cũng nghĩ rằng những vấn đề của bản thân không được giải quyết vì thiếu tiền mà chưa bao giờ nghĩ đến việc, khi người ta có nhiều tiền thì làm gì với chúng cũng là một bài toán nan giải không kém. Đa số những người trúng xổ số độc đắc đều có cái kết tệ hại vì không biết làm gì với đống tiền từ trên trời rơi xuống. Rõ ràng tiền không khiến cuộc sống của họ tốt đẹp lên như họ từng mường tượng, như chúng ta từng mường tượng. Làm thế nào để sống tốt khi có nhiều tiền, thực ra đòi hỏi bản lĩnh mà không phải ai cũng có được.
Vụ việc cháu bé bị bỏ quên dẫn đến thiệt mạng trên xe bus đưa đón của một trường quốc tế ở Hà Nội vừa rồi là minh chứng, đáng buồn thay, cho việc người giàu cũng khóc như người nghèo dù họ có nhiều tiền đến đâu đi chăng nữa. Có những thứ không thể mua được bằng tiền, ví dụ như niềm tin, ví dụ như sự đảm bảo tuyệt đối cho những điều mình trân trọng nhất. Nếu họ không giàu đến mức có thể chi hơn nửa tỷ đồng để cho con học ở trường quốc tế, nếu họ không có khả năng chi trả cho dịch vụ đưa đón học sinh mà phải tự đưa đón con đi học, thì có lẽ câu chuyện đau lòng đã không xảy ra. Nhưng trách ai bây giờ, chẳng lẽ trách mình nhiều tiền? Chẳng lẽ trách mình đã đầu tư cho con những gì mình cho là tốt nhất để nhận lại sự vô trách nhiệm của nhà trường? Họ có đáng được cảm thông không? Có chứ. Bởi vì tiền không phải là thuốc tiên. Người giàu cũng biết đau, và khi đau họ cũng khóc.