NGHỊCH LÝ “ĐÃ ĐẾN LÚC”
Sáng nay, một phóng viên đến gặp tôi, trình bày đề tài các giải pháp đẩy mạnh sử dụng xe đạp tại đô thị lớn. Giữa ngổn ngang bao nhiêu vấn đề thời sự ăn theo sự kiện nóng hổi, tôi dửng dưng, chẳng muốn bàn chuyện này sâu hơn. Bạn phóng viên ngập ngừng thuyết phục: “Theo em, đã đến lúc lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề trên, vì tình hình giao thông đã trở lên quá bức xúc. Cần tăng cường các hình thức giao thông giảm thiểu ô nhiễm, tốt cho sức khỏe, hạn chế ùn tắc”. Tôi khựng lại, đề nghị bạn viết thành kế hoạch căn cơ để triển khai.
Nhịp sống ngày một trôi nhanh hơn; mỗi sáng thức giấc, chỉ mở điện thoại, lập tức hàng loạt sự kiện nổi cộm trong đêm cả ở Việt Nam lẫn thế giới tràn đến. Làm thế nào để lưu tâm với một đề tài? Tôi chợt nghĩ, đối với đề tài trên, lý do để mình quan tâm chỉ là ba chữ “đã đến lúc”. Để thu hút sự chú ý của người khác, chúng ta thường dùng ba chữ này. Vừa qua, khi Phú Quốc từ đảo ngọc trở thành đảo ngập, hàng loạt đại diện chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, chuyên gia, báo chí, người dân lên tiếng: Đã đến lúc đánh giá chính xác tình trạng lấn chiếm, san lấp sông rạch ảnh hưởng đến tiêu thoát nước ở khu vực này. Đã đến lúc khảo sát xem hệ thống thoát nước hiện hữu có đáp ứng yêu cầu hay không. Đã đến lúc phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc…
Sau sự việc em bé 6 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Gateway tử vong, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang khẳng định: Chúng tôi sẽ quan tâm đến chất lượng xe đưa đón học sinh. Năm nay sẽ có thêm quy định an toàn đối với xe ô tô đưa đón học sinh ngay từ đầu năm học. Một lãnh đạo UBND thành phố Long Xuyên (An Giang), cho biết: Sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ các điểm trường có xe đưa đón học sinh. Một chuyên gia góp ý: Đã đến lúc tăng cường xe chuyên dụng cho việc đưa đón học sinh.
Hầu hết các ý kiến dù được diễn đạt thế nào, đều hàm nghĩa “đã đến lúc”. Tôi sực nghĩ: Đối với rất nhiều vấn đề, sao các cấp chính quyền, cơ quan chức năng không chủ động phát hiện, dự báo, đưa ra kế hoạch, giải pháp đón đầu, hay còn gọi là giải pháp “phòng”, thay vì chủ yếu tìm cách khắc phục hậu quả, hay còn gọi là giải pháp “chống”? Tôi từng ấp ủ đề tài phóng sự về những chính sách đón đầu đem lại hiệu quả rõ rệt trên thực tế, nhưng đành bất lực vì không tìm được thông tin. Rất nhiều chính sách, quy định, giải pháp cho toàn xã hội hoặc một địa phương đều xuất phát từ những cái chết tức tưởi, những con số thiệt hại vật chất khổng lồ và cả chi phí cơ hội vô hạn không thể thống kê. Có thể nói một cách cay nghiệt là nhiều chính sách, quy định, giải pháp được đánh đổi bằng nỗi đau, nỗi mất mát khôn cùng. Chẳng hạn, sau vụ cháy chung cư Carina tại TP. Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, một loạt biện pháp gắn liền với các quy định siết chặt phòng cháy ở chung cư ra đời. Một bác xe ôm thường đậu xe quanh khu vực này chép miệng: “Phải có những vụ thế này thì mới quan tâm làm chặt, mới tránh được những vụ khác(!)”.
“Đã đến lúc” – cụm từ cửa miệng ấy vẫn xuất hiện khắp nơi. Đặt cụm từ này vào ngoặc kép để tìm kiếm bằng google, tôi nhận được 6.450.000 kết quả. Đặc biệt, có ít nhất hai bộ phim nổi tiếng, một của Anh, một của Hàn Quốc mang tên “Đã đến lúc”. Cả hai bộ phim đều mang yếu tố khoa học viễn tưởng, ẩn giấu sự nuối tiếc trước thực tại không như mong muốn, hàm chứa ước vọng ngược dòng thời gian để thay đổi kết quả mà con người đang chứng kiến.
Trong thời đại thông tin, khi mọi sự vật, hiện tượng đều vận động, thay đổi với tốc độ khủng khiếp, có những từ, cụm từ tưởng như hàm ý nhanh, thúc giục nhưng lại mang thực nghĩa chậm trễ, trì hoãn. Nhiều nội hàm bị giảm độ nhanh so với thực tế. Ví như: “Sẽ làm” là không bao giờ làm. “Lát nữa làm” là rất lâu nữa mới làm. “Làm ngay” là chưa hẳn tức thời mà chỉ mang tính ưu tiên, có thể hôm sau, tuần sau, tháng sau, thậm chí năm sau mới làm. Ở đại đa số trường hợp, cụm từ “đã đến lúc” chẳng qua là cách diễn đạt dễ nghe hơn của cụm từ “đã muộn mất rồi” đầy tiếc nuối, thất vọng. Theo quy luật “trừ hao” ấy, làm trước không phải đón đầu, mà là may ra mới kịp.
Muốn có sự “làm trước may ra mới kịp” ấy, cần tri thức, lương tri, trách nhiệm trong mỗi con người ở mọi vị trí, vai trò xã hội. Vị trí càng cao, trách nhiệm càng nặng, yêu cầu càng lớn. Lương tri và trách nhiệm hoàn toàn khác với tâm lý đám đông, chạy theo, giải quyết rốt ráo sự vụ nổi cộm để trấn an dư luận và hờ hững trước những sự việc tương tự không được xã hội quan tâm bằng. Chuyện bi hài như vậy từng xảy ra vào năm 2014, khi chủ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân tử vong do sai sót trong điều trị xuống sông Hồng. Sau đó, một số thi thể được phát hiện trên sông Hồng, nhưng dư luận chẳng mấy quan tâm vì kết quả giám định cho thấy không phải xác nạn nhân trong vụ án trên. Dù vậy, phía sau những phận người xấu số này có thể là sự việc thậm chí nghiêm trọng không kém vụ án đang được điều tra.
Lương tri và trách nhiệm là sự tự ý thức trong tận cùng lý trí, tâm hồn một lẽ phải: Mỗi tổ chức, cá nhân đều có bổn phận đóng góp trí lực, tài lực trên theo cương vị của mình để sớm ngăn chặn những hiểm họa, gặt hái những kết quả tốt đẹp. Nói như mục sư Martin Luther King, người đã hy sinh cả tính mạng cho hoạt động nhân quyền chống phân biệt chủng tộc: “Cuộc sống của chúng ta bắt đầu chấm dứt từ cái ngày chúng ta trở nên câm lặng trước những vấn đề hệ trọng”. Thái độ câm lặng ở đây là sự vô cảm, bình chân như vại, coi những vấn đề ảnh hưởng rộng khắp là việc của cộng đồng, không phải việc của mình, để đến khi chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự thờ ơ thì thốt lên: “Đã đến lúc…”.