Từ năm học lớp 5 trở đi, tôi đã có một đặc ân: Được về quê bất cứ lúc nào mình thích. Mẹ tôi khuyến khích con cái sống tự lập từ rất sớm nên việc để một cô nhỏ mới 11 tuổi tự đi gần 70 cây số từ Vinh về Đô Lương với mẹ là bình thường.
Về quê vui nhất khi tình cờ gặp ngày mùa. Những chiếc xe bò chở đầy lúa về tận sân nhà. Phát hiện ra cháu gái từ xa, xe bò của cậu dừng lại chờ tôi chạy lại, nhảy thốc lên xe. Ngồi trên đống lúa chật kín, nhìn xung quanh những xe bò khác cũng có dăm ba đứa nhỏ cheo veo trên đó. Đứa này nhìn đứa kia có khi chẳng cần trò chuyện, chỉ khúc khích cười cũng có một cảm giác vui vui rất lạ. Cảm giác ấy dĩ nhiên làm sao có được khi là một đứa trẻ ở phố.
Máy tuốt lúa cậu để ngay bên cổng vào nhà, tiếng đạp máy, tiếng máy tuốt rào rạt khắp những con đường làng, ngõ xóm. Mự tôi mới về làm dâu nên khéo lấy lòng trẻ con. Mự dúi riêng vài nắm lúa nếp hạt mẩy tròn để đãi “khách thành phố”. Xong xuôi mọi việc còn nán lại rang lúa nếp. Mùi lúa nếp mới gặt về thơm lừng ấm áp khắp mọi gian nhà. Thích nhất là ngồi bên bếp lửa chờ nếp rang xong, mỗi đứa nhỏ lại được mự dúm cho một chút, chờ nguội trút vào túi áo. Một nhúm lúa nếp rang thôi nhưng đứa nào đứa nấy làm như đủ đầy sung túc lắm, vừa rí rích nhằn lúa ăn vừa nghêu ngao đủ chuyện. Vị ngọt thơm và giòn rụm của nếp mới theo suốt tuổi thơ cho tới mai này.
Những đứa trẻ theo người lớn ra đồng mùa gặt hay vào sân quanh quẩn bên khu vực máy tuốt lúa đều có cảm giác vui như hội. Dù người lớn thi thoảng vẫn quát lên một tiếng vì không muốn bị vướng chân, không muốn bọn trẻ có thể bị nổi mẩn vì bụi lúa. Cậu họ tôi chỉ hơn tôi vài tuổi thường nắm theo cục đất sét mềm mịn từ đồng về. Cậu khéo tay, tỉ mẩn nặn hình ô tô, con chó, con chuột… Hai cậu cháu cùng hong cho khô, cùng chơi và tôi thường được cậu tặng hết sau đó khi trở lại thành phố. Bà ngoại không quên gửi bác tài xế thêm vài chục cân gạo mới cho mấy mẹ con ăn dần. Năm nào cũng như năm nào, cũng chỉ chừng đó câu chuyện, nhưng khi trở lại thành phố, tôi vẫn háo hức kể chuyện mùa gặt cho mẹ, mẹ vẫn háo hức lắng nghe bên bát cơm thơm ngọt mùi gạo mới.
Tôi nhớ những cánh đồng lúa chín vàng từ lèn Bảo Nham (Yên Thành) nhìn xuống. Vào một chuyến tự mình về quê, năm lớp 7, tôi đã cao hứng tự xuống dọc đường để tham quan lèn Bảo Nham – một cảnh đẹp mà cô bạn thân quê lúa rất tự hào, từng kể đi, kể lại nhiều lần. Từ chân lèn, tôi bước theo hành trình mô phỏng cuộc đời Đức Chúa lên đến đỉnh lèn. Bất ngờ ngờm ngợp trên đỉnh lèn là gió đồng thông thốc thổi thơm hương lúa mới. Những thảm lúa vàng nương tựa vào nhau chờ tay người gặt hái. Âm thanh xào xạc của đồng lúa chín tựa một khúc hoan ca vang vang khắp nơi. Và nắng vàng rải như rót mật tỏa lan đều khắp đồng lúa tựa một bức tranh thật đẹp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được ngắm một thảm lúa vàng mênh mông từ trên cao nhìn xuống với một cảm xúc khó tả. Tôi đã ngồi thật lâu chỉ để ngắm đồng lúa chín, cho đến lúc phải chạy vội xuống đất để bắt xe tiếp tục về nhà ông bà khi nắng đã xế chiều.
Cô nhỏ năm xưa đã lớn, và rồi cũng không còn trẻ. Thời gian trôi qua mọi thứ. Nhưng không hiểu sao mỗi khi đi qua một cánh đồng lúa chín lại thấy nguyên sơ lắm. Vẫn là màu vàng của lúa, mùi ngọt đằm của lúa chín, mùi nồng nồng của bùn đất nhiều người đạp lên. Vẫn là nắng vàng như mật rải lên đó trong veo như năm nào.
Bạn hẹn tôi, nơi này chốn nọ mùa Hè này. “Nhất định phải đi nhé, vì hai năm rồi kẹt dịch”. Mà tôi thì đã hẹn với lòng mình, mùa Hè này, nhất định sẽ cùng con quay về những cánh đồng lúa quê mình để cùng nghe lúa đồng thơm hương, xào xạc ca bài ca muôn thuở. Và mẹ sẽ kể cho con nghe về những cánh đồng lúa chín tình cờ đi qua vẫn còn in vệt nhớ trong ký ức…
Ảnh minh họa: Hải Vương – Huy Thư – Lê Thắng