NẾU
Cũng lâu rồi người viết bài này quên khuấy mất cái thú vui nói lái xứ Nghệ, vậy mà sáng cuối tuần vừa rồi đang ngồi tám chuyện với bạn học, bỗng nhiên được phen “trả bài cũ” ngớ người. Chả là khi cả nhóm đang thảo luận về vụ ông khách hạng VIP khua khoắng đôi tay ít sạch sẽ của mình vào cô gái trẻ trên máy bay ngay trong khoang ghế hạng thương gia, bị lực lượng an ninh tống ra ngoài, một thành viên trong nhóm tám chuyện của chúng tôi nêu giả thiết: “Nếu trên máy bay không có camera ghi lại hình ảnh làm bằng chứng thì liệu có xảy ra tình huống vị khách nồng nặc tửu khí ấy tố ngược cô gái đen đủi nọ tội vu khống không?”. Bạn tôi đỏ mặt tía tai trả lời: “Lại nếu, dân mình cái gì cũng nếu, nếu là nếu thế nào! À quên, trừ khi… nếu quá đỏ”. Tôi vừa vặn hỏi sao lại “nếu quá đỏ” thì cu em bên cạnh đã hỗ trợ đảo lái, “nếu quá đỏ là nó quá… đểu!”.
Thế rồi cu em tiếp tục phân tích, chỉ khi quá đểu thì mới tố ngược, còn đểu vừa vừa như “thương gia” ấy thì nộp phạt 200.000 đồng, rồi sau đó bỏ thêm vài triệu làm từ thiện nữa lại hồi sinh thành người tử tế ngay ấy mà. Chợt nghĩ, nếu hôm ấy các nhân viên an ninh không mời vị này xuống máy bay, rồi nếu ông ta gọi điện cho ai đó thành công, rồi nếu ai đó vì cái gì đó mà “đuổi thẳng cổ” tiếp viên như tuyên bố của vị khách VIP thì sao nhỉ? À, mà nếu cô gái ấy không dũng cảm hét toáng lên thì ông ấy còn khu trú trong cái hình hài “bé khỏe bé ngoan” đến tận bao giờ? Đúng rồi, là nếu thôi. Bạn tôi có lý, “dân mình thì cái gì cũng nếu”. Cái gì cũng nếu thành ra quen, nhưng… nếu không có chữ nếu thì sao nhỉ?
Không phải danh từ, động từ hay tính từ nhưng nếu là một trong những từ có tần suất xuất hiện dày đặc bậc nhất trong cuộc sống thường nhật. Hình như bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu người ta cũng dùng đến chữ nếu. Ai đó từng nói, đại ý: “Nếu Paris nhỏ bằng hạt đậu thì sẽ cho vào cái lọ để thả trên nước làm thành phố nổi”. Thế đấy, nếu là những điều chưa bao giờ xảy ra, thậm chí không bao giờ xảy ra. Nếu là sự giả định lãng mạn nhất nhưng cũng mơ hồ nhất. “Nếu” đôi khi như một lời than vãn thay cho từ… giá như. Thật mà, giá như cuộc đời này đừng bao giờ phải đánh vần chữ nếu!
Nếu trạm BOT biết nói thì chắc nó sẽ đủ liêm sỉ để tự chọn cho mình một cái tên thấu tình đạt lý, chứ làm gì vùng vằng dặt dẹo hết thu phí lại tráo qua thu giá, hết thu giá lại quay về thu phí, rồi cao hứng lại định chuyển sang thu tiền.
Nếu một loạt cán bộ trẻ vừa bị “rút ghế” không thuộc nhóm “câu lạc bộ hạt giống đỏ” thì sao nhỉ? Liệu sự nghiệp của những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo, Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… có đến mức chết yểu một cách thê thảm như thế không?
Nếu đường sắt trên cao được thay thế bằng một nhà thầu tử tế khác thì liệu có đội vốn khủng khiếp như thế không? Liệu có đến mức lùi tiến độ hết lần này qua lần khác mà không biết xấu hổ thế không? Và liệu có mù mờ về hiệu quả khai thác tối như hũ nút thế không?
Nếu vụ án ấu dâm nào cũng phải có camera quay cho được bàn tay trái chạm vào vùng trước bụng nạn nhân như vụ ông Nguyễn Hữu Linh thì có chết con người ta không? Nếu nay mai ý tưởng xây dựng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Việt Nam trở thành hiện thực, nó hùng mạnh, nó thống trị thị trường trong nước và cả quốc tế thì nó có trở thành niềm tự hào dân tộc không? Và quan trọng là 2 “ông nhớn” Facebook và Google có bị phá sản không? Những ông chủ bại trận ấy có phải sang tận Việt Nam để ngồi nhâm nhi cốc nước mưa đựng trong lu mà học lại bài vỡ lòng kinh doanh công nghệ không? Nếu bệnh ảo tưởng là có thật thì mạng Zalo có phải “về nơi an nghỉ cuối cùng” trong một ngày xấu trời gần đây không? Nếu cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV không đột ngột tử vong trong trại tạm giam thì có cái tên nào thuộc hàng “sâu chúa” được xướng danh không? Nếu cứ hút nước sông Đào ô nhiễm lên bán giá cao cho dân năm này qua năm khác thì có được gọi là tội phạm không? Thân nhân của những người “bán nước” ấy có giải pháp gì phòng, chống ung thư cho lãnh đạo doanh nghiệp không? Hay là… “nếu quá đỏ”?
Vâng, chỉ là nếu thôi. Có những chữ nếu đầy khảng khái nhưng cũng có những chữ nếu đầy hoài nghi. Có những chữ nếu vô cùng lạc quan nhưng cũng có những chữ nếu ngập tràn tiếc nuối. Có những chữ nếu dùng trong câu thách thức nhưng cũng có những chữ nếu nằm trong lời thỏa hiệp buông xuôi. Có muôn vàn chữ nếu ẩn mình trước hoặc sau những tiếng thở dài khuất tất, ngao ngán.
Trong cuộc sống thường nhật, chắc chắn tôi cũng như bạn không dưới một lần thốt nên chữ nếu đầy buồn bã, thậm chí đau đớn. Mới tuần trước thôi, trong lúc dự đám tang một người nọ, tôi đã nghe cô con gái khóc thảm thiết. “Mẹ ơi, mẹ sống lại đi, mẹ sống lại chút thôi, cho con được nói với mẹ một lời xin lỗi”. Chao ôi, nếu bà mẹ ấy có thể sống lại nhỉ – cô con gái sẽ nhả lời xin lỗi thế nào? Có nói không hay lại cứ khất lần khất lữa cho đến chết?
Chúng ta nợ cuộc sống này quá nhiều rồi. Cuộc sống không đòi chúng ta phải trả cả “lãi mẹ đẻ lãi con” nhưng cuộc sống không phải là một cuốn sổ ghi nợ số trang dày bất tận. Nếu có thể “tua” lại cuộc đời như một cuốn phim để chúng ta có cơ hội sửa lỗi thì tốt biết bao. Rất tiếc điều ấy chỉ có trong đầu óc giàu chất xám của những nhà làm phim viễn tưởng. Cuộc sống chạy một chiều theo mũi tên véc tơ và mặc định như một thách đố khả năng chinh phục của muôn loài chúng sinh. Chúng ta không có quyền năng lùi lại thời gian, chúng ta không thể làm đổi thay quá khứ. Nhưng, có một sự thật rằng, hôm nay đang là quá khứ của ngày mai. Cuộc sống càng nhiều sai lầm, chúng ta càng có nhiều chữ nếu xen lẫn giữa muôn vàn hai chữ giá như. Hãy cố gắng chắt chiu từng chút hiện tại.
Xin được kết thúc bài viết này bằng đoạn trích trong bài thơ “Nếu” viết cách đây đã 125 năm của Rudyard Kipling (nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907).
“Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
Nếu con vẫn vững tin khi mọi người nghi kỵ
Mặc ai đó không tin nhưng con vẫn vững lòng
Nếu con biết đợi và kiên nhẫn chờ trông
Không lấy điều dối gian đáp lại điều gian dối
Hoặc bị căm ghét mà không căm ghét lại
Không nói những lời khôn, không ra vẻ thánh thần”.