Vàng vẫn hùng dũng trèo lên giá 43, chứng khoán vẫn nhùng nhằng xanh đỏ trước ngưỡng 1.000 điểm, và tất nhiên những người dân ở đảo chè vẫn miệt mài chèo thuyền đón khách du lịch đến check-in… cuộc sống chưa một giây dừng lại cho dù cội nguồn sự hoàn tục của một nhà sư lại là con số 300 tỷ đồng.
Trên mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt clip nhà sư Thích Thanh Toàn chắp tay sám hối và cầu xin “hội đồng kỷ luật” thông cảm; đồng thời cho phép được giữ lại khối tài sản cỏn con để toàn tâm toàn ý… cưới vợ. Bỏ qua cái phần trình bày lúng túng quanh co, tối nghĩa và đầy yếu tố sặc cười của “thầy” Toàn, bà con quan tâm nhiều đến con số 300 tỷ. Sao mà lại không quan tâm cho được, 300 tỷ cơ mà! Đủ để xóa nghèo cho 30 ngàn hộ dân, một con số gây bàng hoàng không chỉ cho những ai còn bị mê hoặc bởi hai chữ “cúng dường” mà nó còn là gợi ý về một “nghề” thu nhập cao cho các nhà “lười biếng học” khởi nghiệp. Không tốn nhiều mồ hôi công sức, không phải lao tâm khổ tứ, cũng không mơ màng đến chuyện Quốc hội sẽ quyết tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu!
Vụ việc thầy Thích Thanh Toàn đã chiếm không biết bao nhiêu dung lượng của bộ nhớ tạm. Một nhà sư thò đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, người vái lạy nườm nượp. Vậy mà sau đằng sau tấm áo cà sa thanh tao ấy lại là một con người dung tục đến quái dị. Tôi không dám bàn đến những triết lý cao đẹp của Đức Phật vì nó khác quá xa với kẻ núp bóng Ngài để thỏa mãn nhục dục. Câu chuyện chùa Ba Vàng chưa kịp nguội. Đến lượt sư Toàn, không thể nói gì hơn ngoài hai chữ nhơ nhớp. Những gì ông Toàn gây ra cho giáo hội là tày trời. Vậy mà khi chắp tay sám hối ông vẫn cười và thừa tỉnh táo để ngoắc cái khối tài sản khổng lồ mà ông đã tạo ra bằng cách trục lợi sự ngây thơ của tín đồ ấy về phía mình. Ông tham, nhiều người bảo là ông tham, tất nhiên rồi. Ông mưu mô, nhiều người bảo là ông mưu mô, tất nhiên rồi. Chỉ có điều này là họ không để ý, cái tham hay cái mưu mô ấy không phải buột nhiên mà có, nó chính là thứ hành trang phi phật thể mà ông đã che đậy trong suốt mấy mươi năm khoác áo tu hành. Chỉ đến giờ chót, khi chắp tay lần cuối để “về cưới vợ”, ông mới có lời nói thật sau cùng. Cảm ơn ông, nếu không có lời nói thật ấy thì làm sao mà phật tử nhận ra tấm mặt thật của ông và những người đang ngụy tu hành như ông. Cảm ơn ông, sau mấy chục năm dối trá thì cuối cùng thì ông cũng đã có những lời nói thật. Dù nó trần trụi và dung tục đến mấy thì vẫn hơn ngàn lần sự dối trá mà ông đã trải qua.
Cũng như vụ việc dối lừa hồ sơ kinh điển đang làm sôi sục dư luận ở Đắc Lắk. Mọi thứ đang yên đang lành, rồi bỗng một ngày mát trời người ta phát hiện ra vụ nhân bản vô tính trên người đầu tiên giữa đại ngàn Tây Nguyên. Trưởng phòng hành chính quản trị nọ tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa, nhưng thực tế lại không phải là Trần Thị Ngọc Ái Sa mà là… Trần Thị Ngọc Ái Sa! Quá ngoạn mục, một vụ dối lừa trắng trợn hơn 20 năm ngay giữa cái nơi gác cửa hồ sơ mà vẫn không hề ai hay biết.
Sau khi vụ việc được phát giác, hàng trăm câu hỏi được đặt ra mà không có nổi lấy một phần tư câu trả lời. Cười ra nước mắt, mỉa mai cũng ra nước mắt mà khóc thì lại chả thấy lệ rơi. Một đứa trẻ vào lớp một thì đến mấy lần trình giấy khai sinh gốc, ấy mà một trưởng phòng cấp tỉnh thì lại trơn truột thế? Cô ấy còn được kết nạp vào Đảng, còn học đại học rồi thì cả thạc sĩ. Nực cười, té ra để học thạc sĩ chỉ cần có bằng đại học, để có bằng đại học chỉ cần có bằng cấp ba còn để có bằng cấp ba thì chỉ cần… mượn! Cũng may là cái cô bản sao Ái Sa ấy còn học hết lớp 9 chứ nếu chỉ học xong mẫu giáo mà mượn được bằng cấp 3 thì vẫn cứ thạc sĩ như thường, mà đã thạc sĩ thì đương nhiên có thể lên tiến sĩ, mà đã tiến sĩ thì dương nhiên là một trong hai mươi bốn ngàn vì tinh túy của nước nhà. Kinh chưa! Thế mới biết cái chất lượng đầu vào sau đại học nó sởn gai ốc như thế nào. “Mất bò mới lo làm chuồng”, các cơ quan chức năng sở tại đang sốt sắng để thứ nhất là giải trình, thứ hai là quy trách nhiệm… Nghe nói đoàn đi mấy ngày về mà căng phồng bởi toàn câu hỏi “vì sao”! Một lần nữa cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” được nghĩ đến trong hàng triệu cái đầu!
Cơ quan nơi bản sao Ái Sa dâng hiến tuổi thanh xuân đã họp, cô gái trong vai Ái Sa cũng đã có những tâm sự thật đến ngẩn ngơ người. “Mấy chục năm qua, em ăn năn, lo sợ có một ngày sẽ bị lộ ra. Nó cứ treo lơ lửng trên đầu em, không ăn không ngủ được. Giờ thì em nhẹ người rồi. Em biết sai phạm của mình không khắc phục được, em xin nghỉ việc ngay. Chính vì vậy mà tổ chức không phải thẩm tra nhiều nơi, sớm đưa ra kết luận và họp bàn hướng xử lý”. Tin đi, mấy chục năm cô ấy dối lừa, nhưng những điều cô ấy vừa nói là những lời nói thật. Mất hết cũng được, chỉ cần “nhẹ người” thôi!
Cuối tuần xin kể cùng bạn đọc một câu chuyện mà tôi đã từng nghe, có lẽ ly kỳ không kém so với vụ Ái Sa. Chuyện rằng, Làng Thiện ven đô là nơi sinh sống của dân góp, có cụ ông có tên là Nguyễn Văn Đông, nhưng hàng tháng lại nhận chế độ thương binh mang tên Nguyễn Văn Điều. Bà con xì xầm rằng cụ Đông còn có anh trai tên là Điều bị tàn tật bẩm sinh sống ở quê. Nghe bà con xì xầm nhưng cụ Đông cũng chỉ im lặng. Năm 2013 khi cụ Đông ốm nặng, trước giờ lâm chung cụ mới gọi con cháu lại trao cho một cái hộp đựng kỷ vật chiến trường, trong đó có bản thảo lá đơn tình nguyện viết bằng máu đã ngả màu. Té ra ngày ấy cụ Nguyễn Văn Đông xung phong lên đường nhập ngũ nhưng vì chưa đủ tuổi bèn lấy trộm tên người anh trai khuyết tật là Nguyễn Văn Điều để đăng ký. Mọi chuyện trót lọt, cụ Đông ra chiến trường chiến đấu và bị thương. Cụ về làng với cái tên và thẻ thương binh của người anh ruột. Nghe nói ngày ấy trong đám tang cụ, nhiều vòng hoa có tên Nguyễn Văn Đông nhưng cũng có cả những vòng hoa “kính viếng đồng chí Nguyễn Văn Điều”.
Thế mới biết đôi khi để đón nhận một sự thật, chúng ta phải chờ đến phút cuối cùng. Có những sự thật làm choáng váng. Có những sự thật làm “nhẹ người”. Có những sự thật khó hiểu. Nhưng cũng có những sự thật làm chúng ta nghẹn ngào.
Còn sự thật đằng sau cô Ái Sa ư, hãy chờ đi, chưa đến phút cuối cùng!