Có lẽ trong tuần qua thì không có từ khóa nào được nhắc đến với mật độ dày đặc hơn là từ “lậu”. Xin lỗi những ai nhạy cảm và giàu liên tưởng, tác giả hoàn toàn không có ý định đề cập đến một trong những căn bệnh khó chữa thuộc nhóm hoa liễu của y học, chỉ là đang nói đến chữ “lậu” mà hàng triệu người hâm mộ đội tuyển Olympic Việt Nam đang nô nức vi phạm. Có lẽ đây là vụ xem lậu quy mô hùng hậu và tính chất ngang nhiên nhất lịch sử! Lậu mà rùm beng hơn cả không lậu! Lậu mà vẫn không thấy ai bắt…
Lác đác vài bài báo chạy tít kiểu như “Xem bóng đá qua trang Xôi Lạc là tiếp tay cho vi phạm bản quyền”, rồi thì “Xôi lạc có thể bị xử lý hình sự”. Hình như những thần dân đang dán mắt lên màn hình chả để ý cảnh báo hơi bị đãi bôi này, bằng chứng là qua cái khe hẹp còn sót lại của pháp luật, mỗi khi Olympic Việt Nam thi đấu là những tiếng hò hét lạc giọng vang mọi ngõ ngách. Người ta công khai chuyền tay nhau những đường link có chất lượng ổn nhất. Tặc lưỡi, thôi thì kệ, ai vi phạm cứ vi phạm, ai răn đe cứ răn đe. Ra quán cà phê, người ta mở cái ti vi to đùng ra chả nhẽ vì con ngáo ộp bản quyền mà lại phải nhắm mắt lại à? Phạt ư? Không sao, chỉ sợ không đủ giấy mà in biên lai thôi, không dưới 10 triệu tờ đâu nhỉ?
Mà đã xem lậu rồi còn quay lại đay nghiến một nhà đài, thậm chí còn vu vạ nhà đài kiểu như đã “biến người tử tế thành… kẻ trộm”. Mà khán giả không có lỗi, lỗi là ở người mở. Ồ không, người mở không có lỗi mà lỗi là do người phát. Ồ không, người phát không có lỗi mà lỗi là do… người không mua về phát! Tội thân nhà đài ấy, đúng là tiến thoái lưỡng nan. Giống cô gái đẹp lỡ thì, thuở đang lắm kẻ săn đón thì làm mình làm mẩy, đến khi ế toàn tập muốn kiếm tấm chồng thì chỉ sót lại vài gã trai tồ nghễnh ngãng. Không có bản quyền thì thần dân oán trách, nhưng giờ thò tiền ra mua nếu không may Quang Hải và các đồng đội sẩy chân thì còn gì giữa “mâm” nữa đâu! Trên các diễn đàn mọi con đường mang theo bản kiểm điểm đều dẫn đến… nhà đài! Oan quá Thị Mầu ơi! Nhà đài ấy có phát lậu đâu?…
Nhưng thôi, đến đây xin dẫn lời ông Trần Đức Phấn – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam vừa nói vọng từ Jakarta về rằng “Bản quyền Asiad tạo động lực cho vận động viên nước nhà thi đấu tốt hơn”. Chuẩn! Tin đi, ông ấy không khách sáo đâu. Hai gương mặt mang theo niềm hy vọng vàng là Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh đã thất bại khi bản quyền phát sóng chưa kịp ký. Thương các anh các chị, chắc cũng tủi thân lắm, nguồn động lực đến với các anh các chị quá muộn mằn bởi cái trở ngại gọn lỏn trong mỗi chữ tiền. Nhưng thưa, các anh tủi mười thì chúng tôi cũng tủi đến hai, ba. Tủi vì không có được cơ hội sát cánh cùng các anh các chị. Bởi là vì thể thao mang theo sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc…
Nhân đây tác giả xin hầu bạn đọc câu chuyện có thật như này.
Ở xóm nọ, có anh nhà giàu nhưng năm nào cũng mua đào vào cuối chiều 30 tết. Khi chợ tết đã cạn, những người cuối cùng quyết định bán đổ bán tháo để về cúng giao thừa thì anh mới nhỉ tiền ra để mua với giá gần với giá… củi. Kẻ khen khôn, người chê ngu. Trong lúc thiên hạ tíu tít mua đào chơi tết thì việc của anh là đợi. Năm nào cũng vậy, anh khoe mua được đào rẻ. Vâng, công nhận rẻ, nó rẻ bằng 1 phần 10 cành đào thông thường. Anh lấy đó làm khoái chí như thể là một chiến tích ranh mãnh về thị trường vậy. Thưa anh, cái gì nó cũng có giá cả, cành đào của anh giá “xấu” vô cùng. Người ta dùng đào cả tuần để vừa ngắm vừa để tận hưởng cái không khí đón tết thì anh lại thấp thỏm đợi đến tận chiều 30. Cái cành đào lẻn vào nhà anh bằng lối đi “kẹt xỉn” rồi chui qua giao thừa một cách qua quýt thế là xong. Mới năm ngoái thôi, chiều 30 anh ăn quen bén mùi ra mua đào rẻ, ai ngờ cháy hàng nên chợ vắng teo. Một mình anh lang thang bên những cành đào phế phẩm ven đường. Anh nhìn trước ngó sau như một thằng ăn trộm rồi vội vàng nhón lấy một cành bề thế nhất buộc lên xe chở về dùng. Nhìn cành đào trơ trụi thảm hại, anh lại phải hì hục gắn lên đó những chiếc hoa nhựa màu hồng. Anh đón xuân giữa thật giả lẫn lộn.
Cũng đốt lửa bôi vôi, cũng đổ nước nóng, cũng bồi bổ mấy viên B1 hòng ép cho cành đào “vô giá” kia ra hoa ra lộc. Cay đắng thay, sau cả tuần trơ trơ, khi xuân vãn anh chuẩn bị cúng khai hạ thì cái khúc củi khẳng khiu ấy đột ngột nhú ra tua tủa lộc. Dẫu muộn mằn nhưng anh khoái chí bứt một chồi đưa lên mũi ngửi và nhờ cái khứu giác tinh tường của mình anh phát hiện ra đó là lá… na! Chao ôi, không phải đào mà là na. Nói cách khác là đào đểu, đào lậu! Đời là vậy, anh không muốn mất tiền mà, có ai lừa anh đâu, là tự anh lừa mình đấy chứ.
Trở lại với vụ bản quyền Asiad, liệu có phải ai đó chờ đến giờ chót, khi người ta chấp nhận “bán đổ bán tháo” mới xuống tiền? Ở đời đôi khi khôn quá hóa dại. Tự nhiên lại nhớ đến hai câu Kiều của cụ Nguyễn Du “Miếng ngon kề đến tận nơi / Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham”. Cuối cùng thì cũng có tin tốt lành, dẫu muộn mằn nhưng một nhà đài đã mua được bản quyền phát sóng Asiad. Dân không phải xem lậu nữa…