Trong một cuộc giao lưu chủ đề khởi nghiệp, một nhà nghiên cứu kinh tế nhiều năm làm việc ở nước ngoài, khi được hỏi sự khác nhau giữa bạn trẻ Việt Nam và bạn trẻ các nước khác, đã trả lời ngắn gọn rằng: “Tôi thấy người trẻ Việt kết hôn sớm quá”. Câu trả lời khiến nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng chắc chẳng cần đến những con số thống kê, chỉ cần nhìn xung quanh mình, hẳn nhiều người nhận ra nhận xét này hoàn toàn có cơ sở. Nếu có ai đó còn cảm thấy băn khoăn, thì số liệu thống kê năm 2017 cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam là 24,6, sớm hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan,…
Nhìn lại con số 24,6. 24 tuổi 6 tháng. Với một người học hành thuận lợi thì tuổi này vừa chỉ ra trường 1-3 năm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, họ vừa tìm kiếm công việc phù hợp và ổn định, vừa tính chuyện xây dựng gia đình. Tất nhiên, đi kèm với xây dựng gia đình còn là nhiều bài toàn to lớn khác nữa như mua nhà mua xe, sinh em bé, tiết kiệm tiền,… Vậy giữa những quay cuồng với kế hoạch dài hơi của cuộc đời ấy, năm tháng nào sẽ được dùng để tích luỹ kinh nghiệm công việc, học tập thêm các bộ môn mới, phát triển sở thích và năng khiếu bản thân, đi ra ngoài nhìn ngắm thế giới, sống cho ước mơ của riêng mình?
Những người dưới 30 tuổi còn độc thân ở Việt Nam, bất kể trai hay gái, đều bị xem là “ế sưng ế sỉa”, “không ai thèm rước”. Họ càng khó kiếm bạn đời hơn vì hầu hết bạn bè cùng trang lứa và những người gần tuổi đều đã sớm yên bề gia thất. Bủa vây cuộc sống của họ là vô vàn lời bàn ra tán vào của hàng xóm, là lời thúc giục của bố mẹ họ hàng, là lời khuyên giải của bạn bè đã lập gia đình,… Nói không quá rằng, lập gia đình trước mốc tuổi 30 ở Việt Nam như một “nhiệm vụ sống còn” mà ai cũng phải lo lòng chạy đua cho kịp “thời hạn”.
Vậy lập gia đình sớm có gì sai? Chẳng có gì sai cả. Miễn là đúng quy định pháp luật, kết hôn ở tuổi nào cũng là tuyệt vời, chỉ khi nó được xuất phát từ lý do duy nhất đó là mong muốn được gắn kết với người mình yêu. Mọi “động cơ” kết hôn khác, ví dụ như “đến tuổi”, như “bố mẹ giục”, hay như “bạn bè cưới hết cả rồi”… đều là một sự sai lầm từ trong bản chất. Có nhiều người còn xem cuộc hôn nhân như một thứ tài sản đặc biệt, cần phấn đấu để có được. Người bạn đời cũng giống như chiếc xe 4 bánh, như tờ chứng nhận sở hữu nhà đất, như tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng, đến tuổi là phải cố gắng có được “cho bằng bạn bằng bè”.
Một nhà văn yêu thích của tôi, Amelie Nothomb, khi còn trẻ đã bộc bạch rằng: “Tôi hạnh phúc vì ở tuổi 25 tôi chẳng có gì trong tay. Điều đó có nghĩa tôi có thể làm mọi thứ mà không cần sợ hãi, có thể bắt đầu mọi dự định mà tôi muốn, ngay bây giờ.” Tuổi 25 được Amelie Nothomb nhìn nhận như một chặng khởi đầu. Trước đó, cô đã dùng nhiều năm để học các chuyên ngành cô yêu thích, thực tập ở nhiều công ty trên khắp thế giới, khám phá nhiều nền văn hoá khác biệt. Với tôi, nữ nhà văn đã thực sự là một “người trắng tay” giàu có. Không phải ai cũng có thể nhận ra chân lý sống giản dị ấy. Ở độ tuổi sau 20, nhiều người gồng mình với áp lực phải “có gì đó trong tay” mà biến tuổi tác của mình thành một chiếc đồng hồ đếm ngược đáng sợ và vô tình “tài sản hoá” cả những điều thiêng liêng, như một cuộc hôn nhân.