Ở phòng khách nhà tôi có một bức tranh vẽ phong cảnh Đà Lạt. Cảnh có hàng chục cây thông vươn những thân mình, cành lá chắc khỏe lên bầu trời có những đám mây xanh, mây trắng. Có hàng trăm bông hoa dại nho nhỏ nở dọc con đường mòn cong cong. Xa xa là những biệt thự ẩn hiện lấp ló giữa bạt ngàn thông xanh. Sắc màu chủ đạo là màu xanh lá ngời sức sống. Người hiểu về hội họa có lẽ đa số không hài lòng với bức tranh ấy, vì đơn giản chỉ là sao chép một cảnh thực, không có gì độc đáo, sáng tạo hay cá tính ở bức tranh ấy cả.
Bức tranh ấy có mặt ở đó cả chục năm nay. Tôi mua lúc tôi đang rơi vào một hoàn cảnh buồn, rất buồn, và chủ nhân của bức tranh đã động viên mình ghê gớm.
“Chị Hương nhìn này, bức tranh này em vẽ khi rất buồn. Phải mất nhiều thời gian, rất lâu, lâu lắm, em không nhớ bao lâu nữa. Cứ vẽ từng chút từng chút một. Trước khi vẽ, em không nghĩ rằng mình có thể vẽ một bức tranh lớn thế. Khi hoàn thành, ngoảnh lại ngó nỗi buồn của mình thì nó đã ở đâu đó xa lắm rồi”.
Hằng có một hoàn cảnh rất đặc biệt. Bị người chồng phụ tình, bạc nghĩa đuổi đi, không cho nuôi con, không cho thăm con, tay trắng. Cô vào gúp việc cho bác họa sĩ già. Mỗi ngày chăm chỉ làm việc nhà nhưng lặng im như cái bóng vì chẳng thiết mở miệng ra nói khi lòng nặng những ưu phiền. Bác họa sĩ dạy vẽ cho Hằng, nói vẽ đi, cháu sẽ thấy sự kì diệu. Hội họa sẽ giúp cháu thay đổi.
“Nhưng cháu không có khiếu, cháu không vẽ được”.
Chẳng có gì là không được. Cháu sẽ làm được. Bác sẽ dạy cháu, cứ từng bước, từng bước một là cháu làm được. Chỉ cần cháu chịu học, không bỏ cuộc, cháu sẽ làm được.
Đó là lời khuyên cũng là câu “thần chú” bác họa sĩ Dương Đình Hy thay đổi Hằng.
Bài học vẽ đầu tiên là vẽ một bông hoa cúc trắng. Vẽ bông hoa khó không? Khó – với người chưa bao giờ cầm cọ như Hằng. Thì cứ vẽ từng cánh hoa, từng cánh hoa kết lại thì thành bông hoa. Vẽ thật nhiều bông hoa, nét vẽ còn run, hoa xấu sẽ dần hết xấu, tập luyện từ từ sẽ vẽ được những đóa hoa đẹp.
Có lần một chị khách hàng muốn đặt bức tranh lớn để treo phòng khách. Vẽ bầy chim con đậu, con bay, con tung cánh lên bầu trời. Là cảnh chị vẫn thấy trước nhà thờ mỗi ngày đi làm qua. Hằng hoảng hốt nói với bác: Làm sao cháu có thể vẽ được? – Thế cháu có vẽ được một con chim không? – Dạ có. – Thì cứ vẽ từng con. Vài chục con là thành bầy chim. Chim cũng như người thôi, chỉ đẹp khi có hồn có sắc, không ai giống ai, con đứng con bay, càng không giống nhau. Đơn giản thế thôi mà.
Chị khách hàng đã xúc động khi nhận bức tranh Hằng vẽ.
Và bức tranh Đà Lạt của Hằng ở nhà tôi, công bằng mà nói, mười năm trước tôi thấy đẹp, bây giờ không thấy đẹp như dạo ấy khi theo thời gian, tôi đã biết ngắm những bức tranh khác đẹp hơn. Nhưng vì chuyện của Hằng, tôi vẫn muốn để bức tranh ấy ở đó, nhẩn nha nhắc mình rằng việc khó mấy đi nữa cũng hãy cứ làm, từng bước từng bước một. Rồi sẽ làm được mà. Và dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng hãy chọn cho mình một niềm vui sống. Đau khổ đến mức muốn chết đi như Hằng còn sống được, huống chi mình?
* * * * *
Nhắc tới chuyện của Hằng, tự dưng nhớ loanh quanh qua Thủy Muối, nhân vật trong cuốn sách tôi viết. Thủy là bện nhân bị K phổi giai đoạn cuối khi chưa đầy 30 tuổi. Thủy đặc biệt thích leo núi. Cô chọn leo núi Wilson (Mỹ) ở đúng giai đoạn cuối ấy. Dù rằng, chinh phục đỉnh Wilson còn là thách thức với cả những cô gái trẻ khỏe.
Thủy kể, núi Wilson chắc chắn là chặng khó nhất mà cô từng leo. Lúc thấy sự kiện trên nhóm “Những cô gái Los Angeles leo núi”, Thủy không nghĩ mình có thể tham gia được nhưng nghe một cô bạn rủ rê: “Chặng leo lần này cho mọi cấp độ mà.” Thủy đồng ý, nhưng vẫn nghĩ lan man: “Cấp độ nào thì cho bệnh nhân ung thư phổi ta?”. Nhưng mà bạn biết đấy, tại sao bệnh nhân ung thư phổi lại không thể chọn cho mình một hành trình cam go?.
Delia, bạn trưởng nhóm khuyên: “Leo với tốc độ của bản thân, cứ leo từng bước, đừng cố quá.” và đây là lời khuyên tuyệt nhất mà Thủy có được trong lần leo này. Thủy là người chậm nhất trong nhóm chậm, một vài đoạn lên cao cực kì khó khăn. Tuy nhiên, cứ miễn là quyết tâm không dừng bước, gậy này rồi gậy kia, chân phải rồi chân trái. Đừng từ bỏ!
Thay vì nhìn về phía trước, cô cúi xuống nhìn bước chân của mình và ở một vài dặm cuối, Thủy nghe nhạc iPod và kết thúc chặng leo.
Đó hẳn là chặng leo núi dài nhất và khó nhất của Thủy. Trong đầu tôi tưởng tượng nhiều thứ:
“Nếu như mình lên được tới đỉnh núi, mình sẽ đánh bại cái ung thư ngu ngốc này! Cố gắng thêm một chút, thêm một chút nữa thôi!”. Chỉ là động viên mình chứ dĩ nhiên không thể xảy ra chuyện kì lạ thế được. Leo núi và ung thư chẳng liên quan gì nhau, nếu có chỉ là sự liên quan rất gián tiếp: tạo thêm nghị lực, sức khỏe để chinh chiến với bệnh nan y.
Thủy nói với tôi rằng từ nhỏ đến lớn cô không có những ước mơ hay mục đích to lớn như những người khác. Thậm chí, có khi Thủy từng ganh tị với những người có ước mơ lớn làm bác sĩ hay luật sư. Ba mẹ bạn không đặt ra bất cứ ước mơ hay mục đích gì cho con mình, và con thì cứ hồn nhiên lớn lên không mục đích vậy thôi. Nhưng tính “bướng bỉnh, lì lợm” như mẹ vẫn nói đã giúp Thủy vượt qua nhiều thứ trong cuộc sống. Cô là cô gái ngoài 20 tuổi duy nhất ở Việt Nam đến nay được Fobers mệnh danh là “Nữ hoàng khởi nghiệp” khi bán được công ty do mình tạo lập vận hành cho những nhà đầu tư có máu mặt ở thung lung Silicon (Thung lũng tập trung nhiều công ty công nghệ có tiếng trên đất Mỹ).
Thủy nói với tôi rằng, Chậm không là vấn đề, là người cuối cùng không là vấn đề, quan trọng là đừng bỏ cuộc! Và cũng có thể, rất cần may mắn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng nếu không có những điều ấy, chắc chắn cứ chăm chỉ, cần mẫn, từng bước từng bước một, bạn vẫn đến đích cần đến.
Kiên nhẫn bước từng bước một, bạn sẽ đến đích. Bạn nhớ không, chúng ta đã từng tập bước những bước đầu tiên trong cuộc đời này rất chậm, đầy run rẩy, e ngại. Vượt qua hết thảy để đi vững, để đi khắp nơi, để chạy, để làm chủ đôi chân mình. Chỉ đơn giản là bước từng bước thôi mà.