Những khó khăn vẫn đang “bủa vây” ngành dệt may ở Việt Nam nói chung, trong đó có Nghệ An. Mới đây, trong sơ kết sản xuất quý I/2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quý III, rồi quý IV/2022, tiếp tục đến quý I/2023 và còn đang giảm tiếp. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.
Còn nhớ, những tháng cuối năm 2022, ngành dệt may đã phải sa thải hàng loạt công nhân hoặc cắt giảm giờ làm và thu nhập của người lao động bởi những lý do như nêu trên. Tình hình còn khó khăn hơn với lĩnh vực này khi nhiều nước nhập khẩu hàng dệt may ngày càng yêu cầu cao hơn, đó là chất lượng hàng hóa nâng lên, giá phải giảm và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường theo chuẩn phát triển bền vững. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may Việt Nam, vì hầu hết doanh nghiệp dệt may lâu nay “làm ăn được” là nhờ xuất khẩu. Đó là chưa kể đến nhiều tập đoàn may trên thế giới đang từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến để nâng năng suất, chất lượng, giảm chi phí nhân công.
Càng lo lắng hơn, khi ngành dệt may nước ta lâu nay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu và sử dụng nhiều lao động (lao động phổ thông), năng suất lao động chưa cao… Nói đúng ra là đa số doanh nghiệp may mặc trong nước đang chủ yếu sản xuất gia công. Hoạt động này dựa trên hợp đồng giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Quá trình đó, bên đặt hàng yêu cầu phía gia công phải đảm bảo mẫu mã, thời gian gia công và một số vấn đề khác. Cái lớn nhất giúp các doanh nghiệp may mặc “sống được” chính là tận dụng lao động giá rẻ ở các địa phương.
Bây giờ về nhiều vùng quê, chúng ta bắt gặp những dòng người ra vào một số nhà máy may mặc, lao động theo ca kíp. Trong dòng người hùng hậu đó, chủ yếu là lao động phổ thông; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 18,24% và thiếu kỹ sư, đội ngũ công nhân kỹ thuật. Khó khăn của ngành dệt may được dự báo đang phải đối mặt cạnh tranh với sản xuất dệt may ở các nước cũng có lao động dồi dào như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may ở nước ta cần có sự chuyển mình, không chỉ đơn thuần sản xuất gia công, mà phải vươn lên mạnh mẽ trong mọi khâu đoạn.
Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Thu Huyền