“Đường sữa và cuốc xẻng”

“ĐƯỜNG SỮA VÀ CUỐC XẺNG”

“Đường sữa từ trên xuống/cuốc xẻng từ dưới lên” – Đây có thể coi là sự thừa nhận bất thành văn về một trong những hiện tượng của đời sống, được điều chỉnh một cách có “truyền thống” bởi ý thức xã hội trong nhiều giai đoạn phát triển.

“Đường sữa” –  có thể hiểu là những thứ ngon ngọt, bổ dưỡng, tốt lành; còn “cuốc xẻng” là các dụng cụ dành cho hoạt động lao động chân tay nặng nhọc. Câu: “Đường sữa từ trên xuống” thường gắn với việc biểu dương, khen thưởng, ghi nhận công lao, thành tích của một tổ chức hay cá nhân nào đó. Và khi đề xuất trao Bằng khen, Giấy khen hay bất cứ một hình thức “đường sữa” nào đó, người ta thường tuân theo một cái lệ từ  trên xuống dưới, cấp trưởng trước, cấp phó sau rồi mới đến hàng lãnh đạo phòng, ban, cuối cùng mới đến hàng nhân viên. Hiện nay khi hoạt động thi đua – khen thưởng đã được cụ thể hoá bằng luật, mỗi một cơ quan Nhà nước và các đơn vị thành viên chỉ được nhận các hình thức khen thưởng với một hạn mức nhất định. Con số thường không quá 15% cá nhân được khen thưởng trong tổng số cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động của đơn vị. Chính vì thế, việc một “lính trơn” được trao thưởng là rất ít xảy ra, trừ khi cá nhân đó phải có thành tích cực kỳ xuất sắc, ấn tượng thì may ra cuối năm mới được trao tấm giấy vinh danh.

Trong một cơ quan Nhà nước ngoài hoạt động chính là chuyên môn, thì có sự hình thành, hoạt động của nhiều tổ chức chính trị – xã hội như: Đoàn thanh niên (các chi đoàn trực thuộc); Công đoàn cơ sở (các tổ công đoàn bộ phận), Tổ nữ công, Hội phụ nữ,  Hội cựu chiến binh hoặc cựu quân nhân (nếu có)… Chính vì thế hàng năm có nhiều kênh để đánh giá, bình xét, xếp loại cán bộ, đảng viên, nhân viên và người lao động. Nếu là đảng viên sẽ được bình chọn, xếp loại với các mức như: Đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Nếu theo chuyên môn sẽ có các thang: Lao động tiên tiến, Lao động xuất sắc, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở… Ngoài ra, còn có sự tham gia bầu chọn, bình xét, phân loại của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên… Và thực tế cho thấy, “miếng bánh” khen thưởng cho các hạng mục thường được bổ đầu từ trên xuống dưới với một tỷ lệ theo quy định. Tất nhiên, cũng phải nói một cách khách quan là, một đơn vị xuất sắc, hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt nhiều thành tích là nhờ vào sự những người đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hiệu quả các phong trào thi đua, chương trình công tác. Việc vinh danh họ là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu dành sự ưu ái quá mức cho đội ngũ cốt cán mà quên mất các chính sách khen thưởng, động viên đội ngũ nhân viên, người lao động trực tiếp thì quả thiếu công bằng. Trong khi đó, theo chiều hướng ngược lại – từ dưới lên,  đương nhiên lực lượng công nhân viên , “lính trơn” sẽ là các đối tượng lĩnh “cuốc xẻng” trước tiên. Nói đi thì cũng phải nói lại, dẫu cho có hay không có “đường sữa”, thì người lao động vẫn phải làm việc, lao động, sản xuất, đây là phương cách để họ kiếm sống. Chỉ có điều, các cán bộ cấp trưởng, cấp phó cần công tâm, khách quan hơn trong mỗi một việc làm, hành động để điều chỉnh mối quan hệ của đơn vị, trong đó có cả việc khen đúng người, biểu dương đúng việc.

Nói chuyện này lại nghĩ đến việc lựa chọn, bình xét, khen thưởng ở cơ quan tôi. Hẳn nhiều người sẽ không tin khi biết rằng, ở đơn vị nơi tôi đang làm việc, việc một người từ vị trí trưởng phòng được đưa trở lại làm nhân viên là điều hết sức bình thường. Cũng là cơ quan Nhà nước, nhưng chắc hẳn với nhiều người ở đơn vị khác sẽ bị “sốc” khi bị hạ bậc như thế, nhưng gần như tất cả mọi người trong cơ quan tôi đều xem đó là điều rất thường tình. Không làm được việc thì lui xuống để người khác cáng đáng. Điều này đã ăn sâu vào nếp làm, nếp nghĩ của mọi người. Ngay cả người buộc phải rời vị trí lãnh đạo cũng không thấy nặng nề, còn người được cất nhắc cũng vì thế mà phấn đấu, nỗ lực tốt hơn. Còn đối với việc khen thưởng, tất cả dựa vào năng lực của từng cá nhân để bình xét, đánh giá. Bởi thế, trong đơn vị năm nào, kỳ nào cũng có viên chức, người lao động được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Có nhiều người được trao Giấy khen, Bằng khen của tỉnh, thành phố; của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; nhiều người khác được vinh danh bởi các tổ chức cấp trên như: Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Công đoàn viên chức, Hội Phụ nữ…

Chính vì thế câu thành ngữ “đường sữa và cuốc xẻng” không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ thực tiễn khách quan. Và để tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển, không cách nào hơn người lãnh đạo phải công tâm khách quan, đánh giá kết quả công tác của mỗi cá nhân đúng theo những gì mà họ xứng đáng. Việc tôn vinh đúng người, khen đúng việc không chỉ mang lại động lực cho từng cá nhân mà sẽ tạo ra cú hích mạnh  mẽ cho phong trào thi đua của đơn vị. Cũng nhờ vậy mà người ta sẵn sàng cầm lấy cuốc xẻng kể cả khi không được yêu cầu.