Xin bắt đầu từ việc Tổng cục Lâm nghiệp thông tin về giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản cả nước năm 2018 đạt mức kỷ lục 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017; chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp. Trong đó, giá trị xuất siêu lâm sản đạt gần 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu toàn ngành.
Đây thực sự là một tin vui trong những ngày cuối năm. Nhưng vui là vui cho ngành lâm nghiệp nước nhà. Còn với ngành lâm nghiệp của tỉnh, thì chưa thể vui.
Thật vậy. Vì Nghệ An tự hào là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, thuộc tốp đầu cả nước với khoảng 1,2 triệu ha. Nhưng những giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 9,3 tỷ USD, xuất siêu lâm sản gần 7 tỷ USD lại hầu như thuộc về các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định…
Còn đóng góp của Nghệ An vào những giá trị to lớn, đẹp đẽ kia, còn rất nhỏ bé, chỉ khoảng hơn 175 triệu USD. Trong đó, sản phẩm lâm sản xuất khẩu khoảng 20,5 triệu USD; dăm bột giấy xuất khẩu đạt khoảng 155 triệu USD. Nếu xếp hạng, thậm chí chưa đứng được ở tốp trung bình của cả nước.
Thế nên không thể không băn khoăn suy nghĩ. Và phải đặt ra câu hỏi: tại sao?
Rõ ràng Nghệ An không hề kém nhanh nhạy, chậm chân trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bởi từ nhiều năm trước, Nghệ An đã đẩy mạnh công tác trồng rừng nguyên liệu, đã mời gọi được các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Đồng thời, cũng đã “trải thảm đỏ” thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến lâm sản chất lượng cao.
Nhưng những doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, giao đất lâm nghiệp hiện đang ở đâu. Họ đã trồng được bao nhiêu ha rừng nguyên liệu? Hay kết quả khai thác gỗ nguyên liệu vẫn trông chờ ở các nông, lâm trường, các ban quản lý bảo vệ rừng cùng các hộ dân trồng rừng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ?
Những doanh nghiệp chế biến lâm sản chất lượng cao được chào đón, mời gọi đầu tư hiện đang ở đâu. Họ đã sản xuất được bao nhiêu m3 sản phẩm lâm sản chất lượng cao? Hay giá trị đạt được vẫn là từ những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô?
Rõ ràng kết quả đạt được trong kinh tế lâm nghiệp của tỉnh thật không tương xứng với quỹ đất lâm nghiệp 1,2 triệu ha. Phải chăng vì Nghệ An chưa gặp được những doanh nghiệp thực sự tâm huyết, có năng lực trong trồng rừng nguyên liệu và chế biến lâm sản chất lượng cao? Hay còn lý do gì khác?
Nhìn chung, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Nghệ An đã và đang cố gắng làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Nhưng cần quan tâm mổ xẻ nguyên nhân, tìm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế lâm nghiệp để góp phần vào phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Nếu không, lãng phí tài nguyên!