Nhận trách nhiệm của bà chị, vừa được cử làm sứ giả để đôn đốc đứa cháu gái lấy chồng. Chưa nói được câu gì đã nghe nó than thở. “Ước gì lương tăng nhanh như tiền mừng đám cưới”. Bó tay!
Cuối năm, tìm một chữ gì đó vui vui để bàn, và có lẽ với tháng 10 âm lịch thì không gì rộn ràng và nhiều hạnh phúc hơn là cưới! Cưới vui thì tất nhiên rồi, nhưng kể ra cưới cũng lắm chuyện ra phết. Ở đời đôi khi “Nhận thêm một thiệp cưới/Thấy mình lẻ loi hơn/Thêm một đêm trăng tròn/Lại thấy mình đang khuyết” (thơ Trần Hòa Bình). Xin được tản mạn đôi điều xung quanh cái chủ đề chưa bao giờ cũ này vậy.
Đã bao giờ bạn mất đến 30 phút để tìm hiểu xem một chiếc thiệp cưới xinh đẹp nằm lả lơi trên bàn làm việc được chui đến từ đâu, của ai, và đã bao giờ bạn bất lực trước câu hỏi tại sao người ta lại mời mình? Ồ, chúc mừng bạn nếu chỉ mất 30 phút cho cái công việc việc đầy gian nan bí hiểm ấy, vì cơ quan tôi có người đã từng mất 15 ngày cho một cái thiệp cưới sặc mùi “trinh thám” như vậy. Đúng 15 ngày, cho cái việc tìm ra gốc gác của tấm thiệp cưới “dã man”, và có lẽ không ngoa nếu nói phải mất cả cuộc đời cho một lời giải thích. Thật đấy, đến tận bây giờ tức là đã 2 năm trôi qua, chị đồng nghiệp của tôi vẫn không hiểu nổi tại sao đám nhà nọ lại mời mình. Không anh em, không bạn bè, không nợ nần cũng không là kẻ thù. Chả nhẽ người ta mời là vì không có liên quan gì với họ cả? Đã vậy phía dưới cùng tấm thiệp mời thơm nức mùi công nghiệp ấy lại còn đưa một câu mát mày mát mặt rằng “sự có mặt của quý khách là niềm vinh hạnh của gia đình chúng tôi”. Họ đã gãi đúng điểm nhạy cảm nhất của lòng tốt, dẫu sao thì đồng nghiệp của tôi cũng đã cộng thêm vào thành tích vì cộng đồng của cô ấy bằng việc mang niềm vinh hạnh đến cho người khác. Một niềm vinh hạnh có giá trị chắc chắn không dưới 300 ngàn đồng.
Cưới thì ai mà chả biết, ai mà chả thích, ai mà chả muốn nói lời chúc phúc, nhưng “vô tư” đến mức nhét cả một xấp giấy mời “khống chỉ” cho cô văn thư nhờ điền tên theo bảng chấm công của cơ quan thì quả là “cạn lời”. Phong bì đám cưới không nằm trong rổ bình ổn, nó như chú ngựa sổng chuồng mặc sức băng qua mọi rào cản mệnh giá để thách thức sự nghèo nàn của khách mời – thực khách. Từ 100 (nghìn) đến 200, rồi 300 và giờ thì “mèng cũng phải 500”.
Cưới (hay còn gọi là hôn lễ) là một phong tục văn hóa trong hôn nhân nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận trước sự chứng kiến của gia đình, xã hội hay tôn giáo về cuộc hôn nhân của một cặp đôi. Cưới được hiểu là một nghi lễ, và thường kết hợp với một tiệc mừng để trở thành đám cưới hoặc lễ thành hôn. Hôm nay thì cưới đang vào mùa chính vụ, bởi vậy sẽ có vô vàn câu chuyện mà chúng ta hoàn toàn có thể gắn biểu tượng nửa khóc nửa cười.
Cưới là một việc hệ trọng trong cuộc đời nên nó tất nhiên được những người trong cuộc toàn tâm toàn ý lắm. Công việc đầu tiên của cặp uyên ương trước khi chính thức “về cùng một đội” là chụp ảnh và đi… xem bói! Đã chụp là phải diễn, đã diễn là phải đẹp, đã đẹp là phải đắt. Để có một bộ ảnh cưới đủ làm choáng cộng đồng mạng tất nhiên cô dâu và chú rể phải ăn gió nằm sương cả tuần. Với tinh thần “hôn nhân có thể chết còn ảnh cưới mãi mãi vững bền” thì chi phí chụp ảnh nhẹ cũng dăm bảy tấn thóc. Rồi tiếp đến là sắm sanh, nếu con “nhà có điều kiện” thì đây là giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc thư hùng về đấu của. Không còn là cái phích, cặp gối thêu hoa như thế kỷ 20 nữa. Không làm hổ thẹn thời đại bốn chấm không, cách đây chưa lâu thiên hạ đã thỏa sức chứng kiến và “họp chợ online” về một đám cưới mà ở đó cô dâu mảnh mai bước vào hôn trường với cân nặng 45 ký vậy mà khi kết thúc đám vui “tải trọng” của người đẹp đã tăng lên 51 ký vì trên người phải đeo thêm 6 ki lô gam vàng. Chị em thở dài ghen tỵ, bàn dân thiên hạ ngán ngẩm, còn đám trọc phú cứ thay nhau xuýt xoa về một “đẳng cấp” chịu chơi vừa được thiết lập. Lại có cả một đám cưới mà nhà ngoại trao luôn cho cặp uyên ương tại hôn trường một tờ bìa đỏ, một chìa khóa xe ô tô và vàng ròng tất nhiên sẵn sàng đạp đổ mọi kỷ lục. Đám cưới trở thành màn trình diễn lóng ngóng của những kẻ tiền nhiều hơn chữ. Chưa hết, ngoài vàng, ngoài bìa đỏ và xe sang thì đám cưới “nhà người ta” phải mời ca sĩ xịn về hát nữa cơ. Ca sĩ càng hot, độ vang của đám cưới càng xa. Rồi thì những tuần trăng mật ở Úc, ở Canada, ở Mỹ… liên tục được “ắp đết”.
Để không bị “con nhà người ta” dùng tiền để qua mặt dễ dàng như vậy, các cô các cậu thanh niên cũng sáng tạo ra đủ thứ để ngày lễ thành hôn thực sự “oách”. Có đám cưới nọ nhà trai nhà gái cũng lên trao dây chuyền trao nhẫn mù trời, cũng trĩu cổ những lời chúc tụng, tuy nhiên chỉ những người trong cuộc biết nó là vàng giả, trao để quay phim chụp ảnh cho “láo”. Càng hoành tráng càng kéo dài hành trình trả nợ. Bệnh hợm ăn sâu bén rễ và xuyên tạc cả đám cưới trời ạ. Rồi thì “cái khó ló cái khôn”, đám cưới rước dâu bằng xe bò, bằng xe công nông, bằng máy cày… Thậm chí không để kém cạnh, phía bên kia bán cầu (loại trừ những đám cưới quái dị kiểu như kết hôn với một chiếc quạt trần) thì văn minh phương Tây cũng không thiếu những đám cưới độc đáo khác như bắt thú cưng làm phù rể, trao nhẫn trên không, dưới biển vân vân.
Nhân bàn về việc cưới cũng phải nói thêm tý về “vấn nạn” MC. Ngoài việc bị cưỡng chế ngồi ăn cùng mâm với người lạ hoắc thì việc nghe người dẫn chương trình đám cưới, nhất là đám cưới quê thì đúng là kinh khủng khiếp. Hãy nghe đoạn MC chào hai họ này: “Kính thưa hai họ, lời đầu tiên cho phép tôi xin kính tất cả. Chào từ Hà Nội chào đến Tuyên Quang, chào từ Hà Giang, chào sang Yên Bái, chào từ người Thái chào đến người Kinh, chào từ thành phố Vinh chào sang phố Huế, chào người tài xế đến lái taxi, chào anh buôn bán ti vi đến chào người buôn cháo” Hoặc như giới thiệu về cô dâu thì “Ngày xưa em ở Nha Trang/ Gia đình ly tán em sang bên Lào” (Trích clip “MC đám cưới quê” trên Youtube). Quá tào lao và tạp nham, ấy vậy mà cứ vài lần về quê dự đám cưới thì thế nào cũng gặp một màn tra tấn âm thanh hổ lốn kiểu như này. Thú thực tôi đã không đủ kiên nhẫn để nghe cho hết xem người ta nói gì. Phản cảm, nhưng nó vẫn tồn tại, nó vẫn được tán thưởng vỗ tay và tất nhiên nó hình như không bị bất kỳ một cơ quan văn hóa nào quan tâm.
Rồi cả chuyện chạy sô đám cưới nữa. Đám cưới thường chọn ngày đẹp, mà ngày đẹp thì trên mạng chỉ cung cấp rất nhỏ giọt, do đó, rất nhiều đám cưới trùng ngày, thậm chí trùng giờ với nhau. Có người một buổi trưa “ăn” đến 4 đám mà đám nào cũng là “niềm vinh hạnh của gia đình chúng tôi” cả!
Hôn nhân vốn dĩ là kết quả của tình yêu, nhưng rất tiếc không phải bao giờ cũng vậy. Giờ thì có cả những màn “úp sọt” ngoạn mục và cũng có những quả “bom nổ chậm” được gỡ kíp mà các cụ hay nói vui sau đám cưới là vừa “tiêu được tờ tiền giả”. Chuyện rằng có cô gái nọ đêm tân hôn bỗng nhiên cười ngặt ngà ngặt nghẽo trên giường. Cơn cười vượt qua mọi năng lực kiểm soát của khổ chủ. Cơn cười này chưa ngớt cơn cười khác đã chồng lên. Mãi đến gần sáng khi trấn tĩnh lại, người chồng hỏi vì sao em cười, cô gái mủm mỉm thật lòng: Em buồn cười quá, đến bây giờ em vẫn không hiểu lại sao em lại lấy được anh!
Đấy là còn may vì đám cưới thật, chứ còn có cả đám cưới giả, rồi có cả những đám cưới “chạy”. Phổ biến nhất là cưới chạy tang, rồi đến cưới chạy… đẻ! Tuy nhiên gay cấn nhất vẫn là màn “cưới chạy hưu”. Việc một ông bố có chức quyền dục con “Mày không cưới tháng 11 này, bước sang năm tới tao về hưu thì có mà ăn cám à” chắc chắn không phải là chuyện bịa!
Cuối tuần tản mạn đôi điều vậy, là một việc chức ăn lương nhà nước, tự nhiên lại nhớ lời đứa cháu họ: “Ước gì lương tăng nhanh như tiền mừng đám cưới”. Ừ nhỉ!