Có phải chúng ta ích kỷ lâu quá rồi?

CÓ PHẢI CHÚNG TA ÍCH KỶ LÂU QUÁ RỒI?

Trong làn sóng phẫn nộ với trường Gateway, tôi có đọc thấy vài status rằng cha mẹ nên dành thời gian nhiều hơn để mắt đến con, rằng nên chọn trường gần nhà để con có thể đi bộ tới trường thay vì xe bus nguy hiểm, nhất là với tình hình giao thông ở ta. Tất cả đều đúng. Nhưng sao cứ phải xảy ra một sự vụ đau lòng mọi người mới nhớ ra?

Như khi chọn trường cho con, nhiều người nhất nhất phải chọn trường này vì nó tốt mà quên rằng con mình phải dậy từ 6h sáng, mắt nhắm mắt mở ra bến xe bus và rồi 6h tối mới về đến nhà sau cả một hành trình kẹt xe, bị quăng quật vì những “cha mẹ đi xe máy” tạt đầu xe bus chở học sinh. Như chiếc điện thoại hoặc chiếc đồng hồ định vị đợt này sẽ cháy hàng. Thậm chí không chừng sau đợt này trong cặp con cái hẳn sẽ có cha mẹ trang bị búa phá kính cho con mình. Kêu gọi Gateway đóng cửa vậy thì hàng ngàn học sinh sẽ đi đâu học? Sao cứ phải xảy ra chuyện mọi người mới vậy?

Tôi vẫn luôn chia sẻ với nhiều bậc cha mẹ trên chương trình Cafe Sáng với VTV3 rằng ĐỂ MẮT đến con không tốt bằng ĐỂ TÂM đến con. Để mắt đến con là cứ xảy ra chuyện gì thì lại cuống lên giải quyết việc đó. Để tâm đến con có nghĩa là phòng ngừa từ xa trước những điều bất trắc có thể xảy đến với con mình. Đừng để đọc bài báo này, xem bài báo kia rồi mới cuống quýt để mắt đến con xem con có bị giống thế không. Đừng để có vụ thực phẩm bẩn xảy ra tại trường A thì các phụ huynh mới cuống lên kiểm tra thực phẩm trường con mình. Đừng để xảy ra vụ chết người mới quan tâm đến xe bus của trường.

Không! Chúng ta không ai đoán trước được bất trắc nào xảy đến với con mình. Xâm hại, bạo hành, bị bỏ quên, ăn phải thực phẩm bẩn, bắt nạt học đường, thầy cô dối trá… Cái gì cũng có thể xảy ra với con bạn nếu hôm qua bạn đã im lặng trước những điều đó chỉ vì nó không liên quan gì đến con bạn. Bạn vô trách nhiệm với con người khác thì sao mong người khác sẽ lên tiếng khi con bạn gặp chuyện? Với tâm lý không phải chuyện của mình, chính chúng ta đã cho phép xã hội vận hành theo kiểu “Đen thôi, đỏ quên đi”.

Chúng ta không đoán trước được bất trắc nhưng chúng ta có thể cùng con chuẩn bị kỹ lưỡng cho những bất trắc có thể xảy ra. Bằng việc để tâm đến con. Bằng việc dạy con những kỹ năng tối thiểu. Không biết có thể Google. Giúp con trải nghiệm để cùng con xử lý những tình huống xấu. Cho con đi học kỹ năng cũng tốt nhưng nếu cha mẹ không cùng con trải nghiệm qua thì mọi thứ sẽ chỉ là kiến thức chết. Lũ trẻ gặp chuyện sẽ quên khuấy và đứng đờ ra gào khóc. Để tâm là thế. Là ĐI CÙNG con chứ không phải ĐI THEO con hay SẮP ĐẶT đời con.

Đừng oán thán giáo dục Việt Nam. Nó bất ổn, ai cũng thấy, nhưng nó thay đổi phải cần cả từng cha mẹ tham gia vào. Mỗi cha mẹ phải cần là một tai mắt cho cả con cái người khác nữa chứ không chỉ con mình. Thấy lũ trẻ nguy hiểm, hãy lên tiếng như đó là nguy hiểm với con mình. Chứ không phải ngồi đấy chỉ trỏ rồi chép miệng bảo: Phải con mình… Chính chúng ta – các bậc làm cha làm mẹ mới là những người cần phải thay đổi đầu tiên. Để từ chối thẳng thừng những ngôi trường quan tâm thành tích của thầy cô hơn sự phát triển của 1 đứa trẻ. Để lên tiếng nếu như gặp hành động vô trách nhiệm, tắc trách của một giáo viên dù họ không dạy con mình. Đừng cả nể. Đừng hèn nhát. Nếu chúng ta không đồng tâm, chúng ta chỉ là những hạt cơm nguội. Khi mà anh bảo vệ con tôi lúc tôi không có mặt thì khi anh không có mặt, anh hãy cứ yên tâm vì còn tôi. Một tập thể mạnh được khi mỗi thành viên trong tập thể đó đều nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình và giám sát nhiệm vụ người khác. Vì sự tận tụy của bạn sẽ thành số 0 nếu như một trong số những thành viên trong team phá bĩnh, gây chuyện. Như trường Gateway, bao nhiêu giáo viên tử tế sẽ chịu chung nỗi đau hôm nay? Hội phụ huynh trường, lớp vốn được xây dựng ra để làm việc đó chứ không phải chỉ xem tặng cô cái gì ngày 20/11.

Tôi biết, bài viết này hẳn sẽ khiến nhiều người bĩu môi bỏ qua vì không liên quan đến họ. Bởi chúng ta ích kỷ lâu quá rồi…