CHỐNG BỆNH THÀNH TÍCH TRONG… DIỄN VĂN
Thành tích không khi nào là tội đồ trừ khi nó… đổ bệnh! Khoảng mươi năm lại nay người ta nhắc nhiều đến cụm từ “bệnh thành tích”, và nơi nhận được sự đổ dồn của hệ thống giác quan vẫn là lĩnh vực giáo dục.
Nói đến bệnh thành tích là người ta nghĩ ngay đến giáo dục, âu đó cũng là phản xạ có điều kiện, nhưng nói đến giáo dục người ta lại nghĩ đến bệnh thành tích thì quả là đáng sầu não. Thói cuồng thành tích được coi như là bệnh, nhưng không phải là bệnh thông thường mà là bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm có thể bùng lên thành đại dịch.
Bệnh dù được “tận tình cứu chữa” từ cả chục năm nay rồi nhưng hai chữ thuyên giảm vẫn là một khái niệm xa vời. Một thời “thi đua lập thành tích chống bệnh thành tích”, thời mà phát biểu nào cũng cài cho được câu “chống bệnh thành tích” vào cho “sang”. Nhưng rồi sau những rùm beng của phông màn ma két thì mỗi cuộc phát động lại mang quỹ đạo của một viên đá đơn độc ném cầu âu xuống ao bèo.
Câu khẩu hiệu “nói không với bệnh thành tích” dùng được mấy nhiệm kỳ rồi mà vẫn “chưa hết rô đa”. Nó vẫn còn sự tinh nguyên của thuở ban đầu lưu luyến ấy và cứ đà này thì “hai mươi năm vẫn chạy tốt”. Niên khóa vừa rồi báo chí đã gọi tên một lớp học thuộc dạng “khiêm tốn điển hình” bốn chục trò mà chỉ được mỗi một em là học sinh tiên tiến, số còn lại chỉ đạt… học sinh giỏi! Ai cũng ngao ngán thở dài nhưng ai cũng ấn một nút like dưới tấm giấy khen mỗi khi nó được phụ huynh “bẽn lẽn” tung lên facebook. Bệnh còn được cổ súy bởi một bộ phận hùng hậu cư dân mạng. Đến mùa là facebook lại rộn ràng các chủng loại giấy khen cùng các dòng trạng thái nghe nhiều đến bội thực “Niềm tự hào của mẹ”, “Phần thưởng của con là hạnh phúc của mẹ” “Cố lên con yêu”. Đó chỉ là một mảnh tí xíu trong bức tranh ngổn ngang ngụy thành tích của xã hội mà giáo dục thừa tự tin làm đại diện.
Đến hẹn lại lên, năm nay ngành Giáo dục mở đầu bằng một chỉ đạo thiết thực. Hạn chế phát biểu của lãnh đạo và cắt báo cáo thành tích trong diễn văn khai giảng. Tiếng hoan hô dù không thành tiếng nhưng chắc chắn trải dài khắp 63 tỉnh thành. Tiếng hoan hô ấy cũng không chỉ đến từ phía học sinh. Đại biểu chắc cũng âm thầm thích thú lắm. Chả phải lỉnh kỉnh chuẩn bị bài phát biểu rập khuôn như mọi năm. Học sinh chả bị tra tấn bởi cái diễn văn lê thê của các vị “long trọng viên”.
Tại sao Bộ lại “cắt”? Bên cạnh một vài phát biểu ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa của đại biểu thì đa phần nó là mảnh ghép vụng về của hình thức. Bao nhiêu năm rồi, khai giảng vẫn là diễn đàn của báo cáo thành tích. Sáng sớm học sinh có mặt đông đủ, chỉnh tề hàng lối để ngồi đợi đại biểu. Tiếp theo là ngồi đợi để các bác ấy phát biểu, và gian nan nhất là màn chống cằm ngồi nghe cho… hết bài phát biểu. Người ta không nương tay tuồn vào bài phát biểu cả mớ thành tích hao hao nhau, năm nào cũng hao hao năm nào.
Chúng ta chắc cũng đã không dưới một lần nghe các bài phát biểu theo kiểu “Cùng với nhân dân cả nước, năm qua huyện nhà đã tiến những bước dài trên mọi lĩnh vực: kinh tế tiếp tục tăng trưởng, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, an ninh quốc phòng được giữ vững….”. Rồi sau đó là… phát huy thành tích đã đạt được, chủ động vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại yếu điểm trong năm học vừa qua… Thay mặt lãnh đạo huyện X… tôi mong sao thầy và trò trường ta tiếp tục…” Đại ý thế hoặc là na ná thế. Năm trước đọc “Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập huyện nhà… thì năm tiếp theo đọc “Kỷ niệm 101 năm huyện nhà thành lập”! Dân gian tếu táo “Bác đi khai giảng Thanh Giang/ Thấy bác phát biểu i chang Thanh Tùng” hay “Bác đi khai giảng Tân Kỳ, thấy bác phát biểu i xì Con Cuông”. Vậy mà vẫn cứ phải ngồi đợi, vậy mà vẫn cứ phải ngồi nghe, vậy mà vẫn cứ phải rào rào vỗ tay thì quả là bất công. Bỏ là phải, bỏ hơi muộn.
Tuy nhiên đó chưa phải là biểu hiện lâm sàng duy nhất. Cái bản báo cáo thành tích được tập hợp chi tiết, công phu liệt kê ngồn ngộn trong cái diễn văn của vị đứng đầu nhà trường tại buổi lễ khai giảng mới là điều làm con trẻ “hết hồn”. Những lời tán dương chạm trời là một phần không thể thiếu xưa nay của buổi lễ. Có thì khoe bằng hết, không có thì dựng lên mà khoe, bảng thống kê thành tích là khoái khẩu đối với lãnh đạo. Câu chế “Phi diễn văn bất thành khai giảng” của các thầy không hề xuyên tạc hiện trạng tý nào.
Tất nhiên bệnh thành tích trong các bài diễn văn không chỉ tồn tại trong lễ khai giảng và nó cũng không chỉ có trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục mắc bệnh thủ động chứ không phải là nơi khởi nguồn của căn bệnh, nói giáo dục là tội đồ là oan cho giáo dục. Lĩnh vực nào mà chả có bệnh thành tích. Đến bí thư tỉnh ủy tỉnh nọ còn bị thu hồi huân chương vì tội khai man thành tích nữa là.
Quyết tâm cắt trắng phần báo cáo thành tích trong diễn văn khai giảng như một lời tuyên bố thẳng thừng từ đầu năm học với căn bệnh kinh niên này. Không thể để cái tư duy trình diễn bằng cách thổi phồng và quyệt màu lòe loẹt thành tích cứ thâm căn cố đế trong tư duy lãnh đạo, từ đó phát tán rồi lan tỏa thấm sâu vào tập thể sư phạm của nhà trường. Cắt báo cáo thành tích là cắt từ cái gốc, cắt khi nó bắt đầu hình thành phôi thai. Cắt báo cáo thành tích không chỉ là việc tước đi một thói quen, bớt đi một phần khánh tiết của buổi lễ mà là mũi chủng phòng thứ nhất cho căn bệnh thành tích khu trú trong tiềm thức của các vị đứng đầu. Để chữa bệnh tất nhiên sẽ còn phải “tiêm nhắc lại” nhiều lần thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng động thái đầu tiên này có hình hài của một bản thông điệp.
Thành tích là đích đến là động lực chứ không phải là một loại kem trang điểm. Thành tích phải được ghi nhận, phải được khích lệ, phải được phổ biến… nhưng tôn vinh thành tích nhất thiết phải đúng lúc, đúng mức. Đã gọi bệnh thì phải chữa, các biện pháp lâu nay cũng chỉ là uống thuốc giảm đau, mà thuốc giảm đau thì hình như ít chữa bệnh, đôi khi còn có tác dụng phụ ngoài mong muốn nữa. Khổ lắm, chữa bệnh thì cũng phải “gặp thầy gặp thuốc” cơ!