Trong đời sống kinh tế – chính trị – xã hội, báo chí giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, tuyên truyền tác động vào tư tưởng, tình cảm, tạo ra những nhận thức mới, những định hướng giá trị và thái độ sống tích cực, có trách nhiệm và những quyết sách quan trọng cho cuộc sống; trở thành cầu nối và một yếu tố trong việc quản lý các quá trình kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.
Chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực khác nhau theo yêu cầu phát triển bền vững và tạo lập các giá trị xã hội lành mạnh.
Trong phòng, chống tham nhũng, sức mạnh của báo chí là hết sức to lớn và thể hiện ở sự phát hiện sớm, chính xác và công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến tham nhũng: từ kẽ hở luật pháp, các biểu hiện, sự kiện, hành vi, quá trình điều tra, xét xử và thi hành án tham nhũng, đồng thời phản ánh, truyền tải những tâm tư, nguyện vọng, quan điểm, những kiến nghị và những giải pháp cần có để chống tham nhũng.
Rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử thời gian gần đây, công lớn đầu tiên thuộc về báo chí: Vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinashin, vụ PMU 18, vụ “hot girl” xứ Thanh, “Sai phạm lớn tại Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: Đốt tiền vào công ty sân sau”…
Báo chí đã chủ động, tích cực, dũng cảm trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, phê phán những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những ngòi bút có dũng khí đã góp phần phát hiện và làm rõ những sai phạm, khuyết điểm góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân, đồng thời báo chí cũng là diễn đàn nói lên nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới.
Bên cạnh sự dũng cảm, năng lực nghiệp vụ và nhận thức về sứ mạng, trách nhiệm của từng phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo, các cơ quan tòa soạn và cá nhân hoạt động báo chí cũng cần được tạo điều kiện và phải được bảo vệ trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.
Sự lạm dụng hình sự hóa và ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của một số cơ quan chức năng không chỉ vi phạm Luật Báo chí, mà còn hạn chế năng lực đấu tranh với tham nhũng của các cơ quan báo chí.
Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với báo chí, thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thường xuyên theo dõi những phản ánh từ báo chí, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình.
Trường hợp cần thiết có ngay thông tin ban đầu thì chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 tiếng đồng hồ, kể từ khi vụ việc xảy ra. Các cơ quan chức năng quản lý báo chí cần có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cho nhóm các nhà báo, chuyên gia để khai thác nhiều và hiệu quả hơn năng lực của họ trong cuộc chiến với tham nhũng ở các lĩnh vực khác nhau…
Báo chí có vai trò và hiệu quả lớn trong chống tham nhũng. Những thực tế cho thấy, còn cần chống tham nhũng ngay trong công tác báo chí. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả chống tham nhũng của báo chí nước nhà.
Đặc biệt, gần đây đang có sự gia tăng nhanh hơn của nhiều hiện tượng tiêu cực, lạm dụng nghiệp vụ trục lợi trong làng báo, trong đó có hiện tượng báo chí “bảo kê” thông tin và thiên vị cho doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân…
Ngược với hiện tượng nhà báo dùng thông tin chính xác để hù dọa, “đánh” và “làm tiền” doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan hoặc ai đó một cách trực diện, báo chí còn thể hiện sai tôn chỉ như chỉ viết và đăng các bài ca ngợi một chiều, kiểu tô vẽ, quảng cáo quá mức…; hoặc công bố thông tin cắt xén và làm sai lệch những điểm mấu chốt, để tuyên truyền quá mức cái tốt, giảm thiểu cái sai, xấu…
Nguyên nhân cũng đa dạng như hình thức, hiện tượng thiếu trung thực trong báo chí không phải là mới mẻ và có vẻ ngày càng không khó tìm ở các cấp, cơ quan, ấn phẩm trong thực tế làng báo nước nhà và cả trên thế giới.
Trong số các nguyên nhân của hiện tượng đó, phải kể đến nguyên nhân về kẽ hở luật pháp quốc gia liên quan đến quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí; những bất cập, sự tùy tiện và lạm dụng trong và quy định, quy trình xuất bản nội bộ cơ quan báo chí; chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và yếu kém trong bản lĩnh đối diện với các vấn đề cơm áo, gạo tiền của cá nhân và đơn vị.
Thực tế đã, đang và sẽ còn chứng tỏ sứ mệnh cao quý của báo chí trong cuộc đấu tranh bảo vệ công bằng, lẽ phải, chống tham nhũng. Báo chí tiếp tục sẽ được người dân, công chúng ủng hộ nếu làm tốt sứ mệnh. Tuy nhiên, bản thân các cơ quan chức năng cũng cần tỉnh táo nhận diện và phòng, chống các hiện tượng làm giảm tính chiến đấu, uy tín, vai trò tích cực của báo chí.