Tôi, cho đến giờ, cũng vẫn thầm cảm phục, những con người lẽ ra là những người đang đứng trên bờ vực tuyệt vọng, đau đớn, lại có thể mỉm cười với chúng ta, mong chúng ta tin tưởng rằng, tất cả rồi sẽ ổn… Và ở chính trái tim, tâm hồn họ đã tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh, ấm áp, tin cậy, phản chiếu lại cho chúng ta niềm vui sống, những quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
______________________
hững ngày qua, câu chuyện về cô nữ sinh xinh đẹp Đại học Ngoại thương mắc căn bệnh ung thư cùng những chia sẻ “thức tỉnh giới trẻ” đã khiến tôi không nguôi nghĩ lại những tháng ngày đã qua trong gia đình mình. Vân Anh – cô nữ sinh ấy, khi hay tin mình bị bệnh, đã quay sang trấn an bố mẹ mình: “Có gì đâu, bố mẹ cứ bình tĩnh”. Cũng như bố tôi, khi đối diện với căn bệnh quái ác mình mang.
Vâng, câu chuyện của gia đình tôi, đã gần 10 năm trôi qua, nhưng tôi cảm giác như mới hôm qua, khi tôi thấy bầu trời trước mắt mình sụp đổ.
Cuộc điện của người nhà cho tôi biết bố tôi đã làm xong các xét nghiệm và kết quả là ông bị ung thư phổi. Tôi bỏ dở công việc để trở về nhà bố mẹ, lúc đến ngõ thì bắt gặp bố đang cùng anh rể tôi xuống taxi để đi bộ vào nhà. Bỗng tôi thấy sợ. Sợ đối diện với bố, sợ khóc trước mặt bố, sợ lúng túng quá mà không biết phải nói gì với ông. Vậy là tôi vội vàng phóng xe đi lối khác, để vào trong nhà trước. Không giấu được nước mắt, tôi cùng cả nhà đã khóc nghẹn ngào khi đón bố vào nhà. Tôi không biết nói gì, càng không biết che giấu nỗi đau. Và bố tôi, hẳn ông cũng bối rối ngỡ ngàng trước những gì vừa bất ngờ xảy đến. Nhưng chỉ một lúc sau, ông chính là người trấn an cả gia đình. Ông nói, có bệnh thì chữa. Thế thôi, nhưng câu nói đơn giản đó khiến tất cả mọi người cùng thấy nhẹ nhàng hơn.
Sau này, có lần ông kể với tôi rằng: Biết mình bị ung thư phổi, biết rằng cái chết có thể đến rất gần, bố nghĩ mình cũng đã sống trọn vẹn kiếp người, không có việc gì phải hổ thẹn. Nhưng điều mạnh mẽ hơn, thúc giục bố chiến đấu, bên cạnh sự quý giá sinh mạng mình còn là vì bố nghĩ, mình mà mất đi hẳn mẹ và các con sẽ rất buồn. Mình cố gắng để có thể nhìn thấy mọi người có được niềm vui.
Tôi không bao giờ quên được những tháng ngày buồn bã ấy. Tôi thức trắng bao đêm chỉ để khóc, hoặc để tìm kiếm trên mạng mọi thông tin về việc chữa trị bệnh ung thư. Căn bệnh quái ác đã hành hạ không chỉ bệnh nhân mà hủy hoại cuộc sống của cả những gia đình, trong sự nơm nớp âu lo, trong sự nản lòng và tuyệt vọng. Tôi không tin mình có thể mất bố, tôi nghĩ về điều đó mọi lúc mọi nơi. Tôi lo sợ, hoang mang, đau đớn, và cả trách giận cuộc đời nữa.
Nhưng rồi, chính bố tôi lại là người mang đến niềm hy vọng. Chính bố tôi, người phải trải qua cuộc phẫu thuật nguy hiểm, chờ đợi kết quả từ bác sĩ như chờ đợi án tử, người đã phải chịu đựng những cơn đau và sự mệt mỏi của những đợt hóa xạ trị kéo dài, người cũng có lúc đã từng khẽ khàng thở dài sau bức rèm ngăn buồng ngủ, đã lạc quan hơn tất thảy chúng tôi, những người đang sốt sắng, bất lực và tuyệt vọng. Chính ông đã an ủi mọi người bằng những câu đùa nhẹ nhàng, bằng thái độ điềm đạm, thoải mái và vui vẻ mà ông có được không hiểu từ sức mạnh kỳ diệu nào. Chính ông, đã gắng gượng ăn hết bát cháo mẹ tôi nấu mỗi sáng, kiên trì tập thể dục mỗi khi đủ sức khỏe, và làm theo mọi sự hướng dẫn, khuyên nhủ của bác sĩ. Mọi người đến thăm, ông trò chuyện thân mật và cởi mở về bệnh tình của mình. Thậm chí không ai có cảm giác rằng ông đang là một người bệnh.
Bố tôi là bác sĩ, ông có một phòng khám tư và trong suốt quãng thời gian bị bệnh của mình, ông vẫn điều trị cho các bệnh nhân từ mọi nơi đến. Bao nhiêu năm chữa bệnh cho hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân, ông được biết đến như một bác sĩ rất mực ân cần và luôn giúp đỡ bệnh nhân nghèo khó. Đến lượt mình trở thành bệnh nhân, nhiều khi trong những điều kiện khó khăn của cơ sở y tế hay những tác dụng phụ của liệu trình điều trị bằng hóa chất, bố tôi chưa từng kêu than. Những đợt nằm trong viện, ông vẫn luôn giúp các người bệnh cùng phòng có thêm niềm lạc quan. Khi trở về nhà, ông lại trở thành bác sĩ, hàng ngày khám chữa cho những bệnh nhân tứ phương đến phòng khám của mình. Trừ những lúc quá mệt, thời gian rảnh ông vẫn dành để đọc sách về ngành y. Ông nói, sự sống của con người là quý giá hơn hết thảy, và còn sống ngày nào thì cần phải tận dụng từng phút giây để yêu thương hoặc cứu giúp nhau. Ông đã đọc sách để có thể chữa bệnh tốt hơn cho những bệnh nhân của mình.
Và rồi cuối cùng bố tôi cũng đã ra đi, sau quãng thời gian sống chung với căn bệnh quái ác, dài hơn gấp hai lần so với tiên lượng của bác sĩ. Ông đã ra đi, trong cơn mưa một ngày cuối năm lạnh buốt. Trong tiếng khóc nghẹn ngào của họ hàng, người thân và cả những giọt nước mắt tiếc nuối của rất nhiều bệnh nhân ông từng chữa trị. Trong mắt họ ông chưa từng là một người bệnh. Ngược lại, ông không chỉ là vị bác sĩ từng kê đơn cho những căn bệnh của họ, giúp họ khỏe mạnh, ông còn mang đến cho họ những liều thuốc tinh thần, khiến họ vui hơn, tin tưởng lạc quan và cảm thấy được trân trọng hơn giữa cuộc đời.
Còn tôi, sau sự mất mát không gì bù đắp nổi này, có những thời điểm tôi rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Nhưng rồi nhớ lại gương mặt bình thản, điềm tĩnh của bố, nhớ lại cách ông đã vượt qua điều khó khăn nhất trong cuộc đời, tôi chợt nhận ra rằng mình phải tiếp tục vui sống, để xứng đáng với cuộc sống mà bố tôi đã hào phóng trao tặng. Và tôi hiểu, sự hữu hạn của đời sống cũng chính là mấu chốt tạo nên ý nghĩa cho nó. Giá trị của cái chết, suy cho cùng, chính là để tôn lên những giá trị sống. Vậy nên, đừng chỉ cố gắng sống khi đã tiến gần đến cái chết, mà hãy sống với đúng nghĩa của nó, mỗi ngày.