Những vùng đất hoang hóa, năn lác tốt quá đầu người; những trảng cát dài ven biển chỉ mỗi cây phi lao sống khỏe được; những vùng đồng phèn chua, nhiễm mặn từng là “vùng đất chết”… nhưng khi qua bàn tay, khối óc của con người xứ Nghệ đã dần hồi sinh, phủ kín màu xanh của cây trái, thành những vuông tôm bạc tỷ, tạo các phụ phẩm nông nghiệp có giá trị…
Những năm 2010 trở về trước, bãi Hải Đồn, xóm Bắc Thắng, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) là bãi cát trắng trải dài, chỉ có cây phi lao và rau muống biển là sống được. Chưa nói, ở đó rác thải tích thành cồn, thành bãi, vừa lãng phí tài nguyên đất vừa ô nhiễm môi trường biển. Cho đến năm 2013, anh Nguyễn Văn Hào xin phép xã Nghi Tiến rồi cùng vợ ra bãi cát Hải Đồn cải tạo cát bạc, đào hố, quây hồ, lót bạt để nuôi tôm…
Không thể kể hết những khó khăn của những ngày đầu cải tạo bãi cát hoang hóa thành những hồ nuôi tôm tiền tỷ. Anh Nguyễn Văn Hào cho biết: “Bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào bãi cát này. Be bờ, dẫn nước, lót bạt, mua tôm sú, tôm thẻ về thả nuôi nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật nên tôm bệnh, chết, lỗ vốn nặng. Qua vài vụ như thế rồi cũng “lọc” được kinh nghiệm, nắm chắc quy trình nuôi, nên tôm sống khỏe, đạt trọng lượng đặt ra, lại có đầu ra ổn định. Từ đó gia đình nhanh chóng thu hồi vốn, có lãi và quay lại đầu tư, mở rộng diện tích nuôi”.
Từ một vuông tôm 1.000m2, nay vợ chồng anh Hào mở rộng diện tích lên 5.000m2, ngoài nuôi trong hồ đất lót bạt, anh Hào chuyển dần sang nuôi bằng ao tròn lót bạt có mái che, đưa công nghệ cao vào nuôi tôm. Trung bình mỗi năm 2 vụ tôm, doanh thu lên đến tiền tỷ, tiền lãi khoảng 500-700 triệu đồng, gia đình anh Hào đã xây được nhà, mua được xe hơi, nuôi các con ăn học, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Ban đầu chỉ một vài hộ ở xã Nghi Tiến “đánh liều” ra các bãi cát ở Tiền Phong, Hải Đồn đào ao, quây bạt nuôi tôm, đến nay đã có 11 hộ tham gia với diện tích lên đến gần 3ha, doanh thu mỗi năm 15-17 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Có những hộ như anh Hào, anh Việt, anh Cương… giàu lên nhờ con tôm.
Dọc bờ biển xã Diễn Kim (Diễn Châu) cũng vậy, trước đây bỏ không, những bãi cát dài bỏng rát, tràn lan cây dại và rác thải bủa vây. Đến những năm 2010 trở lại nay, những trại nuôi tôm trên cát được hình thành, tạo nên một vùng kinh tế thủy hải sản trù phú. Những trại tôm quy mô công nghệ cao với nhà kính, hệ thống quạt nước, sục khí, chạy suốt ngày đêm, các công đoạn như cho ăn, đo nhiệt độ ao nuôi, chỉ tiêu môi trường nước… đều được điều khiển qua hệ thống điều hành thông minh bằng smartphone. Nhờ đó, mỗi năm với 3 vụ tôm “ăn chắc” đem lại doanh thu lên đến 2-3 tỷ đồng/ha/năm.
Theo thống kê sơ bộ, tiềm năng diện tích nuôi tôm trên cát của tỉnh khoảng 600ha, đến nay đưa vào nuôi trên 200ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò… Nuôi tôm trên cát được coi là mô hình kinh tế hiệu quả, được ví là “biến cát thành vàng” ở Nghệ An.
Mùa hè nắng cháy, khi ruộng đồng khô cạn nứt nẻ, thì trên cánh đồng Doi ở phường Mai Hùng (TX. Hoàng Mai) vẫn xanh non màu rau nhót. Chỉ 2 năm trước thôi, cánh đồng Doi này còn hoang hóa, cỏ mọc cao quá đầu gối, bởi trước đó nữa người dân đã trồng thử đậu, lạc nhưng cây cằn, chết yểu, năng suất thấp do đất nhiễm mặn, đành bỏ không canh tác. Trong khi đó, cây rau nhót, một loại cây mọc hoang ven ao tôm, trảng cát ven sông biển ở Quỳnh Lưu lại dần khan hiếm do bị bê tông hóa. Trong khi nhu cầu thị trường ngày một tăng, giá bán cao nhưng rau nhót cứ dần cạn kiệt. Trăn trở trước việc cánh đồng nhiễm mặn bỏ hoang và cây rau nhót khan hiếm, Trần Văn Quân (sinh năm 1984, ở Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai) nảy ra ý tưởng thuần hóa cây rau nhót trên đồng đất nhiễm mặn bỏ hoang.
Tự mày mò, đo thử độ pH trong đất ở cánh đồng Doi thì anh Quân thấy khá thích hợp với cây rau nhót. Anh “đánh liều” thầu lại 1ha để đưa cây rau dại thành hàng hóa cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. “Nhận khoán xong thì dốc vốn liếng tích góp bấy lâu, vay mượn bạn bè, người thân nữa, bỏ vào vùng đất hoang này gần 1 tỷ đồng để san ủi, cải tạo đất, làm hệ thống mương thoát nước và lắp đặt béc tưới tự động. Rau nhót là cây rau dại nhưng đưa vào trồng thâm canh lại không dễ. Xuống giống 3-4 lần mới thành công. Một mặt vừa tuân thủ đặc tính tự nhiên của cây, mặt khác phải biết bổ sung các chất hữu cơ như: phân gà ủ chua, bã mắm lên men, tưới nước mặn… để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, non và cho thu hoạch quanh năm”, anh Quân cho biết.
Nhờ các “bí quyết” đó nên anh Trần Văn Quân đã thuần hóa thành công rau nhót – một loại rau dại mọc hoang ven các đầm tôm, vuông muối năng suất thấp, sản lượng thấp và hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế. Sau khi thuần hóa, được chăm sóc đúng kỹ thuật, quy trình, đều đặn 3-5 ngày rau nhót cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 3-5 tạ/sào. Do trồng theo phương thức gối vụ nên hầu như ngày nào ruộng rau nhót của anh Quân cũng có thu hoạch để bán ra thị trường. Giá rau nhót ở thời điểm hiện tại dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg; trừ chi phí, mỗi năm đem về cho gia đình anh Quân nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương.
Không chỉ tiêu thụ nội tỉnh, rau nhót còn có mặt ở rất nhiều nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong cả nước, được coi là món ăn lạ miệng, lành và sạch. Đặc biệt, nhiều địa phương ven biển miền Trung đã liên hệ với anh Quân đặt mua hạt giống, đem vào trồng thử nghiệm ở các vùng đất nhiễm mặn.
Dự kiến thời gian tới, Hợp tác xã rau nhót xứ Nghệ do anh Trần Văn Quân làm chủ sẽ thuê thêm đất nhiễm mặn bị bỏ hoang, mở rộng diện tích trồng rau nhót và các loại thực vật chịu mặn như: rau sam biển, sam đất, măng tây biển… ở các địa phương như Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu; đồng thời, liên kết với người dân các vùng này để chuyển giao kỹ thuật, trồng và bao tiêu sản phẩm với mục tiêu “phủ xanh” đất nhiễm mặn, tạo sinh kế, cải thiện môi trường cho người dân.
“Chỉ mong, khi tạo được những vùng trồng ổn định thì cây rau nhót được phân tích thành phần, kiểm nghiệm chất lượng sẽ được đưa vào chế biến sâu thành bột rau nhót, trà rau nhót, bánh rau nhót…, tạo nên những sản phẩm đặc trưng của địa phương ven biển, góp phần triển khai mô hình nông nghiệp mặn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”- anh Trần Văn Quân thổ lộ.
(Còn nữa)