P.V: Thưa bà, khái niệm số hóa di tích được nói đến khá nhiều trong thời gian gần đây và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vậy, chúng ta có thể hiểu khái niệm này như thế nào và mục đích, ý nghĩa mà hoạt động này mang lại?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Khái niệm số hóa được hiểu là quá trình đổi mới hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số. Số hóa được phân thành 2 loại, đó là số hóa nội dung và số hóa quy trình hoạt động.
Số hóa di sản chính là việc áp dụng công nghệ tin học vào bảo tồn, phát huy di sản. Có thể coi đây là bước phát triển tiếp theo của quá trình lưu trữ và lưu truyền thông tin văn hóa. Trong quá trình thực hiện, công nghệ kỹ thuật số được coi là cánh tay đắc lực trong vấn đề lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản. Việc áp dụng công nghệ mới và thực hiện số hóa di sản có chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp bảo tồn khác nhưng tính trực quan, độ tin cậy lại rất cao. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ…
Hiện nay, công nghệ số hóa di sản đồng thời có thể tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc tu bổ di tích có thể dựa vào đó để khôi phục chính xác những phần bị hư hỏng của vật chất trong tương lai. Thậm chí, trường hợp không may xảy ra như hỏa hoạn, thiên tai… khiến di tích bị xóa sổ hoàn toàn chúng ta vẫn có thể căn cứ theo mô hình 3D, 4D để phục dựng lại một cách chính xác nhất. Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch hiện nay chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Có thể thấy rõ điều này trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Khi cả nước trong giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách xã hội, rất nhiều người đã ở nhà và thỏa mãn nhu cầu đi du lịch của mình thông qua các trang du lịch trực tuyến, tham quan và tương tác 360º với các di tích.
P.V: Theo các nhà chuyên môn, việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều rất sống động, thu hút. Tại Nghệ An, chúng ta đã triển khai công tác này như thế nào và bước đầu đã có những kết quả gì?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Hiện nay, tại Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã có những bước đi bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tại các đơn vị như Ban Quản lý di tích, Bảo tàng Nghệ An…đã và đang áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và đạt những kết quả khả quan, thu hút được sự quan tâm của chính quyền các cấp, du khách tham quan… Ví như Bảo tàng Nghệ An đã số hóa 360º phòng trưng bày và cho phép tham quan 360º phòng trực tuyến trên website. Khu Di tích Kim Liên đã có hệ thống phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ số hóa tài liệu, tư liệu theo di tích được cung cấp bởi Cục Di sản văn hóa và Trung tâm Dữ liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lưu trữ hình ảnh, video về di tích và di sản văn hóa phi vật thể.
Riêng Ban Quản lý di tích, từ năm 2015 đã triển khai công tác số hóa trên hệ thống các tài liệu Hán – Nôm ở các di tích. Trải qua 5 năm thực hiện chương trình số hóa tài liệu Hán – Nôm, Ban Quản lý di tích Nghệ An đã tiến hành số hóa tài liệu tại 16 huyện, thành phố, thị xã với 231 xã, phường, thị trấn, 473 dòng họ, đền, chùa, miếu, tổng số 70.573 trang tài liệu. Các file tài liệu này được lưu trữ trong hệ thống thư viện số quốc gia và hệ thống phần mềm của Ban Quản lý di tích tỉnh.
Hiện nay, ban cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu di tích, đã và đang số hóa tư liệu, tài liệu cho toàn bộ các di tích quản lý; bước đầu xây dựng bản đồ di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An, xác định tọa độ GPS, cập nhật đường đi và thông tin khái quát về di tích đối với 21 di tích trọng điểm. Nhờ đó, người dùng có thể thông qua bản đồ tra cứu, xem thông tin về di tích, dẫn đường tới di tích theo Google map. Về quy trình hoạt động nội bộ chúng tôi ứng dụng phần mềm quản lý số hóa trong quá trình làm việc, cho phép xử lý công việc trực tuyến.
P.V: Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.300 di tích và di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có hơn 460 di tích đã được xếp hạng. Thưa bà, thực trạng hiện nay của các di tích trên địa bàn tỉnh đang đặt ra những vấn đề gì và điều này có phải là một thách thức trong việc thực hiện số hóa di tích?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Theo kết quả kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018, Nghệ An có 2.602 di tích. Tính đến nay đã có 471 di tích được xếp hạng. Số lượng di tích nhiều, phong phú về loại hình, có giá trị về nhiều mặt là một điều rất đáng tự hào, cho thấy truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và đặc sắc của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, hệ thống di sản phân bố ở khắp các khu vực, từ miền xuôi đến miền núi, thậm chí nhiều di tích ở vị trí hiểm trở, cách biệt với khu dân cư, đường đi lại khó khăn, khó tiếp cận trực tiếp…, lại thường xuyên chịu tác động của thời tiết, khí hậu và nhiều biến thiên của lịch sử, chiến tranh làm cho di tích bị mai một hoặc hư hỏng, xuống cấp nên việc quản lý, bảo tồn di tích rất khó khăn. Quá trình trùng tu, tôn tạo di tích không đúng quy trình, không đảm bảo về chuyên môn dẫn đến tình trạng làm biến dạng hoặc làm mất đi các yếu tố gốc của di tích… Đó là thách thức cho việc bảo tồn di tích trong thực tế.
Hơn thế nữa, cùng với thách thức trong bảo tồn, phát huy di tích, quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản cũng có nhiều thách thức: Thách thức về xây dựng nội dung số hóa; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa; thách thức về cả vấn đề kinh phí thực hiện nội dung số hóa di tích, di sản này.
P.V: Như chúng ta đã biết, thực hiện số hóa là một nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và sẽ mở ra nhiều triển vọng trong công tác quảng bá và phát triển du lịch. Bà có đồng ý với ý kiến này không và để triển khai hiệu quả thì cần phải có những yếu tố nào?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Tôi rất đồng tình với ý kiến này! Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di sản được các nhà chuyên môn đánh giá là xu hướng của tương lai. Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu diễn ra và đơn vị cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thực hiện số hóa tài liệu và quy trình hoạt động chuyên môn. Chúng tôi đã bắt tay ứng dụng CNTT trong công tác quảng bá di tích từ năm 2016. Và để triển khai hiệu quả thì cần phải có các yếu tố như cần làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị: kiểm kê, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt việc số hóa các tài liệu về di tích, tăng cường bổ sung các tư liệu, tài liệu có giá trị để thực hiện số hóa.
P.V: Được biết, từ năm 2017, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” xác định 4 nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai. Trong đó, lĩnh vực di sản văn hóa ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng hệ thống trưng bày, thuyết minh tương tác trong bảo tàng; ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa. Với những nhiệm vụ quan trọng này, tỉnh Nghệ An đã có chiến lược dài hơi nào để triển khai và theo bà để hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra thì cần những giải pháp đồng bộ nào?
Bà Trần Thị Kim Phượng: Thực hiện Chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030, đồng thời lấy chủ đề cải cách hành chính năm 2022 là “chuyển đổi số”.
Thực hiện chương trình này, từ năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Đề án “Chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu hướng tới là chuyển đổi số đồng bộ mọi hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động chuyên môn toàn ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, phát triển thể thao, quảng bá du lịch của tỉnh nhà.
Trong lĩnh vực di sản, chúng tôi cũng đã có những mục tiêu cụ thể để ứng dụng công nghệ đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản. Và để hoàn thành những mục tiêu đề ra, theo tôi cần giải pháp đồng bộ như sau. Đó là, thực hiện số hóa đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, quy trình làm việc có kế hoạch và sớm thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với nhau. Đối với cấp bộ cần có trục liên thông dữ liệu cho phép đồng bộ dữ liệu cấp tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, cho phép tích hợp dữ liệu các tỉnh, thành phố trực thuộc.
Chúng ta cũng cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực về CNTT, ngoại ngữ; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa. Đồng thời, đầu tư nguồn kinh phí thường xuyên và đảm bảo để xây dựng, vận hành hệ thống lưu trữ số thường xuyên. Đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chuyên dụng, hiện đại; các trung tâm tích hợp dữ liệu, thiết bị hạ tầng CNTT…
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!.