Là địa phương triển khai sáp nhập xóm sớm nhất tỉnh, song đợt 1 huyện Tân Kỳ chỉ mới báo cáo Sở Nội vụ thẩm định, trình HĐND tỉnh thông qua phương án sáp nhập thôn, xóm của 18 xã. Hiện nay, huyện còn 3 xã và thị trấn chưa thông qua phương án sáp nhập. Đó là, xã Phú Sơn làm sai quy trình huyện yêu cầu phải làm lại; xã Tân Hương có 3 xóm đồng bào công giáo chưa thống nhất phương án sáp nhập; xã Tân Xuân có 1 xóm đồng bào dân tộc Thổ, người dân chưa đồng tình sáp nhập; thị trấn Tân Kỳ có khối 7 không nhất trí phương án sáp nhập đề ra. “Với quan điểm không nóng vội, huyện chỉ đạo các địa phương chỗ nào dân đồng tình làm trước, xóm nào người dân chưa đồng thuận thì tiếp tục vận động, phải lắng nghe ý kiến nhân dân, nếu thấy dân đề xuất hợp lý phải báo cáo huyện đưa ra phương án hài hoà nhất”- Trưởng phòng Nội vụ Tân Kỳ Đoàn Tử Nghĩa nói.
Đối với huyện Diễn Châu, đợt 1 huyện này sẽ thực hiện sáp nhập 294 khối, xóm, giảm được 153 khối, xóm. Sau khi triển khai sáp nhập, xem xét các yếu tố đặc thù, có 4 xóm dưới 50% tiêu chí nhưng huyện không thực hiện sáp nhập; có 2 xã là Diễn Hải và Diễn Kim đang thực hiện, sẽ trình phương án sáp nhập đợt tiếp theo.
Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Tăng Văn Luyện khẳng định: “Quá trình sáp nhập huyện xây dựng đề án cụ thể, phương án sáp nhập thôn, xóm được lựa chọn, rà soát kỹ lưỡng. Đối với những xóm có điều kiện, hạ tầng đảm bảo, vị trí thuận lợi, số hộ gia đình có thể đáp ứng thì sáp nhập thành một xóm mới. Đồng thời huyện xem xét các yếu tố đặc thù để xây dựng phương án hợp lý nhất, tạo sự thống nhất cao trong toàn dân”.
Huyện Nam Đàn có 330 thôn, xóm; dự kiến sau khi sáp nhập sẽ còn 156 xóm, giảm 174 xóm. Có 1 xóm ở xã Khánh Sơn mặc dù chưa đến 50 hộ nhưng không thực hiện sáp nhập vì xóm tách biệt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn Nguyễn Lâm Sơn cho biết: “Huyện thực hiện nghị quyết rất nghiêm túc, nhưng cũng xác định phải có lộ trình bài bản. Quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân. Ngoài tiêu chí diện tích, dân số, cũng phải rà soát yếu tố rất quan trọng là lịch sử, văn hóa, địa lý…”.
Theo quy định sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Nam Đàn phải tiến hành sáp nhập các xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường thành 1 xã; Nam Thượng, Nam Lộc, Nam Tân thành 1 xã và sáp nhập xã Vân Diên vào thị trấn Nam Đàn. Như vậy, Nam Đàn từ 24 xã, thị trấn, giảm còn 19 xã, thị trấn. Tuy nhiên, giải quyết lượng lớn với 150 cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã là điều không dễ ở Nam Đàn. “Việc triển khai chủ trương này cần khẩn trương nhưng không thể vội vàng mà cần thận trọng, cân nhắc, linh hoạt và tránh lắp ghép cơ học, căn cứ thực tiễn của địa phương trong thực hiện chủ trương, bảo đảm chủ trương, chính sách đạt hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn nhấn mạnh.
Theo Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ Nguyễn Thăng Long nhận định: Quy trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xóm, xã trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đúng hướng dẫn, quy định. Khi triển khai, các địa phương luôn coi trọng và lắng nghe ý kiến người dân, căn cứ vào điều kiện thực tế ở từng nơi để sắp xếp, đảm bảo không làm xáo trộn tới đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương rà soát lại các quy trình, nơi nào có tỷ lệ đồng thuận cao thì tiến hành sáp nhập, nơi nào chưa đảm bảo thì chưa cần nóng vội mà tiếp tục tuyên truyền, vận động.
Theo lộ trình, hết năm 2019 toàn tỉnh phải hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xóm và trong giai đoạn 2019 – 2021 phải hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, để đảm bảo tiến độ đề ra, còn rất nhiều việc phải làm.
Là một trong những huyện chưa trình HĐND tỉnh xem xét việc sáp nhập xóm trong đợt 1 này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho biết: Từ những khó khăn trong quá trình sáp nhập, huyện Tương Dương đã xây dựng phương án sắp xếp xóm, bản trên nguyên tắc phù hợp với thực trạng, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi địa phương, bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Đến nay, huyện Tương Dương đã xây dựng xong phương án sắp xếp cụ thể ở từng xã và tiến hành tuyên truyền, vận động lấy ý kiến nhân dân.
Với những địa phương tiến hành sáp nhập đợt 1, thì người dân như ông Nguyễn Đình Tư ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) bày tỏ: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, chúng tôi mong muốn, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, trình độ, uy tín, để đưa phong trào của xóm mới đoàn kết, đồng thuận, ngày càng phát triển.
Tại các cuộc họp chỉ đạo về vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh rằng, việc sáp nhập xóm, xã là việc khó, đòi hỏi phải chỉ đạo chặt chẽ, tạo sự đồng thuận cao trong công tác tổ chức thực hiện, nhất là sự đồng thuận của nhân dân. Trong quá trình sáp nhập tỉnh cũng tính toán rất kỹ việc giữ tính chất đặc thù, bản sắc của các địa phương, trong đó kể cả việc giữ lại tên gọi xã, bản, thôn, xóm.
Song song với việc thực hiện công tác sáp nhập, Sở Nội vụ cần phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn lại chi bộ và ban cán sự khối, xóm sau sáp nhập cũng như giải quyết chế độ, chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở khối, xóm. Đặc biệt, cần đảm bảo các quyền lợi của người dân liên quan đến sửa đổi các giấy tờ liên quan, Sở Nội vụ cần chủ động xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Nội vụ trong một số vấn đề còn băn khoăn trong quá trình triển khai; yêu cầu UBND tỉnh và các đơn vị liên quan phải lấy ý kiến HĐND các cấp và các ngành cũng như của người dân để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đối với số cán bộ cấp xã thuộc diện phải sáp nhập, trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy phải xác định phương án cho từng trường hợp cụ thể: Những người nào chuẩn bị nghỉ hưu, xã nào mà cán bộ tự thỏa thuận sắp xếp được với nhau, đơn vị nào có thể xảy ra mâu thuẫn do cơ cấu lại tổ chức bộ máy… tất cả phải được xem xét để linh hoạt trong xử lý, sắp xếp cán bộ.
Có thể nói, sắp xếp lại đơn vị hành chính là một chủ trương đúng và là nhu cầu tất yếu trong sự phát triển chung của cả nước, trong đó có Nghệ An. Nhưng nhập như thế nào là vấn đề cần phải cân nhắc, xem xét, cân đối giữa văn hóa, truyền thống, địa bàn đặc thù, và quan trọng là tạo được sự đồng thuận để đạt được mục đích cuối cùng là tinh gọn và hiệu quả.