Xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) có diện tích đất tự nhiên hơn 500 ha, dân số 5.300 người. Trước đây, xã có 11 xóm, bình quân mỗi xóm có 120 hộ, trong đó những xóm có quy mô nhỏ dưới 120 hộ dân là: xóm 2 với 117 hộ, xóm 9 có 115 hộ,… Các xóm có quy mô dân số nhỏ, ít nhân khẩu, ít đảng viên, đoàn viên, hội viên, dẫn đến khó khăn trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đơn cử như xóm 2 xã Hưng Thông có 117 hộ, với 446 khẩu, nhưng thực tế chỉ khoảng 300 người ở nhà, còn lại đi làm ăn xa. Trong khi đó xóm đang có các chức danh được hưởng phụ cấp từ ngân sách như: Xóm trưởng, công an viên, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội nông dân, phụ nữ, y tế, đoàn thanh niên,… Mặc dù có đầy đủ các tổ chức đoàn thể nhưng do ít người nên xóm gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và tham gia các hoạt động phong trào của địa phương nói riêng.
Bí thư Chi bộ xóm 2 xã Hưng Thông Lê Xuân Hường đánh giá: “Xóm có ít hộ thì “ngắn sào dễ trở”, tuy nhiên do dân số ít nên mỗi khi huy động làm các công trình phúc lợi thì nhân dân phải đóng góp nhiều. Do đó, việc sáp nhập xóm là cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, đặc biệt là việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, không manh mún, nhỏ lẻ như trước nữa”.
Được biết, xã Hưng Thông có 11/11 xóm thực hiện việc sáp nhập, sau sáp nhập chỉ còn 4 xóm, xóm đông nhất gần 400 hộ dân và xóm ít nhất là hơn 250 hộ. Các xã khác ở huyện Hưng Nguyên cũng thực hiện sáp nhập xóm; tổng số xóm ở Hưng Nguyên giảm từ 252 xóm xuống còn 126 xóm, cùng đó sẽ giảm khoảng 1.000 chức danh hưởng phụ cấp.
Thanh Chương là huyện có số lượng đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh, với 40 xã, thị trấn và 506 xóm, trong đó có 303 xóm có quy mô số hộ đạt dưới 50% phải sáp nhập; số lượng xóm lớn nên số cán bộ không chuyên trách đông, với khoảng 5.200 người (bình quân 10,3 lượt người/xóm được hưởng phụ cấp từ ngân sách). “Các xóm có quy mô nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao mà việc huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn so với những xóm có quy mô dân số lớn. Số lượng xóm nhiều cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách. Vì vậy, chủ trương sáp nhập, tăng quy mô xóm đối với Thanh Chương là rất cần thiết”- Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thanh Chương Nguyễn Cao Thanh cho biết.
Theo ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, một nghịch lý diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh: cũng là khu dân cư cấp cơ sở, nhưng nơi quá đông, chỗ lại quá ít. Mặc dù quy mô dân số không đồng đều nhưng vẫn phải bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách như nhau. Đi kèm với đó là bộ máy cán bộ xóm đồ sộ, trong lúc chất lượng đội ngũ không chuyên trách tại nhiều xóm chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của địa phương. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, gây ra sự bất hợp lý trong việc bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp, mà còn tạo tâm lý bức xúc trong một bộ phận những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xóm. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập lại các xóm, xã là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhằm tinh gọn lại bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý đối với cộng đồng dân cư của chính quyền cấp xã.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng nhất cả nước, nhiều đơn vị hành chính (480 đơn vị cấp xã, 5.884 xóm), có nhiều vùng đặc thù, việc sáp nhập các xóm, xã không đủ tiêu chí theo quy định là rất lớn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Nghệ An đã có 14/21 huyện, thành, thị cơ bản hoàn thành việc sáp nhập xóm trong đợt 1.
Là huyện miền núi, nhưng Tân Kỳ lại là địa phương đi đầu trong tiến hành sáp nhập thôn, xóm, bản. Từ tháng 9/2018 Tân Kỳ triển khai thực hiện, đến tháng 10/2018 đã có 18/22 xã, thị trấn lấy ý kiến nhân dân. Việc sáp nhập thôn, xóm, bản của 18 xã ở Tân Kỳ cơ bản hoàn thành trong năm 2018. Trước sáp nhập Tân Kỳ có 269 xóm, sau sáp nhập còn 115 xóm, giảm được 118 xóm.
“Để có kết quả đó, Tân Kỳ xác định công tác tuyên truyền đi trước, trong đó đối tượng cần tuyên truyền trước hết là cán bộ xóm. Bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến cán bộ xóm, tuyên truyền cán bộ trước rồi mới đến người dân. Do đó, huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền vận động, giải thích thấu đáo cho cán bộ xóm cũng như người dân”- Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ Đoàn Tử Nghĩa chia sẻ.
Còn ở Hưng Nguyên, theo Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi khẳng định: “Chủ trương sáp nhập thôn, xóm, bản, tổ dân phố là đúng đắn, nhưng cần phải linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở, không nên gò ép phải có đủ số hộ theo quy định “cứng”, mà cần xem xét yếu tố đặc thù. Triển khai sáp nhập thôn, xóm, huyện Hưng Nguyên tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đối với những nơi khó khăn vướng mắc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về trực tiếp chỉ đạo. Trong quá trình triển khai, huyện giao cho xã chủ động xây dựng phương án, trong đó phải đặc biệt chú trọng xem xét nguyện vọng, lắng nghe ý kiến của người dân, phải tìm ra giải pháp giải quyết thỏa đáng những vấn đề phát sinh mà nhân dân đưa ra, nhất là vùng đặc thù”.
Tại xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), theo phương án, có 4 xóm thuộc diện phải sáp nhập thành một xóm (xóm 6A, 6B, 7A,7B) để đảm bảo tiêu chí theo quy định của Thông tư 14 của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, thực tế cho thấy 4 xóm này đất đai sản xuất rải rác trên 30 xứ đồng, trải dài trên 5km, sẽ khó khăn trong chỉ đạo sản xuất. Cùng đó, sắp tới khi triển khai dự án đường bộ cao tốc đi qua Nghệ An sẽ chia cắt 4 xóm tách biệt về mặt địa lý hành chính thành hai vùng. Vì vậy, nhân dân kiến nghị không sáp nhập thành 1 xóm mà thành 2 xóm. Để tháo gỡ khó khăn, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đã xuống trực tiếp họp dân, qua nghe kiến nghị đề xuất của nhân dân, nhận thấy mong muốn của dân là hợp lý, nên đã chỉ đạo xã triển khai sáp nhập theo phương án của dân đề xuất.
Tương tự, tại xã Thái Sơn (huyện Đô Lương), ban đầu đề án sáp nhập từ 12 xóm xuống còn 7 xóm, trong đó có xóm 2 và xóm 5 phải tách thành cụm dân cư để sáp nhập với các xóm khác. Nhưng người dân các xóm này có nguyện vọng cả xóm cùng sáp nhập với một xóm khác, chứ không chia tách. Để “gỡ khó”, Phòng Nội vụ huyện đã vào cuộc chỉ đạo với xã đề xuất phương án hợp lý để hợp lòng dân, sáp nhập 12 xóm thành 5 xóm. “Để giải đáp và làm thông tư tưởng nhân dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động. Đồng thời địa phương xem xét hiện trạng thực tế, đặc thù từng vùng, tập tục sinh hoạt và lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân, sau đó đề ra phương án điều chỉnh hợp lý nhất”- Chủ tịch UBND xã Thái Sơn (Đô Lương) Nguyễn Thị Yến nói.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nỗ lực và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng với những cách làm linh hoạt, đến nay, toàn tỉnh đã có 14/21 huyện, thành, thị cơ bản hoàn thành việc sáp nhập xóm và sẽ trình ra HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 9 lần này. Dự kiến, đợt 1 này, toàn tỉnh sẽ giảm được 1.609 xóm.
Việc thực hiện sáp nhập, xóm, khối bản là một trong những chủ trương đã đặt ra tại Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả và các quy định về việc sắp xếp sáp nhập các xóm, khối, bản không đảm bảo theo tiêu chí theo quy định năm 2019. Nghệ An đã có các Đề án số 09 và Kế hoạch 111 – KH/TU ngày 2/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 – NQ/TW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện quy trình sáp nhập đổi tên các xóm, khối, bản tại địa phương theo quy trình, điều kiện, tiêu chí hiện hành. Dự kiến hết năm 2019, Nghệ An sẽ hoàn thành việc sáp nhập xóm.
(Còn nữa)