P.V: Trở thành 1 trong 3 đại diện của sinh viên Nghệ An đón nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng cấp Trung ương do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xét duyệt, cảm xúc của em thế nào?
Nguyễn Nguyệt Anh: Sao Tháng Giêng là giải thưởng cao quý của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tuyên dương cán bộ Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện và đóng góp tích cực trong công tác Đoàn – Hội và phong trào sinh viên. Bản thân em khi tham gia hoạt động Đoàn, Hội không vì mục tiêu giải thưởng mà vì đam mê và sự yêu thích.
Tuy nhiên, khi biết mình được ghi nhận và trao tặng danh hiệu này thì em vô cùng xúc động. Bởi đây là danh hiệu mà mỗi một sinh viên chỉ được nhận một lần trong đời. Là động lực để em tiếp tục học tập và rèn luyện trong khoảng thời gian còn lại trong quãng đời sinh viên và cả những tháng năm sau này của tuổi trẻ.
Bên cạnh niềm vinh dự đó, em cũng ý thức được trách nhiệm của mình để góp sức đưa công tác Đoàn – Hội và phong trào sinh viên ngày càng đi vào thực chất.
P.V: Có một bộ phận sinh viên vẫn còn cho rằng, tham gia hoạt động Đoàn, Hội là “lãng phí về thời gian”, quan điểm của em như thế nào?
Nguyễn Nguyệt Anh: Đó là định kiến đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng với em điều đó không đúng. Trong quãng thời gian là sinh viên, em có thêm nhiều cơ hội để được thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong các hoạt động tình nguyện, văn hóa, thể thao. Mỗi một chương trình tình nguyện là một dịp để em được trải nghiệm, tích lũy thêm vốn sống và học được cách sắp xếp thời gian, cách tổ chức công việc, đó là những kỹ năng rất quan trọng bên cạnh kiến thức chuyên môn.
Có hai thứ quý giá nhất mà hoạt động Đoàn – Hội đã mang lại cho em, đó là sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội và những trải nghiệm, kỹ năng mềm thu nhận được sau mỗi chương trình tình nguyện.
Em vẫn còn nhớ những ngày Hè vừa qua, khi em cùng các bạn sinh viên của Trường Đại học Vinh đến với mảnh đất biên giới Tam Hợp (Tương Dương) để dạy tiếng Anh cho các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số. Chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của các em học sinh và người dân nơi đây đã mang lại cho em một cái nhìn mới về các hoạt động an sinh xã hội. Điều mà nhiều sinh viên sinh ra và lớn lên trong điều kiện đủ đầy khó lòng hiểu được.
Trong quá trình đi tình nguyện, chúng em ở trọ tại ký túc xá của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Tam Hợp đứng chân ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Thấu hiểu những thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là nơi để nấu nướng và tắm giặt nên người dân trong bản đã tận tình hỗ trợ chúng em.
Em còn nhớ trong bản có chú Hợi, dì Nga luôn quan tâm và coi chúng em như những thành viên trong gia đình mình. Vì vậy, dù đã kết thúc chuyến tình nguyện và trở về Vinh học tập thì sợi dây gắn kết đó vẫn được duy trì. Mọi người vẫn gọi vui nhóm sinh viên tình nguyện của bọn em bằng một cái tên đầy ấm áp là: Nhóm con nuôi của chú Hợi, dì Nga. Có thể nói rằng, sau những chuyến đi ý nghĩa đó đã trang bị cho em và các bạn sinh viên một hành trang mới, đó chính là tình thương đối với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó là điều mà không sách, vở nào có được.
Bên cạnh đó, thông qua việc giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông khi tham gia các hoạt động tình nguyện còn giúp cho em có được sự tự tin và những kỹ năng mềm cần thiết. Dù kỹ năng mềm không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn. Nhưng nó lại quyết định em là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả trong công việc về sau này. Đặc biệt là khi thế giới ngày càng hội nhập, con người sinh sống, làm việc trong một không gian mở với nhiều mối quan hệ ràng buộc hơn.
P.V: Thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của cộng đồng theo cách hoàn toàn mới. Vậy theo em, sinh viên cần làm gì để không bị tụt lại trong cuộc cách mạng này?
Nguyễn Nguyệt Anh: Trong nhiều diễn đàn của tuổi trẻ Nghệ An, dường như vấn đề nâng cao trình độ Ngoại ngữ và Tin học cho lực lượng đoàn viên, thanh niên luôn “nóng” và dành được sự quan tâm lớn của mọi người. Bởi thực tế cho thấy, nhiều học sinh, sinh viên Nghệ An rất giỏi chuyên ngành, nhưng vì yếu ngoại ngữ mà tuột mất cơ hội đi du học hoặc làm việc tại những môi trường cần yếu tố này. Theo em, ngoại ngữ là một trong những “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa thành công trong kỷ nguyên số 4.0. Biết thêm một ngoại ngữ là mở ra một chân trời mới. Biết thêm một ngoại ngữ, thanh niên Nghệ An có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, và thu nhập chắc chắn sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Và tuổi trẻ Nghệ An được xác định là lực lượng tiên phong đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Ngay từ bây giờ sinh viên chúng em phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải tự mình cập nhật thêm những tri thức mới, kỹ thuật, công nghệ mới và làm chủ vốn ngoại ngữ. Bởi đó là yếu tố kết nối con người với con người, kết nối nền văn hóa này với nền văn hóa khác, kết nối dân tộc này với dân tộc khác. Khả năng Ngoại ngữ và Tin học tốt sẽ giúp sinh viên mở được cánh cửa bước vào thế giới mới và nắm bắt được nhiều cơ hội lớn cho mình. Nhất là khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Nghệ An là điểm đến đầu tư.
P.V: Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh, Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Sư phạm ngoại ngữ, Bí thư Chi đoàn lớp 61A1 em đã và sẽ làm gì để hỗ trợ các bạn sinh viên trong học tập và rèn luyện. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn – Hội trong nhà trường?
Nguyễn Nguyệt Anh: Em nghĩ nếu muốn hỗ trợ các bạn sinh viên tốt, và mong muốn sinh viên có tinh thần phát triển bản thân, thì chính mình cũng phải là một tấm gương. Đơn cử như muốn tuyên truyền phong trào học tiếng Anh trong sinh viên, thì chính mình cũng phải là một người học mỗi ngày và sử dụng được tiếng Anh. Vậy nên, điều đầu tiên em làm là giữ cho mình tư duy phát triển bản thân mỗi ngày để lan tỏa tinh thần học tập trong sinh viên.
Bên cạnh đó, là một cán bộ hội, em cần nắm rõ các quy cách làm việc, điều lệ, để khi sinh viên có thắc mắc, mình có thể giải đáp. Về nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn – Hội, em cũng như Ban Thư ký Hội Sinh viên, Ban Thường vụ Đoàn trường luôn trăn trở để làm sao tổ chức được những hoạt động mang lại hứng thú và có ích cho công việc sau này của các bạn. Hoạt động cần đan xen cả tính giải trí và chuyên môn. Em thường theo dõi và học hỏi công tác hội của sinh viên các trường bạn, để từ đó có thể áp dụng, đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, xây dựng quy trình hoạt động cho sinh viên. Đặc biệt, trong thời gian này, khi Trường Đại học Vinh đã công bố sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường, phấn đấu Trường Đại học Vinh trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030 và tốp 1.000 đại học thế giới vào năm 2045, thì tầm quan trọng của các hoạt động cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên lại vô cùng quan trọng. Các hoạt động dần được quốc tế hóa, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao hơn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cả em cũng như cán bộ Đoàn – Hội toàn trường.
Em tin những mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực, bởi gia đình, thầy cô và những người bạn là “đồng chí” trong công tác hội đã luôn là nguồn động viên, điểm tựa để cùng nhau tiến về phía trước!
P.V: Cảm ơn em về cuộc trò chuyện này!