Nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ cho độc giả Báo Nghệ An về vấn đề sách và phát triển văn hóa đọc hiện nay.
PV: Thưa ông, cách đây mấy ngày, ngành Văn hóa Nghệ An đã chọn Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) để phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Tôi nghĩ đây là một điều rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên cuộc thi được phát động ngay tại quê nhà của ông – người khởi xướng cuộc thi này?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi bắt đầu khởi xướng cuộc thi này vào năm 2014. Đó là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức một hội sách ở Hoàng Thành Thăng Long nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2014).
Trước đó, khi triển khai hội sách này, chị Phan Lan Tú – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là người được giao nhiệm vụ được tổ chức hội sách và đề nghị tôi góp ý một số ý tưởng để phát triển văn hóa đọc của Thủ đô. Lúc đó, tôi đã đề xuất một số sáng kiến như làm sao công bố được danh mục 10 cuốn sách hay nhất về Hà Nội, mỗi một năm chọn một giải thưởng sách Thủ đô để trao giải cho những tác giả có tác phẩm nổi bật và tôi đặc biệt tâm đắc với ý tưởng về một cuộc thi nhằm khuyến khích việc đọc sách trong học sinh với tên gọi Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô. Tại lễ khai mạc hội sách năm đó, tôi cũng đã vinh dự được đại diện cho những người làm xuất bản lên phát biểu và tôi cũng đã nói đến ý tưởng của cuộc thi này. Sau đó 1 năm, Hà Nội chính thức phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và đã triển khai liên tục trong 3 năm 2015 – 2016, 2017, mỗi 1 năm có từ 40.000 – 100.000 học sinh hưởng ứng tham gia cuộc thi.
Đến khoảng năm 2017 – 2018, tôi gặp Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mọi người có chia sẻ về thành tựu và những kết quả từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô, từ đó muốn “nâng cấp” giải thưởng này lên quy mô toàn quốc. Sau đó, khi cuộc thi chính thức được phát động, trong năm đầu tiên tôi có được tham gia chấm và rất ngạc nhiên khi có đến hơn 570.000 bài dự thi trên cả nước, trong đó riêng tỉnh Nghệ An là hơn 130.000 bài… Lúc đó, mọi người còn trêu tôi “phải chăng tôi là người Nghệ An nên vận động được nhiều người tham gia như vậy?”.
Nhìn một cách khách quan thì hiện nay, thế giới giải trí của học sinh đa dạng hơn. Nhưng tinh thần văn hóa đọc và sự lan tỏa xã hội vẫn đang được những người làm sách, người làm báo, người làm giáo viên bồi đắp hàng ngày, thậm chí có những người làm công việc vận động học sinh đọc sách. Tôi cũng tin rằng, một phần nào đó, sự ảnh hưởng của cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc sẽ khôi phục dần, thúc đẩy dần văn hóa đọc của học sinh bây giờ.
PV: Ông là một người làm trong ngành Xuất bản và gắn bó với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa về sách. Vậy, sách có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời của ông?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tuổi thơ của tôi trong cái rủi có cái may, bởi tôi sinh ra trong gia đình mà cả bố và mẹ đều yêu sách vở. Những năm trước hòa bình, sách vở ở Hà Nội ít ỏi lắm và thực sự chỉ một số nhà cán bộ mới có sách trong nhà.
Mẹ tôi công tác ở Đại học Dược, trên đường mẹ tôi đi làm về nhà qua phố Lê Văn Hưu và Hàn Thuyên cũng có hai cửa hàng cho thuê sách truyện. Mẹ tôi đi qua đó hay thuê truyện mang về và chúng tôi được đọc rất nhiều sách, cả sách mẹ mượn ở cơ quan lẫn sách thuê. Bố tôi cũng là người đam mê với sách và ông có lẽ là một những người mượn sách nhiều nhất ở Thư viện Quân đội trên đường Lý Nam Đế và tôi được thừa hưởng sách từ ông.
Ngày bé tôi cũng rụt rè, trong khi bạn bè chơi khăng, chơi bi thì lúc rảnh rỗi tôi chỉ thích vùi đầu vào sách vở. Tôi đọc nhiều đến nỗi bị ấn tượng bởi những cuốn sách hay. Thậm chí tôi còn đọc những cuốn như sách nghiên cứu, sách khoa học, và có cả những sách khó và cao siêu, sâu sắc hơn nhiều so với lứa tuổi. Vì cứ quanh quẩn đọc sách dần dần tôi bắt chước, tự học và tập viết được vài chữ ngoại ngữ đơn giản, dù chẳng ai dạy, cứ tự xem sách, tra và đoán chữ để học.
Ký ức về sách của tôi ngày còn nhỏ là những dịp Tết và Hè được lên tàu theo bố về quê nội ở Đô Lương. Đây cũng là thời gian tôi lục lọi được rất nhiều sách ở trong nhà ông nội. Ngày đó, sách báo rất ít ỏi, chẳng mấy nhà có nhưng thật may mắn là chú ruột tôi nguyên là cửa hàng trưởng cửa hàng sách ở phố huyện Đô Lương, cả đời theo nghề phát hành sách nên trong nhà cũng lưu giữ một số sách để đọc. Những ngày sát Tết, tôi thường theo chú tôi đi bán sách hay bán những câu đối ngày Tết cho bà con trong vùng ở chợ Đô Lương. Tiếc là lần gần đây nhất khi quay trở lại cái hiệu sách tuyệt vời đó đã không còn nữa… Tôi cũng rất buồn khi về thăm nhà họ hàng, rất khó để tìm thấy được cuốn sách trong nhà. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi phát triển các hoạt động văn hóa, nói chuyện, tặng sách cho học sinh ở các trường trên địa bàn huyện Đô Lương nhiều năm nay.
PV: Ông đã có một tuổi thơ được bầu bạn với sách vở. Vậy, sách tác động như thế nào đến sự trưởng thành của ông sau này?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Từ những cuốn sách mẹ tôi mang về và những bản tin tham khảo, những tài liệu của bố, chúng dần dần tạo nên thay đổi rõ rệt ở tôi, nhất là khi tôi lên cấp ba, bắt đầu nhận thức về thế giới và cuộc sống. Tôi dần nhận ra rằng ngoài kia, ngoài cái thế giới đơn giản mà tôi đang sống, là những điều mà mình không được biết đến, mình không thể tượng tưởng được, khác với những điều tôi được học ở nhà trường.
Trong cuộc đời của tôi có ba bầu trời thì sách là bầu trời đầu tiên đối với tôi, thứ hai là Internet và thứ ba là Tiếng Anh.
Sách nuôi dưỡng cho tôi niềm vui, khích lệ cho tôi sự khám phá với vô vàn nhiều điều bí ẩn, tuyệt vời và làm cho tôi thấy rằng ở ngoài kia ngoài sách giáo khoa có rất nhiều thứ thú vị, cần được khám phá.
Theo thời gian, sách ngày càng có ý nghĩa với tôi bởi trước đây, tôi đọc sách tôi cũng không hiểu nhiều mà chỉ thấy thú vị thôi. Nhưng sau này làm về ngành Xuất bản và nói chuyện nhiều về sách tôi nhận ra sách tác động đến mình rất nhiều. Thứ nhất, khiến cho tư duy của tôi không quá lệ thuộc vào sách giáo khoa (kể cả khi còn đang đi học). Nhờ có kiến thức từ sách vở khiến cho mình mạnh dạn hơn, dám dấn thân hơn bởi vì mình có sự hiểu biết.
Với tôi, việc đọc sách cũng như cơ thể mình, nếu mình được luyện tập thường xuyên thì chắc chắn trí não cũng sẽ phát triển hơn. Khi còn bé có một câu nói tôi rất tâm đắc đó là “trí tưởng tượng là điều quan trọng nhất”. Vì vậy, một đứa trẻ ngày nhỏ đọc nhiều truyện cổ tích, đọc được nhiều sách về các cuộc phiêu lưu thì trí tưởng tượng của trẻ chắc chắn sẽ phát triển, giúp cho não nảy nở trưởng thành…
Tôi cũng thấy sự giá trị của tri thức đối với sự phát triển của con người. Đó cũng là lý do vì sao tôi theo ngành Xuất bản, bởi tôi thấy chúng ta lạc hậu với thế giới không phải bởi chúng ta chậm và phát triển về vật chất mà sâu xa là lạc hậu về kiến thức và tinh thần.
PV: Ông tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa và đã từ bỏ một công việc ổn định để theo đuổi nghề xuất bản và sống với niềm đam mê sách của mình. Ông cũng từng chia sẻ đó là quyết định quan trọng nhất của cuộc đời dẫn ông đến với bầu trời tri thức và trí tuệ. Nhưng rõ ràng, để cân bằng giữa niềm đam mê và cơm áo gạo tiền là một điều không đơn giản đúng không?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Nếu là một phép tính, từ khi tôi học chuyên ngành Hóa dầu ở Trường Bách khoa (năm thứ 3) đến khi ra trường tôi chỉ có khoảng 1.000 tiếng theo đuổi chuyên ngành này. Nhưng với sách, tôi có hơn 20 năm sống với sách và tính trung bình tôi đã đọc sách đến hơn 10.000 giờ thì tôi nghĩ chính sách mới là cánh tay phải của tôi chứ không phải chuyên ngành ở trường đại học…
Có lẽ vì thế, khi tôi chuyển sang phát triển ngành sách tôi không bỡ ngỡ gì, ngược lại như thể tôi về nhà mình, về quê mình, tôi thông thạo mọi đường đi lối lại.
Tất nhiên, khi một người đam mê sách nhưng lại theo đuổi kinh doanh sách là một thách thức rất lớn và tất cả những người làm xuất bản đều phải đau đầu. Vì thế, chúng tôi phải cân bằng giữa sở thích cá nhân và nhu cầu của thị trường và sở thích của độc giả… Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình vẫn đang phải vật lộn với cơm áo gạo tiền, lo cho đủ cuộc sống của cán bộ, nhân viên trong công ty. Nhưng, một nhiệm vụ quan trọng vẫn là phải xuất bản ra những cuốn sách có giá trị và tôi vẫn kiên trì với hướng đi mà mình ban đầu đã đặt ra.
Tôi nhớ năm 2004 khi tôi mới khởi nghiệp, bạn bè vẫn hỏi tôi có nên làm sách khoa học hay không. Thay vào đó nên làm sách văn học nhẹ nhàng, phù hợp với thị hiếu của nhiều bạn đọc. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình nên làm những thứ mà mình thích, mình giỏi và mình đam mê. Đây cũng là thời điểm mà kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và con người muốn trưởng thành phải có kiến thức và đó cũng là lý do vì sao tôi kiên trì vào dòng sách mà mình làm với mảng sáng về quản trị kinh doanh, khoa học…
PV: Không cần làm một phép so sánh thì chúng ta cũng thấy rằng thị trường sách hiện nay đã khác trước rất nhiều. Nhưng là một người làm sách, ông có trăn trở điều gì?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trước đây chúng ta thiếu sách nên “vớ cái gì là đọc được cái nấy” nhưng hiện nay sách có quá nhiều. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay đó là phải có sự định hướng khi lựa chọn sách. Muốn vậy, vai trò của xuất bản và các đơn vị liên quan cần phải có hệ thống và định hướng sách cho bạn đọc.
Thách thức hơn nữa đó là đưa sách về cơ sở. Trước đây, dù kinh tế còn khó khăn nhưng hệ thống thư viện ở cơ sở khá phát triển và sách về đến từng xã, thôn, bản. Nhưng 20 năm trở lại đây, kinh tế thị trường khiến cho hệ thống thư viện tan vỡ nhiều và để lại một khoảng trống khá lớn… Đây cũng là lý do vì sao tôi đang muốn triển khai nhiều hoạt động sách ở cộng đồng. Như ở Nghệ An, tôi đang có ý tưởng liên kết với các thư viện trường học để đưa sách vào nhà trường hoặc xây dựng một điểm đọc sách hiện đại để phục vụ bạn đọc…
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ông Nguyễn Cảnh Bình sinh năm 1972, là người con quê hương Đô Lương. Ông là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Alpha Books, Omega+ Books và các thương hiệu khác như ETS, Gamma, MedInsight, Sống và Trạm đọc. Ông cũng là tác giả, dịch giả, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách về thiết chế, hiến pháp, tổ chức, lãnh đạo và giáo dục trên thế giới. Ông đã có nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng gồm: Hành trình tri thức, Cùng đọc sách, Đại sứ Văn hóa đọc, và các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên…