Thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bỏ lại giảng đường, bỏ lại công việc, xa gia đình, bạn bè…. Để rồi giờ đây, nhìn lại cuộc chiến, dẫu có mất mát, dẫu có hy sinh nhưng với họ, đây vẫn là những tháng ngày đáng nhớ, những ngày họ được sống và chiến đấu hết mình vì biên cương của Tổ quốc…
Những ngày tháng 2 này của 40 năm trước, Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Sau 30 ngày vấp phải sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 18/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm sau đó, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Chiến sự vẫn tiếp tục tiếp diễn, Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Trong những năm ấy, hàng vạn thanh niên lần lượt lên đường hướng về biên cương của Tổ quốc. Trung úy Võ Văn Khôi là một trong số đó.
Ông Khôi nhập ngũ năm 1986, thời điểm mà chiến tranh biên giới Tây Bắc đã gần đến hồi kết. Thời kỳ đó, chàng thanh niên quê xã Nghi Trung (Nghi Lộc) vẫn đang là sinh viên của Trường Quân chính quân đoàn. Đồng đội nhập ngũ cùng với ông lúc đó là những thanh niên chỉ mới ngoài 20; người vừa tốt nghiệp cấp 3, có người thậm chí chưa biết nhiều về cuộc chiến. Họ chỉ biết “lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt”.
Sau 3 tháng huấn luyện ở Sóc Sơn, ông cùng các đồng đội được biên chế vào Trung đoàn 165 – Sư đoàn 312. Cũng theo lệnh điều động đặc biệt, thời gian các ông tăng cường sẽ được thực hiện trong 6 tháng. Sau thời gian trên, mọi người sẽ được trở lại giảng đường, trở về với cuộc sống sinh viên đầy mơ mộng…
Vị cựu binh này kể rằng, ngày ông Khôi và các đồng đội lên Vị Xuyên – Hà Giang, dẫu mùa Đông chưa đến nhưng thời tiết cũng đã bắt đầu khắc nghiệt. Thời điểm đó, nhiều cao điểm của Việt Nam đã lần lượt bị chiếm đóng trái phép. Các sư đoàn như 312, 316, 356 được lệnh giữ lại các điểm chốt, từng bước tổ chức bao vậy, đánh lấn dũi và từng bước giành và giữ các vị trí cao điểm. “Từ giữa tháng 11 thì trời rét cắt da, cắt thịt, điểm trấn giữ của tôi và đồng đội nằm ở giữa một cái hang, xung quanh toàn là đá vôi. Chỉ một cơn mưa nhỏ mùi đá vôi đã bốc lên nồng nặc”, ông Khôi nhớ lại.
Giai đoạn 1984 – 1987, Vị Xuyên cũng được ví là khu vực “lò vôi thế kỷ”, là “cối xay thịt”, liên tục bị địch pháo kích vô cùng ác liệt. Lúc bấy giờ, với vai trò là Trung đội trưởng (C7, d5, E165, F312), Trung úy Võ Văn Khôi và các đồng đội được giao nhiệm vụ trấn giữ một ngọn đồi có tên là H6. Thông thường vào buổi ngày, do địch bắn phá liên miên nên hầu hết các chiến sỹ sẽ ở lại trong hang để trấn giữ. Đêm xuống, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có pháo từ phía bên kia bắn lại nhưng anh em lại thay nhau, vượt đồi núi để lên điểm trấn giữ tiền tiêu trên cao để nghe ngóng tình hình…
“Những chuyến đi vượt rừng ban đêm, dẫu tưởng chừng như an toàn hơn nhưng lại thường xuyên tiềm ẩn mối nguy hiểm vì bị đột kích, vì khắp khu rừng đâu đâu cũng có mìn…”, vị cựu binh nhớ lại. Lần cuối cùng, trên đường đi làm nhiệm vụ về, ông gặp phải mìn, bị thương, cắt cụt mất chân phải. Lúc đó, cũng là những ngày giáp Tết và nếu theo như lệnh tăng cường chỉ một thời gian ngắn nữa, sau Tết, ông và các đồng đội sẽ được trở về Hà Nội…
Khác với ông Võ Văn Khôi, ông Trịnh Hồng Thắng (nay đang sống tại đường Hà Huy Tập) lại thuộc lớp “đàn anh” – tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào những ngày đầu của cuộc chiến. Thời điểm nhập ngũ, ôngThắng đã là kế toán ở cảng Bến Thủy. Bố ông, vốn là cán bộ của ngành giáo dục, khi biết ông xung phong nhập ngũ, cũng có nhiều tâm tư, băn khoăn. Nhưng rồi “Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng”, ông lên đường với một tâm thái nhẹ tênh, với khát vọng sớm được ra chiến trường để bảo vệ biên giới, bảo vệ biên cương của tổ quốc.
Chàng trai trẻ khi ấy lên đường khi đất nước đã hòa bình, thống nhất cũng không lường trước được sự khốc liệt của cuộc chiến. Vậy nên, những ngày đầu lên Hà Giang, đối diện với chiến thuật dùng biển lửa, biển người của đối phương…thực sự căng thẳng, khó khăn. Đó cũng là giai đoạn mà lực lượng hai bên bị thương vong nặng nề nhất, rất nhiều đồng đội của ông, có những người còn vừa ngồi ăn với nhau bên bờ suối, chỉ một trận bom đã ngã xuống…
Ông cũng còn nhớ, mọi trận đánh của hai bên khi ấy đều ác liệt, giằng co nhau. Có khi, chỉ một con cầu, mà phía bên kia là địch, bên này là mình, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc. Lên biên giới, các ông phải làm quen với cái rét của miền biên viễn, mà khi đó hành trang mang theo chỉ có 2 bộ quân phục và một áo trấn thủ. Ở trên ấy, sương mù dày đặc, quanh năm lạnh giá. Có thời điểm, vì phải trấn thủ trên núi quá lâu, chân tay bị tê cứng, không đi lại được.
Thời điểm ông Thắng bị thương là tham gia trận đánh ở tại cầu Cốc Lếu (bên sông Kỳ Lừa). Khi bị đạn bắn trúng, ông gần như ngất xỉu ngay tại chỗ. Đến khi tỉnh dậy, một bên chân đã bị cắt cụt một nửa, chân còn lại vết thương cũng loét vào sâu tận gót chân… Kể chuyện, người thương binh 1/4 sau 40 năm vẫn không cầm được xúc động: “Khi đó, tôi biết mình tàn phế rồi. Nhưng bản thân vẫn không hề nao núng, vẫn muốn được ra trận. Rồi lại nghĩ, mình được sống là may mắn rồi, đồng đội mình biết bao nhiêu người ra đi khi tuổi còn trẻ hơn”, ông Thắng nói.
Hai người lính, hai thương binh 1/4, sau chiến tranh biên giới phía Bắc đều phục viên và trở về địa phương. Cuộc chiến đi qua, để lại trên cơ thể các ông những vết thương chằng chịt, những đớn đau khiến các anh khó có thể hòa nhập như những người bình thường. Nhưng, với bản chất của người lính Cụ Hồ, với tinh thần của những người lính quả cảm, anh dũng, họ vẫn chiến đấu, vẫn vươn lên trong cuộc sống.
Ông Khôi nói rằng, hạnh phúc lớn nhất của ông lúc này là 4 đứa con đều học giỏi, trong đó con gái đầu tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, con gái thứ 2 học Đại học Dược và con thứ 3 đang học Kinh tế quốc dân… Còn với cựu binh Trịnh Hồng Thắng, chiến tranh đã qua nhưng nhiệm vụ, trách nhiệm của ông với đồng đội vẫn còn.
Mấy năm trở lại đây, năm nào ông cũng cùng đồng đội cũ, lên lại Vị Xuyên, trở lại chiến trường xưa để quy tập mộ cho những liệt sỹ đã nằm xuống. Hạnh phúc của ông còn là may mắn lấy được người vợ tần tảo, có hai con ngoan đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định… “Chiến tranh, dẫu có thắng hay thua thì đều để lại những thương tổn. Nhưng, cuộc sống dù là ở trong hoàn cảnh nào cũng phải biết đấu tranh, biết sinh tồn…Và ông Trời luôn công bằng, chẳng lấy đi của ai tất cả”, ông Thắng nói.