Cách đây tròn 60 năm, đế quốc Mỹ tìm mọi cách mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô cả nước. Nhận thức được vị trí chiến lược và tầm quan trọng của địa bàn miền Tây Nghệ An, trong đó có vùng đất Phủ Quỳ với việc xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19 tháng 4 năm 1963, Chính phủ đã ra Quyết định số 52-CP về việc chia lại địa giới các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu thành 7 huyện, trong đó huyện Quỳ Châu được chia thành 3 huyện mới, gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.
Khi mới thành lập, huyện Quế Phong chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Châu Hùng, Châu Long, Châu Thôn, Châu Kim, Cắm Muộn và Thông Thụ. Những ngày đầu mới thành lập, huyện chưa có các cơ sở hạ tầng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị; đồng bào các dân tộc đang vô cùng khó khăn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, tình trạng mù chữ; các loại dịch bệnh nhất là sốt rét thường xuyên đe dọa sức khỏe và sinh mệnh của nhân dân. Dải đất biên cương cũng là địa bàn hoạt động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước Việt – Lào trên tuyến biên giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong đã đoàn kết một lòng vượt qua thời khắc khó khăn, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để cùng “thắt lưng buộc bụng”, chung sức xây dựng cơ ngơi mới, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nội địa và biên giới. Đặc biệt, ngày 12 tháng 4 năm 1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi nhân dân, cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong đã hoàn thành trước thời hạn 01 năm kế hoạch 05 năm của Chính phủ về công tác bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ cho toàn dân.
Trong giai đoạn cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và kết thúc thắng lợi bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quế Phong đã đoàn kết, thi đua thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ. Các hợp tác xã nông nghiệp không ngừng được củng cố từ bậc thấp lên bậc cao; những cánh đồng năm tấn vẫn xuất hiện tại các hợp tác xã Vân Tập (xã Mường Nọc), bản Khoẳng (xã Châu Kim), bản Đon (xã Thông Thụ), bản Chiềng (xã Tri Lễ)… Nhờ đó huyện đã giải quyết cơ bản nạn đói, hoàn thành nghĩa vụ lương thực, thực phẩm với Nhà nước, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Toàn huyện đã động viên hơn 4.000 con em lên đường bảo vệ Tổ quốc, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, trong đó có 171 thanh niên đã hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc, 5 bà mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Năm 1966, dân quân xã Thông Thụ bắn rơi máy bay Mỹ, được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1973, lực lượng an ninh huyện đã đập tan tổ chức phản động “Đảng nhà sàn”, tàn dư của “Đảng Bào Ka”, giữ vững an ninh nội địa và an ninh biên giới.
Đây cũng là chặng đường thể hiện sinh động về nghị lực, khả năng và ý chí vươn lên mạnh mẽ với một niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong.
Sau gần 40 năm đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Phong đã đoàn kết, kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, phát triển.
Toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn (trong đó, có 4 xã biên giới) với 107 xóm, bản; 16.043 hộ dân với hơn 73.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%). Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội từng bước được nâng lên. Tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ… trong cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước được đẩy lùi. Các chủ trương, chính sách của Đảng được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, đề án, giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020-2025, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Quế Phong trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An, cùng với 5 nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, nhân dân huyện Quế Phong đồng lòng triển khai 4 mũi đột phá chiến lược. Đó là: Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đổi mới tư duy, khắc phục tư tưởng trì trệ; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Tiếp tục xác định phát triển kinh tế rừng là lợi thế của huyện để ưu tiên trồng rừng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến. Phát huy tiềm năng, lợi thế các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhờ sự đoàn kết “Ý Đảng – lòng dân” với nhiều cách làm sáng tạo, đón đầu lợi thế từ các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, tỉnh; phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có trên địa bàn, đến giữa nhiệm kỳ, Quế Phong đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng đảng được chăm lo với 34 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 5.448 đảng viên; 100% thôn, bản đều có chi bộ Đảng; nhiều đơn vị được tỉnh công nhận đạt danh hiệu xuất sắc. Đảng bộ huyện trong nhiều năm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2022, huyện Quế Phong được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhì.
Kinh tế – xã hội trên địa bàn từng bước phát triển, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: Trồng rừng nguyên liệu, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi cá lòng hồ. Đặc biệt, chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng thông qua một số mô hình bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu (chè hoa vàng, lùng, mét và bon bo) với tổng diện tích dự kiến đưa vào triển khai thực hiện là 1.731,6ha. Bên cạnh đó, huyện cũng nhanh chóng nắm bắt lợi thế của kỷ nguyên số, đẩy mạnh ứng dụng KHCN để xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu của Quế Phong như: Nuôi trai lấy ngọc, cá thương phẩm trên lòng hồ thủy điện Hủa Na; nhân giống cây mú từn, mắc khén; trồng cây quế Quỳ; nuôi lợn đen Sao Va; xây dựng chỉ dẫn địa lý trà hoa vàng miền Tây Nghệ An…
Các chương trình mục tiêu quốc gia nổi bật là Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với các mô hình “Dân vận khéo” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội như: Điện, đường, trường, trạm… được đầu tư, triển khai kịp thời, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng làm cho bộ mặt huyện nhà ngày càng “thay da đổi thịt”. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt chuẩn được duy trì là 13,25 tiêu chí/xã, đến cuối năm 2022, toàn huyện có thêm 6 thôn bản đạt nông thôn mới.
Thu hút đầu tư trên địa bàn có sự chuyển dịch đúng hướng và được xác định là mũi đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII. Theo đó, huyện đã thu hút được 1 dự án lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện đề xuất 7 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Phong luôn cố gắng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 28,29%.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới được giữ vững. Trong năm 2022, huyện đã công nhận 3 xã biên giới Hạnh Dịch – Nậm Giải và Thông Thụ là xã biên giới sạch về ma túy. Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân với các địa phương có chung đường biên giới của nước bạn Lào được duy trì và đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Lào.
Trong quá trình đổi mới và phát triển, các thế hệ người dân Quế Phong luôn có ý thức “gạn đục, khơi trong”; gìn giữ, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa – lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc. Nỗ lực ấy đã được ghi nhận kịp thời, khi đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện, ngôi đền Chín Gian linh thiêng – niềm tự hào của đồng bào Thái vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là những yếu tố tiềm năng để huyện Quế Phong phát triển thế mạnh về ngành dịch vụ – du lịch tâm linh, du lịch sinh thái trong tương lai.
Xác định, chặng đường phía trước huyện Quế Phong vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành mục tiêu đưa Quế Phong thoát nghèo nhanh, bền vững, trở thành huyện khá của vùng Tây Bắc Nghệ An vào năm 2025, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quế Phong quyết tâm thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức; tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ý chí khát vọng vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tập trung hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư xây dựng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ năm, phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế; chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, thân thiện; thu hẹp chênh lệch giữa các xã vùng thấp và vùng cao, biên giới.
Thứ sáu, làm tốt công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia để phát triển kinh tế – xã hội./.