Hỏi: Hòm phiếu để phục vụ công tác bầu cử phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Trả lời: Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh. Hòm phiếu có thể được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.
Hỏi: Hòm phiếu phụ là gì? Trong trường hợp nào thì dùng hòm phiếu phụ?
Trả lời: Hòm phiếu phụ là hòm phiếu dự phòng và có thể được di chuyển ra khỏi phòng bỏ phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến các địa điểm nêu trên để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.
Hỏi: Phiếu bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp phải được in riêng từng loại trên 01 mặt trang giấy A5 (21cm x 14,8cm) theo chiều dọc khổ giấy. Màu sắc từng loại phiếu bầu cử do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn nhưng không được trùng màu với các loại Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội hay Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp khác trên cùng địa bàn.
Phiếu bầu cử hợp lệ phải có dấu của Tổ bầu cử ở góc phía trên bên trái. Trên phiếu phải ghi rõ:
– Tên đơn vị bầu cử.
– Tên phiếu bầu cử (Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV hay Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mấy, nhiệm kỳ 2021-2026 của đơn vị hành chính cụ thể nào).
– Số lượng đại biểu Quốc hội được bầu do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định cho đơn vị bầu cử đó đối với Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu do Ủy ban bầu cử tương ứng ấn định cho đơn vị bầu cử đó đối với Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
– Phần ghi họ và tên những người ứng cử tại đơn vị bầu cử xếp tên theo vần chữ cái A, B, C… như trên Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu đã được công bố. Họ và tên mỗi người ứng cử ghi ở một dòng riêng. Đằng trước họ và tên có từ “Ông” hoặc “Bà” tương ứng với giới tính của từng người ứng cử. Trường hợp người ứng cử có tên khai sinh, tên thường gọi khác nhau hoặc có tên gọi khác thì ghi tên khai sinh trước; tên thường gọi, tên gọi khác hoặc pháp danh kèm theo pháp hiệu được ghi và đặt trong dấu ngoặc đơn ở phía sau. Có thể viết trong cùng 01 dòng hoặc tách thành 02 dòng liền nhau nhưng có cùng kiểu chữ, cỡ chữ.
Trường hợp họ và tên của những người ứng cử có phần tên giống nhau thì căn cứ vào phần họ để xác định thứ tự; trường hợp phần họ cũng giống nhau thì căn cứ vào phần tên đệm. Trường hợp trùng hoàn toàn cả họ, tên và tên đệm thì xếp theo ngày tháng năm sinh; người nào có ngày tháng năm sinh sớm hơn thì được xếp trước; trên Phiếu bầu cử sẽ ghi thêm ngày tháng năm sinh trong dấu ngoặc đơn ngay cạnh phần họ và tên của những người ứng cử có họ và tên giống nhau.
Việc tổ chức in ấn Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện; việc tổ chức in ấn Phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào do Ủy ban nhân dân ở cấp đó thực hiện. Các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, danh sách cử tri của địa phương để quyết định tổng số phiếu bầu cử cần in (bao gồm cả tỷ lệ phiếu dự phòng cần thiết). Việc in ấn, bàn giao, quản lý phiếu bầu cử phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tại các khu vực bỏ phiếu, trước khi mở hòm phiếu để kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm đếm, thống kê, lập biên bản và niêm phong toàn bộ số phiếu bầu cử chưa sử dụng, số phiếu gạch hỏng bị đổi trả lại theo đúng quy định.
Hỏi: Trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử được nhận bàn giao các loại tài liệu, vật tư nào để sử dụng trong công tác bầu cử?
Trả lời: Để sử dụng trong việc thực hiện công tác bầu cử, Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu, vật tư sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp:
1. Nhận Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử.
2. Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng. Khi nhận phiếu bầu phải có biên bản bàn giao giữa người giao và người nhận về số lượng cụ thể của từng loại phiếu bầu. Tổ bầu cử kiểm tra kỹ phiếu bầu về số lượng đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử, danh sách họ và tên những ứng cử viên đúng với khu vực bỏ phiếu của tổ mình và phải quản lý chặt chẽ số lượng các loại phiếu bầu.
3. Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”.
4. Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử.
5. Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu.
6. Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu.
7. Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân.
8. Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử.
9. Văn phòng phẩm (bút, giấy, kéo, thước kẻ, keo dán, hộp mực con dấu,…).
10. Các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.
| Tác giả: Nhóm phóng viên
| Nguồn: Hội đồng bầu cử quốc gia
| Ảnh: Tư liệu