“Phía sau những bài báo” là cả một cuộc hành trình không ngừng nghỉ của những người làm nghề, là những trăn trở trên con đường tìm kiếm sự thật. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi – những người làm báo Đảng Nghệ An có dịp trải lòng về những kỷ niệm không thể nào quên… trên những nẻo đường tác nghiệp. Đây chỉ là 1 lát cắt nhỏ để bạn đọc hiểu thêm về nghề báo cao quý nhưng cũng nhiều hiểm nguy.
Hơn 9 năm đi viết báo, chuyến đi tìm hiểu thông tin để viết về nạn buôn bán bào thai qua biên giới để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Nhưng đó lại là những kỷ niệm buồn về những mảnh đời nơi vùng núi cao của Nghệ An.
Cuối tháng 11/2018, từ nguồn tin của cơ sở cho biết, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có tình trạng, một số người phụ nữ mang thai bỗng dưng “biến mất” một cách bí ẩn. Có những người vài tháng sau trở về thì không thấy đứa con đâu, nhưng có những người người nhà không còn một chút thông tin. Nhận định đây là một thủ đoạn buôn bán bào thai qua biên giới, tôi và phóng viên Tiến Hùng báo cáo lãnh đạo phòng, Ban biên tập về đề tài này và bắt đầu lên đường.
Nơi chúng tôi “ghé” vào đầu tiên là UBND xã Hữu Kiệm. Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, ông Nguyễn Hữu Lương bỗng đượm buồn khi nghe phóng viên trao đổi về tình trạng buôn bán bào thai qua biên giới. Ông Lương nói rằng, xã đã nắm được vấn đề này và đã lập danh sách những người phụ nữ mang bầu vừa trở về địa phương nhưng để ngăn chặn thì chưa có giải pháp triệt để. Một danh sách dài với tên, tuổi của 23 phụ nữ chủ yếu ở bản Đỉnh Sơn 1 và bản Đỉnh Sơn 2 được Công an xã Hữu Kiệm cung cấp cho phóng viên.
“Các anh ngồi đây, tí nữa sẽ có một người phụ nữ vừa sang biên giới bán bào thai trở về, chúng tôi gọi lên để lập biên bản. Khi đó, các anh sẽ biết được vì sao họ lại bán con mình và trở về ra sao” – Trưởng Công an xã Hữu Kiệm nói.
Chỉ hơn 30 phút sau, một người phụ nữ nhỏ con, nước da đen, quần áo xộc xệch được chồng chở vào UBND xã. Đó chính là Lữ Thị Hạnh ((37 tuổi, trú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn). Nhìn thoáng qua, không ai nghĩ Hạnh vừa sinh con được ít ngày bởi dáng đi vẫn rất nhanh nhẹn, cử chỉ hoạt bát. 2 tay bấu chặt vào nhau, khuôn mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống bàn, Hạnh thỏ thẻ trả lời từng câu hỏi của công an viên, của phóng viên.
“Đứa con em bán là đứa thứ 6, vì gia đình nghèo quá, không đủ sức nuôi nên khi có người đặt vấn đề bán con thì vợ chồng em đồng ý. Hơn 1 tháng kể từ khi đang mang thai tháng thứ 8, Hạnh trở về nhà và mang theo 80 triệu đồng. “Tiền đó là tiền bán con, vợ chồng em dùng để sửa lại căn nhà và mua gạo”, Hạnh cho biết và nói thêm rằng, dù đẻ con ra nhưng không được nhìn thấy mặt con, không được cho con bú.
Trên con đường quanh co chân núi khi theo chân các công an viên vào bản Đỉnh Sơn 1, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người phụ nữ. Người thì bồng con ngồi trước cửa, người vừa gùi bó củi từ trên núi về, có người ôm gối nhìn xa xăm. Khung cảnh thật buồn não.
Chúng tôi tìm đến nhà Mong Thị Thảo (27 tuổi), khi người phụ nữ này đang ngồi chơi trước cửa. Thảo nhanh nhẹn, dáng người khỏe mạnh nhưng trên khuôn mặt luôn toát ra một nỗi buồn của sự đói nghèo. Thảo cho biết, nhà Thảo nghèo nhất nhì bản, 2 vợ chồng đã có một đứa con trai, khi siêu âm biết mình đang mang thai đứa con thứ 2 cũng là con trai, thì nỗi lo càng nhân lên. “Nghe mấy người đi sang Trung Quốc bán con về kể, em cũng tự tìm hiểu rồi đi. Do là con trai nên họ chỉ trả 50 triệu đồng, nhưng sau đó bị “cắt bớt” 10 triệu đồng, gọi là chi phí đi lại, ăn ở”, Thảo nói.
Nếu như Hạnh, Thảo còn có thể sửa sai, thì đối với Moong Thị Lâm (29 tuổi, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) đã không còn cơ hội. Bởi chuyến xe chở Lâm và nhiều người khác đã bị tai nạn ở bên Trung Quốc, Lâm tử vong và nhiều người khác bị thương. Kể về hành trình sang Trung Quốc đưa thi thể vợ về, đôi mắt của anh Lữ Văn Hồng (32 tuổi) đỏ hoe. Vợ chết tức tưởi bên xứ người, 2 đứa con nhỏ dại phải bỏ học giữa chừng để theo bố lên rẫy. Hình ảnh đó ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường trở về, bởi rồi không biết 3 bố con nhà anh Hồng sẽ vượt qua nỗi đau này như thế nào và khi nào thì có thể trả được món nợ hơn 100 triệu đồng mà trước đó vay để sang Trung Quốc đưa vợ về.
Sau khi loạt bài về tình trạng buôn bán bào thai qua biên giới được đăng tải, các cơ quan chức năng đã có những động thái cụ thể, mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này. Nhiều đối tượng rủ rê, lôi kéo, đưa các phụ nữ sang biên giới bán bào thai cũng đã bị bắt giữ và đang chờ ngày phải chịu hình phạt thích đáng. Thế nhưng, những đứa con của những người phụ nữ này chắc sẽ không bao giờ có thể biết được cội nguồn, dòng máu của mình. Chúng sẽ được lớn lên ở một đất nước khác, được chăm sóc bởi những người bố, người mẹ khác. Chúng không thể biết được, vì sao chúng lại được sinh ra đời.
Sau những ngày rong ruổi đó, chúng tôi đã có loạt bài dài kỳ về “Những người phụ nữ vượt biên bán bào thai”, tác phẩm đã đạt giải nhì Giải Báo chí Nghệ An lần thứ 14 (2018).
Sau khi loạt bài về “Nông thôn mới… đã mới” được đăng tải trên các ấn phẩm báo in và điện tử, Báo Nghệ An đã nhận được phản ứng tích cực từ độc giả. Mới đây, tại Lễ công bố 10 sự kiện nổi bật các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018. Trao giải cuộc thi báo chí về nông thôn mới năm 2018 và phát động cuộc thi báo chí về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dành cho các nhà báo ASEAN do Bộ NN&PTNT tổ chức, tác phẩm được trao giải Ba. Đây là dịp để nhóm PV cùng nhìn lại quá trình thực hiện loạt phóng sự.
Giai đoạn 2011 đến 2018, Nghệ An đã đạt được thành quả to lớn trong phong trào xây dựng NTM. Toàn tỉnh huy động được gần 31 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM; đã có 218 xã cán đích NTM, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Xét về góc độ tích cực thấy rằng, bộ mặt NTM đã cơ bản khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần cuả người dân được thay đổi căn bản. Xét về góc độ hạt nhân, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện những điển hình trong quá trình “đô thị hóa nông thôn” nhưng nói “không” với nợ; có những HTX xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, năng động trong kinh doanh, tạo niềm tin với nông dân.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ “tam nông” nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì vẫn còn nhiều bất cập cần được phản ánh một cách thấu đáo, đúng bản chất từ thực tiễn đang đặt ra để từ đó có điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh thành quả to lớn, những bất cập trong suốt hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đòi hỏi có cái nhìn toàn diện, đa chiều để từ đó có giải pháp, cách làm thiết thực khi triển khai giai đoạn 2, giúp nông thôn mới thực sự mới.
Với lý do đó, nhóm phóng viên chúng tôi đã quyết định thực hiện loạt bài “NÔNG THÔN MỚI… ĐÃ MỚI?” và đã được đăng tải trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử tháng 9/2018.
Thời điểm chúng tôi thực hiện loạt bài, Nghệ An có 181/431 xã đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, tại các xã được công nhận NTM, việc tìm “con người mới” không hề dễ; một bộ phận người dân vẫn còn vật vã với miếng cơm manh áo, bế tắc sinh kế… Các địa phương đua nhau cứng hoá công trình, trong khi đó vấn đề cốt lõi là xây dựng mô hình sản xuất, nhân rộng, nâng cao thu nhập cho người dân thì dường như các địa phương đều chưa chú trọng, hoặc có để ý nhưng gặp khó khăn, bí bách trong tìm kiếm giải pháp đầu ra sản phẩm. Hầu hết đều chưa tìm ra lối đi riêng trong sản xuất, vì thế cuộc sống người dân nhiều địa phương vẫn phụ thuộc 2 vụ lúa bấp bênh mưa lụt, nắng hạn.
Trong khi mô hình sản xuất thiếu vắng, người nông dân trăn trở tìm đầu ra cho nông sản, thu nhập bấp bênh với câu chuyện xưa như diễm là “được mùa rớt giá” thì ở nhiều địa phương chính quyền đua nhau cứng hoá với nhiều tiêu chí, hạng mục “mua được bằng tiền”. Kỳ vọng về một nông thôn mới với những con người mới đổi thay trong tư duy, hành động tạo sự chuyển động tích cực ở nông thôn thì vẫn là câu chuyện khó khăn.
Đâu đó vẫn nổi lên những người nông dân dám nghĩ dám làm với những mô hình kinh tế mới nhưng họ lại gặp trở ngại từ khâu tổ chức, liên kết; người chăn nuôi phải tự lo đầu ra, thiếu tính ổn định. Một vấn đề khác mà loạt bài phản ánh là vấn đề sau khi về đích NTM, nhiều địa phương nợ nần chồng chất. Trong Bộ tiêu chí NTM có 19 tiêu chí được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; về hạ tầng kinh tế – xã hội; về kinh tế và tổ chức sản xuất; về văn hóa – xã hội – môi trường và về hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tế NTM ở các xã về đích chưa tạo sự “lột xác” như kỳ vọng. Căn bệnh thành tích đã đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới vào vòng luẩn quẩn “nghèo – xây dựng – nợ nần – nghèo”.
Khi triển khai thực hiện loạt bài viết này, mặc dù đã nhận rõ những tồn tại, hạn chế tại các địa phương đã về đích NTM nhưng việc tìm dẫn chứng một cách thật khách quan, thông qua phản ánh của chính người dân lại cần có thời gian bám nắm ở cơ sở. Do vậy, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm phóng viên chúng tôi phải mất nhiều thời gian để tìm gặp từng người dân để họ nói lên thực trạng NTM, những vấn đề người dân còn quan tâm, trăn trở.
Từ những ý kiến sát thực từ người nông dân, chúng tôi có cơ sở để “mục sở thị” những công trình, những con đường bê tông đã xuống cấp chỉ sau ít năm sử dụng; nông sản làm ra không tiêu thụ được; sự vất vả mưu sinh của người nông dân; vùng quê thiếu vắng lao động trẻ; ruộng vườn bỏ bê; con trẻ thiếu sự chăm sóc giáo dục của cha mẹ, vì miếng cơm manh áo mà họ phải xa quê làm ăn… Những hệ quả đó đang đè nặng trên đôi vai của người nông dân, mà đáng lẽ ra NTM là phải giải quyết được những vấn đề cốt lõi đó. Những tồn tại đó đã được nhóm phóng viên thu thập, ghi hình một cách tỉ mỉ, chính xác, đúng bản chất tại nhiều địa phương khác nhau, từ vùng đồng bằng, trung du, miền núi.
Mặc dù không phải là thể loại điều tra, không gai góc và nguy hiểm nhưng đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể về vấn đề NTM trong suốt quá trình triển khai thực hiện và phải có trải nghiệm thực tế. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết từ người dân, cán bộ thôn xóm cho đến những trăn trở của các chuyên gia, lãnh đạo Trung ương, các cấp sở, ngành. Và với những thông tin ngồn ngộn thực tế, dẫn chứng thuyết phục, nhiều vấn đề đưa ra đều được lập luận và có dẫn chứng sinh động nên sau khi loạt bài 4 kỳ “NÔNG THÔN MỚI ĐÃ MỚI?” được đăng tải trên mặt báo, đã có tính thuyết phục cao, nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc. Trong đó, phần lớn là ủng hộ, chia sẻ những vấn đề nhà báo nêu là đúng sự thật, là vấn đề trọng tâm của xây dựng nông thôn mới cần được các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, trăn trở.
Ông Phan Tất Thống, bộ đội nghỉ hưu ở khối 1, thị trấn Yên Thành cho rằng, bài báo phản ánh như vậy là đúng với thực tế tại những xã đã về đích nông thôn mới. Với ông, không chỉ đọc để biết, mà ông còn giữ bài báo để tham luận tại các buổi họp xóm, họp chi bộ, hoặc khi tiếp xúc với cử tri của cấp trên. Bởi ông cho rằng, đây là những vấn đề mà người nông dân đang mong đợi, là cốt lõi của xây dựng nông thôn mới, mà chính quyền địa phương chưa làm được.
Tác phẩm là cơ sở thực tế để các cấp chính quyền địa phương nhìn nhận, có định hướng giải quyết trong giai đoạn xây dựng NTM tiếp theo.