Là huyện miền núi, Con Cuông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, canh nông với sản phẩm cam nổi tiếng, có nhiều nghề truyền thống hấp dẫn như làng nghề thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất rượu men lá, nếp cẩm, rượu cần, dược liệu… Khi Chương trình OCOP ra đời, huyện Con Cuông đã nhận thấy, đây là một thời cơ để quy chuẩn và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của mình. Từ đây, các sản phẩm du lịch sẽ được hoàn thiện thành các sản phẩm OCOP – Du lịch, được quảng bá, tiếp cận được nhiều thị trường khách, mở rộng thị phần.
Từ nhận thức đó, huyện Con Cuông đã chủ động vào cuộc, phối hợp cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn bắt tay vào xây dựng các sản phẩm OCOP trên cơ sở hoàn thiện từ những sản phẩm du lịch sẵn có. Các nội dung trọng tâm hỗ trợ là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ; tập huấn nâng cao kiến thức, tay nghề; hỗ trợ các nguồn lực theo quy định; hỗ trợ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan.
Ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: Xây dựng sản phẩm OCOP – Du lịch không thể làm theo kiểu phong trào mà phải chọn lựa có trọng tâm và trọng điểm, dựa trên các tiêu chí là tiềm năng tiêu thụ của sản phẩm, tính bền vững khi vận hành ra thị trường tiêu thụ, sự lan tỏa của sản phẩm và đóng góp cho cộng đồng. Ở đây vai trò định hướng của cơ quan chức năng phải thể hiện rõ ngay từ đầu. Khi xây dựng phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể; không làm ồ ạt, làm cái nào chất lượng cái đó. Nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ở một số khâu nhất định, đặc biệt là quảng bá sản phẩm.
4 năm qua, huyện Con Cuông đã dày công xây dựng nên 13 sản phẩm OCOP và đây cũng chính là những sản phẩm du lịch, quà tặng du lịch, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao, gồm dược liệu, rượu men lá và sản phẩm du lịch cộng đồng. Tất cả các sản phẩm khi hoàn thiện đều đã được quảng bá, giới thiệu; được khách hàng chấp nhận, tiêu thụ với sản lượng khá.
“Có 4 điểm rất đáng ghi nhận ở huyện Con Cuông, đó là: Sản phẩm OCOP – Du lịch được bày bán, giới thiệu khá dày trên phạm vi toàn huyện, cũng như các điểm lưu trú, khu du lịch. Ở mỗi điểm này đều có nhân viên bán hàng, hiểu rõ và sẵn sàng giới thiệu kỹ về sản phẩm OCOP bản địa. Huyện rất tích cực tham gia các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp, cá nhân chủ động trong quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm của mình”, bà Vi Thị Thắm – Giám Đốc Trung tâm Điều phối du lịch Tây Nghệ cho biết.
Ở thời điểm này, huyện Con Cuông đang phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện hỗ trợ cho Hợp tác xã Cây, con Châu Khê xây dựng các sản phẩm OCOP. Huyện hỗ trợ hợp tác xã nguồn lực làm nhà lưới trồng cây dược liệu, rau sạch. Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ 720 triệu đồng cho Hợp tác xã Cây, con Châu Khê xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Trung – Giám đốc Hợp tác xã Cây, con Châu Khê cho hay: Cửa hàng đi vào hoạt động được 2 tháng. Từ khi có cửa hàng, doanh thu của đơn vị tăng vọt. Bây giờ không chỉ bán online, bán cho người dân địa phương mà du khách tìm đến, vào mua rất nhiều.
Trong thời gian tới, huyện Con Cuông sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm tre mỹ nghệ của Hợp tác xã Trà Lân Con Cuông và mây tre đan của địa phương thành sản phẩm OCOP – Du lịch. Đây là những sản phẩm đã được thị trường chấp nhận, nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển.
Như đã nói, huyện Con Cuông đã nhìn nhận rõ mối tương quan giữa sản phẩm OCOP và du lịch để có sự vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những điều chỉnh để sản phẩm OCOP thực sự là sản phẩm du lịch, du khách biết đến, mua và sử dụng, rồi trở thành khách hàng thân thuộc. Bà Vi Thị Thắm nêu ý kiến: “Rất cần sự vào cuộc của công ty du lịch, mà cụ thể là hướng dẫn viên, lái xe. Chủ thể sản phẩm OCOP cần chú trọng cách thức quảng bá, giới thiệu, khuyến mãi, ưu đãi sản phẩm. Sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch và chủ thể sản phẩm OCOP phải là mối quan hệ hữu cơ. Trong mối quan hệ này cần có sự định hướng, “đấu nối” của các cấp, ngành chức năng”.
Để sản phẩm OCOP là “sứ giả” du lịch, thì bản thân sản phẩm phải thực sự chất lượng và cần mang trong mình một câu độc đáo để thuyết phục du khách. Ông Tạ Khắc Uyên – Chủ tịch Hội Lữ hành Nghệ An nêu rõ: “Các sản phẩm OCOP – Du lịch không chỉ đơn thuần là các sản phẩm mang giá trị vật chất, hữu hình mà phải mang trong mình giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi làng quê, mỗi địa phương. Mỗi câu chuyện xoay quanh sản phẩm sẽ tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn đối với du khách. Người ta mua nó làm quà biếu, làm món đồ lưu niệm vì ý nghĩa mà câu chuyện sản phẩm đó mang lại. Chẳng hạn như khi đến huyện Quỳ Châu, khách tìm mua thổ cẩm Hoa Tiến là bởi nó là kết tinh của văn hóa Thái, là ước vọng, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái; là câu chuyện về làng nghề gắn với những người chị, người mẹ cần mẫn bên khung cửi…”.
Cùng quan điểm, bà Lê Minh Thu, Công ty Thương mại và Du lịch Đặc Sắc Việt (Hà Nội) cho rằng: “Các sản phẩm OCOP như cá thu nướng Cửa Lò, nước mắm hạ thổ Hải Giang hay tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương… nếu muốn ăn thì vào siêu thị, cửa hàng hay ra chợ cũng dễ dàng mua được, hoặc vào nhà hàng gọi món là có ngay, khỏi cần mất tiền đi du lịch để mang về. Nói như vậy, phải chăng những sản phẩm OCOP đó không thể trở thành hàng hóa phục vụ du lịch? Khẳng định là có, nhưng nó phải nằm trong chuỗi giá trị trải nghiệm thì mới trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch. Chẳng hạn, khi đến Thanh Chương tham quan, du khách cũng muốn được thưởng thức đặc sản đã đi vào câu ca “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” xem sao chứ! Vậy thì phải làm sao để du khách ăn nhút ở trên chính quê nhút để thấy sự khác biệt? Để du khách được nghe quy trình làm ra sản phẩm như thế nào? Món ăn này gắn với miền quê, con người ra sao? Được trải nghiệm cách chế biến món ăn độc đáo như thế nào?…”.
Việc xây dựng sản phẩm OCOP – Du lịch có ý nghĩa rất lớn, bên cạnh quảng bá hình ảnh đất và người, còn là hiệu quả kinh tế và việc rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Điều này đồng nghĩa với bản thân sản phẩm cũng phải hiện đại hóa. Ông Nguyễn Ngọc Phương – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn, chủ thể sản phẩm bánh đa Lương Sơn cho rằng: “Sản phẩm cũng phải khác biệt, xứng tầm, tạo dựng được thương hiệu chứ không thể “đánh đồng” với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, muốn vào siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, thành quà tặng và người tiêu dùng biết đến thì sản phẩm phải có tên, địa chỉ, tem để truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã đẹp, sang trọng, có hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng…”.
Ông Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát thì nêu ý kiến: Để sản phẩm khẳng định được “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, du khách thì việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ ở tất cả các khâu để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, chủ thể sản phẩm OCOP – Du lịch cũng cần đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Trong quá trình này cần chú ý thêm về hình thức quảng bá, chụp ảnh sao cho bắt mắt, hấp dẫn; kỹ năng tương tác như trả lời, tư vấn cho khách hàng, giao hàng… Khi tham gia sàn thương mại điện tử bản thân doanh nghiệp được mở rộng thị trường, thông qua sự tương tác để điều chỉnh sản phẩm hoàn thiện.
Trở thành sản phẩm du lịch cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP phát triển và để sản phẩm OCOP trở thành “sứ giả” của du lịch thì rất cần sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và sự chủ động, nhận thức, tư duy của chính các chủ thể OCOP. Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Những năm gần đây, ngành Du lịch đã tư vấn, hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá sản phẩm OCOP cho các địa phương. Thời gian tới, ngành tiếp tục công tác này, đẩy mạnh liên kết với ngành Công Thương để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch”.