Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn) là một trong những điểm đến quan trọng của du lịch Nghệ An, mỗi năm đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Trong tiến trình phát triển du lịch của địa phương, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên luôn được đặt ở vai trò trọng điểm. Với vị thế này, khu di tích không chỉ là cầu nối văn hóa, du lịch giữa du khách với huyện Nam Đàn nói riêng, mà còn cả tỉnh Nghệ An nói chung với cả nước và bạn bè quốc tế, thông qua các giá trị vật chất và tinh thần, trong đó có các “sản vật” của địa phương.
Tuy nhiên, khi về thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, rất nhiều du khách ngoại tỉnh đã bày tỏ: “Muốn mua một sản phẩm nào đó mang đặc trưng của quê Bác về để biếu, tặng người thân và bạn bè, nhưng rất khó chọn. Những gian hàng trong khu vực di tích chỉ bày bán những sản phẩm bình thường có thể mua bất cứ ở đâu trong nước. Có một ít sản phẩm mang bản sắc địa phương được bày bán thì không phù hợp để mua làm lưu niệm, quà tặng”.
Khảo sát thực tế tại cửa hàng sách, vật phẩm văn hóa, lưu niệm do Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên quản lý và những gian hàng phía ngoài khu vực đậu xe của khu di tích cho thấy đang bày bán nhiều tranh, ảnh, sách về danh nhân (có thể mua bất cứ đâu); áo, mũ có in dòng chữ “Kỷ niệm về thăm quê Bác” với giá rẻ, chất lượng kém. Các vật phẩm quà tặng bày bán ở đây khá phổ biến ở nhiều nơi khác trong nước: dầu Tràm (Huế), bánh chè lam (Thái Bình), cơm cháy (Thanh Hóa), kẹo dừa (Bến Tre), kẹo cu đơ (Hà Tĩnh); đặc biệt là đồ chơi trẻ con có nguồn gốc Trung Quốc, dép cao su… không rõ xuất xứ.
Một số ít sản phẩm xem như có xuất xứ Nghệ An gồm có: Trà lá sen (được đựng trong túi ni lông loại to bán theo kg), bột sắn dây (bán theo kg), tương (bán theo chai loại to)… Các sản phẩm này được đóng trong bao bì kích cỡ lớn, không phù hợp để làm quà biếu, tặng. Nhân viên, người bán tại các quầy, cửa hàng này đều thờ ơ hoặc không có kỹ năng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung khi du khách tìm hiểu và hỏi mua sản phẩm.
Điều rất băn khoăn là, trong khi huyện Nam Đàn có rất nhiều các sản phẩm OCOP chất lượng, đã được gắn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh như: Giò bê, tinh bột sắn dây, miến Quy Chính, các sản phẩm từ sen… lại “vắng bóng” tại các quầy hàng. Ông Phạm Kim Tiến – Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác chia sẻ nỗi niềm: “Hợp tác xã hiện sở hữu 9 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm của đơn vị đều có nguồn gốc từ sen mang rõ đặc trưng của Kim Liên – quê Bác. Đơn vị chúng tôi và một số đơn vị khác đã vài lần đề đạt xin được mượn, thuê quầy hàng, cửa hàng khu vực khu di tích để giới thiệu, bày bán sản phẩm nhưng chưa được sự đồng ý. Thực sự, nếu đưa những sản phẩm OCOP của địa phương vào bày bán tại đây thì du khách sẽ ấn tượng hơn. Mặt khác, theo tôi không nên bày bán những thứ không rõ nguồn gốc, không mang nét đặc trưng nào của Nghệ An”.
Câu chuyện các cửa hàng đặc sản Nghệ An đang bày bán sản phẩm “thập cẩm” của các tỉnh, thành khác, vắng bóng sản phẩm OCOP của địa phương không chỉ xảy ra tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Tình trạng này cũng diễn ra tại các điểm, trạm dừng chân trên địa bàn.
Trạm Dừng nghỉ CKC (xã Diễn An, huyện Diễn Châu) là một trạm dừng nghỉ quy mô trên tuyến Quốc lộ 1A, phục vụ hành khách trên hành trình ra Bắc, vào Nam, trong đó, có nhiều khách du lịch. Điểm dừng nghỉ bán các mặt hàng đặc sản của 3 miền, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong số các mặt hàng được bày bán, sản phẩm OCOP của Nghệ An chỉ có mỗi giò bê Nam Đàn. Mặt hàng nhiều nhất là kẹo cu đơ (Hà Tĩnh) và nước mắm Ba Làng (Thanh Hóa)…Tương tự, tại một cửa hàng đặc sản Nghệ Tĩnh ở Khu đô thị mới Vinh Tân (thành phố Vinh), không có một sản phẩm OCOP Nghệ An nào hiện diện tại đây.
Ở đô thị du lịch biển Cửa Lò, tại khu vực trung tâm tắm biển, nghỉ dưỡng, những quầy hàng lưu niệm, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là hàng tiêu dùng và hàng may mặc khá phổ biến trên thị trường. Gần như không có quầy hàng nào bày bán các sản phẩm OCOP của thị xã Cửa Lò và các địa phương trong tỉnh. Tình trạng này cũng diễn ra tại các khu chợ ở Cửa Lò, các sản phẩm OCOP của địa phương gần như vắng bóng. Theo các tiểu thương, những mặt hàng như nước mắm, cá thu và mắm tôm dù đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng rất khó tiêu thụ. Vì khi cần, người dân địa phương sẽ đến tận cơ sở chế biến mua; khách du lịch thì không mấy mặn mà.
Tìm đến Làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1 (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) thì được biết: Kể từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, nước mắm Hải Giang 1 đã giúp người dân nâng cao mức thu nhập. Hàng năm, làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu lít nước mắm, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập 6 triệu đồng/hộ/tháng…Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường theo hướng tiếp cận khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Cửa Lò chưa như kỳ vọng.
Theo bà con làng nghề nước mắm Hải Giang 1, để làm tốt việc mở rộng thị trường, bên cạnh việc áp dụng sản xuất theo phương pháp truyền thống và sử dụng công nghệ mới hỗ trợ lọc bỏ các chất độc hại, thì sản phẩm làng nghề được đóng chai với nhiều kích cỡ khác nhau, bên ngoài ghi đầy đủ thông tin cần thiết. Bà Nguyễn Thị Biên – chủ hộ sản xuất nước mắm chia sẻ: “Nhờ sự thay đổi này, sản phẩm làng nghề đã bước đầu tiếp cận với một số du khách và tiêu thụ được một lượng sản phẩm nhất định. Dẫu vậy, số lượng sản phẩm tiêu thụ được chưa thực sự đáng kể so với lượng khách du lịch đến với phố biển Cửa Lò mỗi ngày”.
Tương tự, ở TX. Cửa Lò, bà Nguyễn Thị Nồm – chủ cơ sở chế biến Hùng Nồm, sở hữu sản phẩm OCOP cá thu nướng Hải Giang 2 cũng cho hay: “Phần lớn sản phẩm được bán cho các thương lái về phân phối tại thành phố Vinh và các vùng trong tỉnh. Phần còn lại được vận chuyển đến các cơ sở tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Khách du lịch thường theo từng nhóm đến tận cơ sở để thưởng thức tại chỗ và mua một ít về làm quà nhưng cũng không đáng kể”.
Lý giải về thực tế vắng khách, các nhân viên tại trạm dừng nghỉ và cửa hàng đặc sản trên địa bàn Nghệ An cho rằng: Khách hàng nói chung, du khách nói riêng thường chọn rất kỹ trước khi quyết định mua một sản phẩm. Sản phẩm được lựa chọn thường phải có thương hiệu nổi tiếng. Trong khi đó, các sản phẩm OCOP trong tỉnh chưa khẳng định được thương hiệu, chưa được biết nhiều trên phạm vi cả nước nên chưa được ưu tiên lựa chọn… Đã có trạm dừng nghỉ (tại huyện Nghi Lộc) và cửa hàng chuyên bán đặc sản Nghệ An phải đóng cửa do ế ẩm, thua lỗ.
Qua khảo sát, có thể thấy, sản phẩm OCOP mới chỉ tiếp cận được người tiêu dùng bình thường chứ chưa chiếm lĩnh được thị trường du lịch. Chị Lê Thu Hiền, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đã mấy lần vào Nghệ An nghỉ dưỡng ở Cửa Lò, du lịch cộng đồng ở miền Tây, muốn mua một ít sản vật về tặng người thân, bạn bè nhưng rất khó lựa chọn. Hàng hóa dẫu nhiều nhưng thiếu đặc trưng, đặc sắc, chưa có thương hiệu trên thị trường. Mẫu mã, kích cỡ không phù hợp. Đơn cử với các sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn OCOP của Nghệ An chưa thể so sánh được với nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, Ba Làng…”.
Việc sản phẩm OCOP vắng bóng trên thị trường du lịch, chưa được du khách ưa chuộng do nhiều nguyên nhân: Trước hết, tự thân các sản phẩm OCOP chưa thật sự hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh, chưa khẳng định được thương hiệu, chưa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thứ đến, khâu quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quảng bá sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử chưa bắt mắt, sinh động, hấp dẫn. Thứ ba, việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP chưa được chú trọng vào tính đặc trưng, đặc thù, tiêu biểu; việc xây dựng và thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” còn chạy theo phong trào. Bản thân người tiêu dùng ở Nghệ An chưa ủng hộ sản phẩm OCOP bản địa, chưa làm cho sản phẩm quê hương nổi bật lên.
Những tồn tại của sản phẩm OCOP cũng đã được đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ tại Hội nghị công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2021 và triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2022: Thứ nhất, sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; Thứ hai, các chủ thể sản phẩm OCOP chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, các loại giấy chứng nhận; Thứ ba, một số địa phương chưa xác định được lợi thế, tiềm năng của mình, chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển các sản phẩm mới; một số địa phương và chủ thể chưa mặn mà với chương trình; Thứ tư, nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức…