Thanh Sơn là xã tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, nằm ở phía Tây của huyện Thanh Chương, cách trung tâm huyện 35 km, có chiều dài đường biên giới 7,8 km, với 7 dân tộc gồm Thái, Khơ mú, Tày, Khơ me, Ơ đu, Mông và Kinh sinh sống. Đây là một trong những địa bàn khó khăn được hưởng lợi Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Khi cuộc sống phần đa dân cư còn khó khăn, lao động trẻ, nhất là đàn ông đi làm ăn xa nhiều, ở nhà chỉ có người già và trẻ con thì tất yếu công việc của những người phụ nữ trong gia đình sẽ nặng nề, vất vả hơn. Chị em vừa tham gia sản xuất kinh tế cho gia đình, vừa chăm sóc con cái… Do đó, không còn nhiều quỹ thời gian để tham gia công tác thôn, bản, sinh hoạt các đoàn thể, cộng với tâm lý an phận, tự ti, nên công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng, nhất là đảng viên nữ gặp nhiều khó khăn”, ông Lô Văn Nguyên – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn cho hay.
Do khó khăn trong công tác tạo nguồn, nên mặc dù rất cố gắng, trong 2-3 năm lại nay công tác phát triển Đảng ở xã tái định cư Thanh Sơn đều không đạt được chỉ tiêu. Trong 2 năm (2020-2021), Đảng bộ xã chỉ kết nạp được 10 đảng viên, trong đó, chỉ có 1 đảng viên nữ DTTS là chị Lương Thị Bảo ở bản Thanh Tiến. Năm 2022, chỉ tiêu giao kết nạp từ 11-13 đảng viên, hiện tại mới kết nạp được 1 đảng viên là chị Lô Thị Thanh Giang, tốt nghiệp cao đẳng, hiện là Bí thư Chi đoàn bản Chà Coong. Tuy nhiên, lại có 2 đảng viên bị xóa tên, trong đó, có 1 đảng viên nữ là chị Moong Thị Ngân ở bản Chà Coong do kết nạp xong thì lấy chồng, đi theo chồng về huyện Con Cuông không tham gia sinh hoạt nữa. “Năm sau chi bộ còn chưa nhìn ra nguồn để kết nạp, bởi lao động trẻ có trình độ thì đi làm ăn xa, số ở nhà thì trình độ nhận thức hạn chế, thiếu chí hướng phấn đấu. Cũng có một số quần chúng là nữ tốt, muốn vào Đảng nhưng lại chưa tốt nghiệp THPT, sinh con thứ 3”…; ông Lô Văn Quy – Bí thư Chi bộ bản Chà Coong trăn trở.
Tương tự, tại xã tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương), mặc dù hàng năm vẫn kết nạp được đảng viên nữ, nhưng ông Vi Văn Tuyến – Bí thư Đảng ủy xã vẫn “nặng lòng”, bởi công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên nữ DTTS nói riêng, nhất là ở thôn, bản mấy năm nay gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, cả xã chỉ kết nạp 5 đảng viên trên chỉ tiêu được giao là 12, trong đó, có 2 đảng viên nữ DTTS. Năm 2021 kết nạp được 9 đảng viên (không đạt chỉ tiêu huyện giao là 10, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra là 12), trong đó, có 5 đảng viên nữ DTTS. Năm 2022, hiện tại mới kết nạp được 5 đảng viên, trong đó có 3 nữ DTTS. Đặc biệt, nhiệm kỳ trước còn có 2 đảng viên nữ là người đứng đầu thôn, bản, nhưng nhiệm kỳ này không có bí thư, trưởng bản là nữ.
“Cái khó của chúng tôi là nhiều quần chúng thực sự ưu tú, có uy tín trong thôn, bản. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn trình độ văn hóa nhiều người không đạt được nên không thể bồi dưỡng cho họ. Mặt khác, họ còn gặp trở ngại từ phía gia đình. Nên để vận động, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là nữ đòi hỏi phải dày công, kiên trì, không phải chỉ vận động họ mà còn phải vận động gia đình, người thân, nhất là phía chồng, bố mẹ chồng ủng hộ”, ông Vi Văn Tuyến nói.
Đối với những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhiều phụ nữ DTTS không biết tiếng phổ thông. Cuộc sống khó khăn, có nơi vẫn tồn tại tập tục lạc hậu (13-14 tuổi đã lấy chồng, sinh nhiều con,…). Mặt khác, tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, “vợ không thể tiến bộ hơn chồng”cũng là rào cản khiến chị em có tâm lý không muốn phấn đấu.
Chị Vừ Y Dở – Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông (nữ đảng viên người Mông và Bí thư chi bộ nữ duy nhất ở xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) chia sẻ: Bản thân có thể gánh vác trách nhiệm “đầu tàu” thôn, bản là do được gia đình, chồng con và mọi người ủng hộ, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Trên thực tế, ngoài việc “ăn chưa no lo chưa tới”, trong cộng đồng vẫn còn định kiến, thái độ “trọng nam, khinh nữ” nên nhiều gia đình không tạo điều kiện cho chị em người Mông được hoạt động xã hội và phấn đấu vào Đảng. Một số chị em muốn vào Đảng như trường hợp Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Mông Lưu Thông hiện tại nhưng chồng không ủng hộ nên cũng không kết nạp Đảng được. “Từ năm 2005 đến nay, mình vẫn là đảng viên nữ người Mông duy nhất ở bản Lưu Thông và xã Lưu Kiền”, chị Y Dở trăn trở. Hiện tại, ở xã Lưu Kiền có 74 đảng viên nữ; năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại mới kết nạp được 3 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó, có 3 nữ người dân tộc Thái, đang gửi Ban Tổ chức Huyện ủy thẩm định 5 hồ sơ, trong đó, có 2 hồ sơ ở bản Lưu Thông…
Trao đổi về những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nữ DTTS, ông Lương Thanh Sơn – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền, nay là Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái (Tương Dương) chia sẻ: “Phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, trình độ, năng lực tham gia công tác xã hội, nhận thức về Đảng còn hạn chế nên khó đủ tiêu chuẩn để tạo nguồn phát triển Đảng. Số có đủ trình độ, năng lực thì an phận, thiếu chí hướng phấn đấu hoặc bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”.
Tại xã Châu Khê (Con Cuông) – nơi có 3 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai cùng sinh sống, mặc dù vẫn duy trì được công tác phát triển đảng viên nữ DTTS hàng năm (năm 2020 kết nạp được 2 đảng viên nữ dân tộc Thái ở thôn, bản; năm 2021 kết nạp được 3 nữ, gồm 2 người dân tộc Thái, 1 người là tộc người Đan Lai; năm 2022, tính đến hết tháng 8 mới phát triển được 1 đảng viên nữ dân tộc Thái). Thế nhưng, theo ông Trần Thế Tài – Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê, thì công tác phát triển đảng viên nữ vẫn rất lúng túng, bởi hiện nay số phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa nhiều. Một số người tuy có năng lực nhưng vướng bận chuyện gia đình. Có chị đã tham gia lớp đối tượng Đảng, nhưng sau đó không kết nạp được vì đi làm ăn xa hoặc vì người thân không ủng hộ, như trường hợp Chi hội phó Chi hội Phụ nữ bản Khe Nà, người dân tộc Thái, đã đi học lớp cảm tình Đảng năm 2020, chuẩn bị làm hồ sơ kết nạp thì phải dừng lại vì chồng không đồng ý…
Tại một số địa phương, việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên nữ DTTS chủ yếu vẫn tập trung ở đội ngũ giáo viên, trạm y tế… còn ở phía chi bộ các thôn, bản gần như “dẫm chân tại chỗ” trong nhiều năm.
Ở góc độ khác, nói về nguyên nhân dẫn đến công tác kết nạp đảng viên nữ hằng năm còn gặp khó khăn, đặc biệt là công tác kết nạp đảng viên nữ DTTS ở khối nông thôn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho biết: Công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS hiện đang gặp những khó khăn còn do một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ và công tác phát triển đảng viên nữ. Công tác phối hợp giữa Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên ở một số nơi chưa chặt chẽ trong việc giới thiệu hội viên là nữ thanh niên trong độ tuổi Đoàn để tạo nguồn phát triển Đảng.
Mặt khác, theo ông Lương Văn Nội – Phó Bí thư Đảng ủy xã tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương): “Một số phong trào thi đua ở địa phương vẫn chưa thật sự thu hút quần chúng tham gia, nên sự phấn đấu của quần chúng không rõ nét. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng ưu tú để họ có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ vẫn chưa được quan tâm… Một số chi bộ chưa thực sự làm tốt công tác “dân vận khéo”, mới đang tập trung vận động quần chúng nữ, nhưng chưa chú ý đến việc phải phối hợp “dân vận” đồng bộ cả từ phía gia đình, người thân để họ ủng hộ phụ nữ trong gia đình phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng…”.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo cấp ủy một số tổ chức cơ sở Đảng, năng lực, nghiệp vụ công tác Đảng của Bí thư Chi bộ, Chi ủy viên ở một số chi bộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS, dẫn đến chưa làm hết vai trò, trách nhiệm. Mặt khác, đối với khu vực nông thôn, miền núi, việc kết nạp vào Đảng không gắn với các thành tích thi đua như ở các cơ quan, nhà trường, nên động lực phấn đấu vào Đảng của nhiều quần chúng không cao, không mặn mà.
Đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên là nữ người DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh chưa cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Lang Văn Hòe – Bí thư Chi bộ bản Kẻ Móng, xã Châu Bình (Quỳ Châu) thẳng thắn chia sẻ: “Thực tế ở bản chúng tôi chưa đến nỗi thiếu nhân sự, trong Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên… vẫn đang còn nguồn, nhưng do cấp ủy chi bộ chưa chỉ đạo động viên, kịp thời, chưa sâu sát từng điều kiện, hoàn cảnh, nhất là đối với quần chúng nữ nên chưa làm tốt công tác phát triển Đảng. Trong năm 2020-2021, chi bộ không kết nạp được đảng viên nào, có 2 đảng viên (1 nam, 1 nữ) đi làm ăn xa xin ra khỏi Đảng. Sang năm 2022, chi bộ đã rút kinh nghiệm, quan tâm triển khai công tác tạo nguồn nên đã kết nạp được 2 đảng viên nữ DTTS là chị Hạ Thị Hồng (y tế thôn, bản) và chị Vi Thị Nhưỡng – Chi hội phó Chi hội Nông dân”.
Bên cạnh đó, theo ông Kim Văn Duyên – Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình (Quỳ Châu): “Một trong những giải pháp để động viên, khuyến khích quần chúng ưu tú là nữ rèn luyện, phấn đấu vào Đảng là gắn họ với trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể ở thôn, bản như trưởng, phó các chi hội, đoàn thể, tổ trưởng, tổ phó tổ dân cư…; nhưng hiện nay, sau khi sáp nhập thôn, xóm, các vị trí này cũng không còn nhiều nên cũng khó bố trí, sắp xếp…”.
Tại một số thôn, bản, mặc dù đã dày công kết nạp được đảng viên nữ DTTS vào Đảng, nhưng do chi bộ chưa thật sự quan tâm, sát sao và bản thân đảng viên nữ thiếu rèn luyện, tu dưỡng nên đã buộc phải xóa tên. Như ở Chi bộ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương), Bí thư Chi bộ Xồng Bá Giày cho hay: “Năm 2021, chi bộ đã xóa tên đảng viên nữ Vừ Y Mò vì giảm sút ý chí phấn đấu, cũng tiếc lắm nhưng phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng thôi…”.
Thực tế trên cho thấy, muốn đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp ủy Đảng phải tiếp tục xác định rõ hơn vai trò quan trọng của đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Từ đó, có những giải pháp thiết thực trong phát hiện, quy hoạch và bồi dưỡng nguồn phát triển “hạt nhân” là nữ tại các thôn, bản…