Phát triển đảng viên nữ dân tộc thiểu số: Chú trọng từ thôn bản

Đến thăm bản Châu Sơn là 1 trong 2 bản người Đan Lai ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, vừa đến đầu con đường vào bản đã nghe tiếng cười nói xôn xao của đông đảo người dân đang đào móng xây kè trước nhà văn hóa cộng đồng. Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê Trần Thế Tài chỉ tay vào một phụ nữ trẻ, đang hăng hái lao động với bà con, giới thiệu: Kia là đồng chí La Thị Vân, sinh năm 1996 – Bí thư Chi bộ bản Châu Sơn, là đảng viên nữ duy nhất làm người đứng đầu thôn bản ở Châu Khê!

Người dân bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông tham gia làm kè trước nhà văn hoá cộng đồng. Ảnh: KL
Người dân bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông tham gia làm kè trước nhà văn hoá cộng đồng. Ảnh: KL

Trò chuyện, La Thị Vân cho biết: Bản Châu Khê có 222 hộ, hơn 850 khẩu người Đan Lai, chia làm 2 cụm, trong đó cụm ở Khe Nóng, cách cụm chính gần 30km. Mỗi lần họp, chi ủy, ban quản lý bản phải di chuyển tới 2 nơi, vào mùa mưa hoặc khi thời tiết không thuận lợi đường vào cụm trong rất khó khăn vì phải di chuyển qua 4 khe suối. Có năm việc tổ chức các ngày lễ như trung thu, 1/6 cho các cháu cụm trong bị chậm vì nước to, đường không thể vào được. Về đời sống, người dân Châu Sơn còn nhiều khó khăn lắm, đàn ông thì đi làm ăn xa, phụ nữ ở nhà chăn nuôi, ai thuê gì làm nấy, bởi đất sản xuất ít, chỉ 50% người dân trong bản có ruộng, nhà có ruộng cũng chỉ được bình quân tầm 200-300m².

Qua thời thiếu nữ, không giống các thiếu nữ Đan Lai khác, sau khi lấy chồng, sinh hai người con, La Thị Vân vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản. Năm 2019, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng (cùng kết nạp đảng một đợt với chồng, nguyên là Phó bản Châu Sơn).

Việc La Thị Vân được bầu làm người “đứng mũi chịu sào” của bản là “chuyện lớn” đối với đồng bào Đan Lai ở Châu Sơn. Trong chi bộ có 24 đảng viên (3 đảng viên miễn sinh hoạt), chỉ có 2 đảng viên nữ là Vân và chị La Thị Nguyệt. Tuy nhiên lại có 2 cán bộ xã là Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Nông dân và bộ đội biên phòng tăng cường về tham gia sinh hoạt. Mọi người cùng hỗ trợ, hướng dẫn nữ bí thư chi bộ trẻ vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Theo Trưởng bản La Thanh Bình: “Quan trọng là bản thân đồng chí Vân rất nỗ lực, luôn đầu tàu trong mọi phong trào nên được cán bộ, đảng viên và người dân tín nhiệm. Chẳng hạn như hôm nay, phát động đào móng xây kè nhà văn hoá, mỗi hộ huy động 1 người tham gia, nhưng gia đình Bí thư Chi bộ thì đi cả hai vợ chồng…”.

Bí thư La Thị Vân còn cùng với cấp ủy Chi bộ và Ban Quản lý bản Châu Sơn triển khai nhiều hoạt động “vì dân” thiết thực như: kêu gọi ủng hộ kinh phí, ngày công, tiền, gạo giúp đỡ các hộ khó khăn, hoạn nạn. Trong đó có hộ ông La Văn Hồng bị cháy nhà, hộ ông Lang Văn Đào bị sạt lở di dời nhà, ổn định cuộc sống. Đặc biệt sau nhiều năm không kết nạp được đảng viên nữ, năm 2022, chi bộ bản Châu Sơn đã làm hồ sơ kết nạp Đảng cho chị La Thị May – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của bản. “Mình cứ cố gắng nói đi đôi với làm thì bà con sẽ tin yêu mình thôi…”, Bí thư Chi bộ La Thị Vân chia sẻ thêm.

Bí thư chi bộ bản Châu Sơn La Thị Vân trao đổi với Lãnh đạo Đảng uỷ xã Châu Khê về tình hình thôn bản; Bí thư Chi bộ La Thị Vân động viên phụ nữ bản Châu Sơn tham gia hoạt động thôn bản. Ảnh: KL
Bí thư chi bộ bản Châu Sơn La Thị Vân trao đổi với Lãnh đạo Đảng uỷ xã Châu Khê về tình hình thôn bản; Bí thư Chi bộ La Thị Vân động viên phụ nữ bản Châu Sơn tham gia hoạt động thôn bản. Ảnh: KL

Ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, câu chuyện về cô gái Mông Vừ Y Dở – quê ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn về làm dâu ở bản Lưu Thông trở thành nữ đảng viên người Mông duy nhất của xã rồi là nữ bí thư chi bộ bản người Mông đầu tiên của huyện rẻo cao Tương Dương, được nhiều người nhắc đến với sự tin yêu, mến phục.

Về làm dâu bản Lưu Thông, Y Dở được gia đình chồng tạo điều kiện cho tham gia công tác phụ nữ từ năm 2003. Đến năm 2005, cô được ông Vừ Chồng Mùa, nguyên Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông bồi dưỡng, dìu dắt vào Đảng. Khi đó, Y Dở 25 tuổi. Thời điểm ấy Y Dở, dù được chồng và gia đình chồng ủng hộ nhưng chị vẫn băn khoăn. “Mới đầu mình còn ngại đi sinh hoạt đảng vì trong chi bộ toàn đàn ông, mà phụ nữ Mông xưa nay vốn không được tham gia bàn chuyện trong gia đình, nói gì ngoài xã hội. Nhưng được tiếp thu nhiều kiến thức, giao tiếp nhiều, mình đã hiểu phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới, cũng có thể đóng góp ý kiến xây dựng bản làng, nên đã mạnh dạn, tự tin hơn”.

Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, Tương Dương Vừ Y Dở 	 (thứ ba, phải sang) cùng cán bộ bản kiểm tra công tác vệ sinh môi trường thôn bản; truyền truyền bảo tồn trang phục truyền thống của người Mông; Chị Vừ Y Dở tiên phong trong phát triển kinh tế; Thăm vườn rau của chị em phụ nữ. Ảnh: KL
Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, Tương Dương Vừ Y Dở (thứ ba, phải sang) cùng cán bộ bản kiểm tra công tác vệ sinh môi trường thôn bản; truyền truyền bảo tồn trang phục truyền thống của người Mông; Chị Vừ Y Dở tiên phong trong phát triển kinh tế; Thăm vườn rau của chị em phụ nữ. Ảnh: KL

Đến năm 2020, Y Dở được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông. Việc đưa phụ nữ lên làm lãnh đạo thôn bản thể hiện sự đổi mới trong tư duy của người Mông “Cái lưng của phụ nữ Mông ta giờ không chỉ để gùi bắp, gùi sắn, mà còn “gùi” cả chủ trương, đường lối của Đảng về với bà con dân bản nữa đấy, như Y Dở đấy, làm tốt lắm”, như Trưởng bản Thò Bá Chò, nguyên là Bí thư Chi bộ bản nói.

Là “đầu tàu” ở bản, Y Dở cùng Chi ủy, Chi bộ và Ban quản lý bản luôn trăn trở làm thế nào để người dân ấm no, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Ngoài trồng cỏ voi, trồng chuối lấy lá, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng lúa rẫy, bí xanh, khoai sọ, nuôi trâu bò, dê, lợn, gia cầm (Hiện toàn bản có gần 100 con trâu, 68 con bò, 65 ao cá). Chi bộ bản Lưu Thông còn huy động sức dân làm đường giao thông lên khu sản xuất, làm cổng chào, giữ vệ sinh môi trường thôn bản, thực hiện tốt quy chế chăn nuôi có chuồng trại cố định. Bây giờ đời sống người dân bản Lưu Thông đã khấm khá, tiến bộ hẳn; bản còn được biết đến là một điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự. Từ nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”: Không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, không có người thụ án tù, được chọn để xây dựng mô hình “Bản làng không có ma túy” và CLB “Bảo tồn và phát triển văn hoá bản Mông”.

Khi được hỏi bí quyết để bà con “ưng cái bụng” và tin theo sự “dẫn lối” của Chi bộ bản, Vừ Y Dở cười hiền: “Cứ “người thật, việc thật, hiệu quả thật’’ thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”. Chả thế mà, không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế: trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi trâu, là hộ đầu tiên trong bản nuôi dê, đồng thời vận dụng mạng xã hội để bán nông sản trên Facebook; gia đình Y Dở còn là gia đình văn hóa điển hình ở thôn bản, 2 con học đại học, chăm ngoan, hiếu thuận.  Y Dở trở thành tấm gương phụ nữ vùng biên vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và cộng đồng, góp sức xây dựng bản làng no ấm, yên vui.

Thăm bản Pục – bản đồng bào Thái thuộc xã biên giới Nậm Giải (Quế Phong), ấn tượng đầu tiên là những tuyến đường đổ bê tông sạch sẽ bao phủ từ trục chính đến các tuyến nhánh. Bí thư Chi bộ bản Pục – chị Ngân Thị Phượng, sinh năm 1987, nữ trưởng bản duy nhất ở Nậm Giải, cho hay: “Đường mới làm xong, xi măng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ, còn bản vận động nhân dân đóng góp ngày công và kinh phí 36 triệu đồng mua cát sỏi để làm 5 tuyến chính, 2 tuyến phụ. Trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, Ban quản lý bản phân công 2 tổ dân cư làm 1 tuyến đường. Nhờ vậy giờ đường giao thông ở bản Pục đã gần như được làm mới toàn bộ”.

Chị Ngân Thị Phượng- Trưởng bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong vừa giỏi việc thôn bản vừa đảm việc nhà. Ảnh: KL
Chị Ngân Thị Phượng- Trưởng bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong vừa giỏi việc thôn bản vừa đảm việc nhà. Ảnh: KL

Trải qua hai nhiệm kỳ làm “thủ lĩnh” thôn bản, Chị Ngân Thị Phượng cũng cho biết: Phụ nữ gánh trách nhiệm “vác tù và”, bản thân chị phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành việc bản, nhất là chỉ đạo vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện tại ngoài trồng 30ha quế, 20ha keo, người dân bản Pục còn tích cực chăn nuôi trâu bò. Hầu như gia đình nào cũng có từ 5-6 con trâu bò, nhà nhiều lên tới 38 con…

Hiện nay, bản Pục đã được sáp nhập với bản Méo, dân số tăng lên 120 hộ, 580 khẩu. Là Phó Bí thư Chi bộ bản, chị Ngân Thị Phượng cũng thường xuyên cùng với Cấp ủy, Chi bộ quan tâm đến công tác phát triển Đảng, nhất là đối với đảng viên nữ dân tộc thiểu số; căn cứ thực tiễn để có giải pháp dân vận phù hợp. Năm 2020, Chi bộ bản Pục kết nạp được 2 đảng viên nữ, năm 2021 phát triển được 2 đảng viên trong đó có 1 nữ, riêng năm 2022 chi bộ bản Pục đã giới thiệu 5 quần chúng nữ ưu tú đi học đối tượng đảng… Nhận xét về nữ “thủ lĩnh” bản Pục Ngân Thị Phượng, đồng chí Sầm Văn Thành – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải cho hay: Đó là một trưởng bản năng nổ, nhiệt tình, giỏi việc thôn bản, đảm việc nhà, được dân mến, Đảng tin!

Các tuyến đường chính và đường nhánh ở bản Pục, huyện Quế Phong đã được bê tông hoá.
Các tuyến đường chính và đường nhánh ở bản Pục, huyện Quế Phong đã được bê tông hoá.

Nữ trưởng bản của bản dân tộc Thái Thanh Tiến (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) được nhắc đến như một tấm gương đảng viên “giỏi việc thôn bản, đảm việc nhà”. Được kết nạp vào Đảng năm 2010, với sự năng động, nhiệt tình, gương mẫu, chị Lô Thị Pòm được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản 3 nhiệm kỳ liên tiếp. “Giỏi việc thôn bản” – chị Pòm đã cùng cấp ủy, ban quản lý bản trăn trở tìm cách để đưa bản từng bước hết nghèo, thoát nghèo. Mục tiêu đó được xác định: Trước hết, bản thân cán bộ, đảng viên và các chi hội đoàn thể phải nêu gương. Nghĩ-nói đi đôi với làm, đến nay Ban quản lý bản Thanh Tiến có hơn 800 gốc keo tập thể, chi hội CCB, Chi hội Phụ nữ bản có rẫy keo tập thể, còn Chi hội Người cao tuổi có gần 100 gốc chuối…”.

Bản thân trưởng bản Lô Thị Pòm mặc dù bận rộn với công việc đầu tàu thôn bản và chăm sóc con cái, nhưng đã tiên phong phát triển kinh tế với mô hình trồng keo, trồng ngô, chăn nuôi 4-5 con trâu bò, 4.000 con ếch, trồng ổi sạch… Chị còn dành thời gian tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ bản để phát hiện “nhân tố” cùng với cấp ủy chi bộ bồi dưỡng chị em phấn đấu vào Đảng. Nhờ vậy, năm 2020 Chi bộ bản Thanh Tiến đã kết nạp được 1 đảng viên nữ là y tế thôn bản, năm 2022 giới thiệu 2 quần chúng nữ đi học cảm tình đảng là hội viên và chi hội phó chi hội phụ nữ…

Trưởng bản Thái Thanh Tiến, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) Lô Thị Pòm tiên phong phát triển kinh tế với mô hình trồng keo, trồng ngô, chăn nuôi 4-5 con trâu bò, 4.000 con ếch, trồng ổi sạch...
Trưởng bản Thái Thanh Tiến, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) Lô Thị Pòm tiên phong phát triển kinh tế với mô hình trồng keo, trồng ngô, chăn nuôi 4-5 con trâu bò, 4.000 con ếch, trồng ổi sạch...

Những nữ thủ lĩnh thôn bản mà chúng tôi đã gặp tuy mỗi người có phương pháp hoạt động riêng, nhưng họ có điểm chung là đều “lấy dân làm gốc” nên được người dân tin tưởng, ủng hộ. Điều đáng ghi nhận là những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, nhiều đảng viên nữ DTTS được tín nhiệm giao trọng trách “đứng mũi chịu sào” ở cơ sở. Điển hình như huyện Quế Phong có 23 đảng viên nữ DTTS làm bí thư chi bộ, trưởng khối, thôn, bản; huyện Quỳ Châu có 26 đảng viên nữ DTTS là bí thư, phó bí thư chi bộ thôn bản; huyện Con Cuông có 33 đảng viên nữ DTTS đang làm bí thư chi bộ và 14 đồng chí làm trưởng khối, thôn, bản; huyện Tương Dương có 27 nữ DTTS đang làm bí thư, trưởng khối, thôn, bản… Và, những đóng góp của họ đều đáng ghi nhận, đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong gia đình cũng như xã hội.