Có thể nói, rất ít có năm nào mà nhiều khó khăn tác động đến sản xuất ngành nông nghiệp như năm 2022. Đầu năm, rét đậm, rét hại kéo dài, giữa năm các đợt gió Tây Nam tăng cường mạnh làm khô hạn căng thẳng, cuối năm do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, gió mùa Đông Bắc đã gây ra mưa lũ, ngập úng trên diện rộng và lũ quét ở huyện Kỳ Sơn, rồi dịch tả lợn châu Phi,… Bên cạnh đó, giá phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…; đặc biệt giá xăng dầu tăng đột biến đã làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là việc ra khơi đánh bắt thủy, hải sản của bà con ngư dân.
Vượt lên khó khăn, cả hệ thống chính trị của Nghệ An tập trung chỉ đạo và bà con nông dân toàn tỉnh đã tích cực sản xuất nên các vụ đông xuân, hè thu được mùa toàn diện. Năng suất lúa cả năm và một số cây công nghiệp, cây ăn quả tăng khá, đàn trâu, bò sữa và gia cầm tiếp tục phát triển, tổng đàn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích trồng rừng tập trung vượt kế hoạch, độ che phủ rừng đạt 58,41%. Sản lượng thủy sản cả năm tăng khá, trong đó có cả sản lượng khai thác thủy sản và sản lượng nuôi trồng. Bức tranh sơn thủy hữu tình của miền Tây xứ Nghệ thêm tươi đẹp nhờ những vườn cam chín vàng, những đồi chè bát ngát, những cánh rừng keo lai mênh mông…
Nông nghiệp là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An, bởi tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn vào tốp đầu cả nước (1.249,176ha), trong đó có khoảng 13.000ha đất bazan màu mỡ. Đất nông nghiệp phân bố cả vùng miền núi, trung du, đồng bằng ven biển nên có thể xác định, lựa chọn sản xuất các sản phẩm nông sản hàng hóa có giá trị. Tuy nhiên, nhìn chung năng suất nhiều loại cây trồng chưa được đầu tư thâm canh để có năng suất cao hơn, đặc biệt tỉnh chưa có sản phẩm nông sản xuất khẩu có khối lượng lớn như mong muốn.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” định hướng rõ “phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng”. “Về trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn,…”.
Trên cơ sở định hướng đó, mong muốn tỉnh sớm chỉ đạo rà soát lại quỹ đất nông nghiệp mà sản xuất kém hiệu quả (kể cả đất lúa) nhằm chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng tốt để chế biến và xuất khẩu có hiệu quả cao hơn như cây dứa, cây chuối,… Về chăn nuôi, Nghị quyết Trung ương đặt ra “phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường. Kiên quyết di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung”.
Đó là định hướng rất đúng đắn, Nghệ An cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư phát triển. Về thủy sản, nghị quyết đặt ra việc “phát triển thủy sản trên biển và đất liền theo hướng công nghiệp, sinh thái”. Trên địa bàn tỉnh đã có các mô hình nuôi tôm trên bể nổi, nuôi cá theo hướng công nghiệp,… có hiệu quả, cần được phổ biến, nhân rộng để có sản lượng lớn gắn với chế biến để xuất khẩu.
Về lâm nghiệp, Trung ương yêu cầu “tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái”. Riêng khoảng 190.000ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai, hiện tại là cây phủ xanh, chống xói mòn, cải tạo đất, là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các sản phẩm từ gỗ, đầu tư không cao nhưng giá trị trên đất thấp (khoảng 10 triệu đồng/ha/năm). Tỉnh cần nghiên cứu lại diện tích phù hợp với độ dốc của đồi núi để chuyển đổi một phần sang trồng cây ăn quả thì sẽ có hiệu quả cao hơn.