Ngày 4/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/QĐ -TTg phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 -2025” (Quyết định 17). Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Xuân Quế – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
P.V: Với Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ, rõ ràng Nam Đàn đang có cơ hội rất lớn để có những bước phát triển đột phá. Đồng chí nhận định như thế nào về ý nghĩa và cơ hội mà quyết định này mang lại đối với huyện?
Đồng chí Đinh Xuân Quế: Cùng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, trong những năm qua, huyện Nam Đàn đã gặt hái được nhiều thành tựu về các lĩnh vực, nhất là trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Huyện được đánh giá là một trong những điểm sáng của tỉnh, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng lòng, quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 11/5/2018, Nam Đàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Quyết định số 520/QĐ-TTg ngày 11/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nhưng còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Đặc biệt, với vị trí là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, thì Nam Đàn phải thực sự là huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình của cả nước. Đây là hoài bão, trăn trở và cũng là trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân quê Bác với cả nước.
Việc Thủ tướng ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 – 2025” và ngày 24/2/2019 sẽ tổ chức Hội nghị công bố quyết định, xúc tiến đầu tư vào huyện Nam Đàn là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với địa phương; đồng thời qua đó xác lập tầm nhìn, định hướng, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nhất là phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng vốn rất đặc biệt của Nam Đàn mà ít nơi có được.
P.V: Đồng chí có thể cho biết thế mạnh để Nam Đàn phát huy và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch?
Đồng chí Đinh Xuân Quế: Nam Đàn được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch, cùng với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tạo thành tam giác phát triển du lịch của Nghệ An và Bắc Trung bộ. Nói về di tích văn hóa, lịch sử, có lẽ không địa phương cấp huyện nào trên cả nước được sở hữu đến 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt như Nam Đàn, gồm: Khu Di tích Kim Liên, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu và đình Hoành Sơn. Bên cạnh đó, huyện còn có đến 11 di tích cấp Quốc gia khác, 23 di tích cấp tỉnh vừa mang giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học, vừa là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và nhiều danh lam, thắng cảnh có lợi thế cho du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Đây là những thế mạnh riêng có và giàu sức hấp dẫn của huyện.
Nam Đàn còn được biết đến là mảnh đất có cảnh quan tươi đẹp và đa dạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố sông, núi, đồng bằng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch, dịch vụ; là quê hương của nhiều đặc sản nức tiếng gần xa, thậm chí đã vào cả ca dao, tục ngữ, “Sa Nam trên chợ dưới thuyền/ Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên” tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, không lẫn lộn vào đâu được như: tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê cầu Đòn, cá mòi sông Lam, gà đồi Nam Thái, bột sắn dây và hồng Nam Anh,…
Những năm qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Nam Đàn đã tận dụng khai thác các thế mạnh trên để phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, nguồn lực có hạn nên hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn. Rõ ràng, Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ là cú hích rất cần thiết, kịp thời để Nam Đàn có thể khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng trên, tạo nên đột phá về kinh tế – xã hội, xứng đáng là quê hương của Bác Hồ – mảnh đất có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tâm thức, tình cảm của đồng bào cả nước.
P.V: Vậy huyện nhà kỳ vọng điều gì thông qua Hội nghị chính thức triển khai Quyết định 17 và kêu gọi đầu tư vào Nam Đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, thưa đồng chí?
Đồng chí Đinh Xuân Quế: Trước hết chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình phải hết sức quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực để phát huy cao nhất nội lực trong chặng đường triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu sắp tới, xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm, kỳ vọng của cả nước với Nam Đàn. Bên cạnh đó, thông qua hội nghị, Nam Đàn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh khi thực hiện Quyết định số 17, qua đó thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra đúng với lộ trình, kế hoạch.
Tại hội nghị có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đến tìm hiểu, đầu tư và chung tay, góp sức thêm nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của Nam Đàn trên các lĩnh vực, nhất là văn hoá, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về phần mình, với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, Nam Đàn sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Tôi tin rằng, ngay sau hội nghị này, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện nhà, cùng sự chung tay, góp sức, đặc biệt là tình cảm sâu sắc với quê hương Bác Hồ của lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh, cũng như của các doanh nhân, Nam Đàn sẽ có thêm những điều kiện khắc phục những hạn chế về hạ tầng, dịch vụ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp…và phát huy thế mạnh để thực hiện thành công mục tiêu mà Quyết định 17 đặt ra là năm 2025, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42% – 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch”.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!