Vượt 50 km đường rừng từ trung tâm huyện Kỳ Sơn, chúng tôi trở lại xã Mỹ Lý là địa bàn có biên giới đường bộ gần 45 km, dài nhất trong số 27 xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào ở Nghệ An. Điều nhận thấy rõ, khác so với trước đây, người dân trong các thôn bản không còn ánh mắt nghi ngại khi thấy người lạ xuất hiện.
Phấn khởi khoe với chúng tôi, ông Lương Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: Trước đây, mỗi khi có người lạ vào địa bàn, người dân đều tỏ ra nghi ngại, e dè lo lắng không biết đó là người tốt hay người xấu, có ý định lôi kéo người thân của họ vào ma túy hay không. Tuy nhiên, hiện nay sau khi đưa 23 đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, địa bàn hiện không có tụ điểm, điểm bán lẻ, đối tượng bán lẻ, điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cùng với đó, công an xã thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường liên bản, liên xã và tuyến biên giới nên bà con rất yên tâm.
Theo tìm hiểu, không riêng địa bàn xã Mỹ Lý, các xã biên giới còn lại của huyện Kỳ Sơn như Nậm Cắn, Tà Cạ, Bắc Lý, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn hiện đều không có đối tượng, ổ nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy. Tại thời điểm tháng 4/2022 trên địa bàn 11 xã biên giới của huyện có 121 đối tượng nghiện, thì nay 77 đối tượng đã được lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc, 10 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng, xác minh loại khỏi danh sách nghi nghiện 5 đối tượng, 19 đối tượng đã bị bắt trong các vụ án ma túy, 22 đối tượng hiện rời khỏi địa phương.
Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay: Chính việc triển khai đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” đã góp phần to lớn vào việc yên dân, yên địa bàn, yên biên giới, từ đó tạo ra môi trường lành mạnh, bình yên, ổn định.
Những chuyển biến tại huyện Kỳ Sơn hiện nay đã minh chứng hiệu quả thiết thực của việc ban hành đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”. Bởi thực tế, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với đường biên giới dài 468,3km, giáp 3 tỉnh nước CHDCND Lào; có 27 xã biên giới thuộc 6 huyện, 5 cửa khẩu được kết nối với 3 tuyến quốc lộ trọng điểm; vị trí địa lý gần khu vực “Tam giác vàng”- thánh địa ma túy của thế giới.
Tại đây, hoạt động của tội phạm liên quan đến các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tiềm ẩn nguy cơ cao; các đối tượng phạm tội về ma túy thường trung chuyển ma túy từ Lào vào địa bàn tỉnh, đi các địa phương khác tiêu thụ (qua theo dõi, 80% lượng ma túy thu giữ được trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới Việt – Lào). Các đối tượng phạm tội ma túy thường lôi kéo người dân tộc thiểu số tại địa bàn các xã biên giới tham gia vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, số người nghiện, người nghi nghiện tại các xã biên giới còn nhiều, nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện còn tiềm ẩn ở một số bản vùng sâu, vùng xa, khu vực có đồng bào người Mông sinh sống. Qua khảo sát trong số 27 xã biên giới của Kỳ Sơn, có 24 xã có ma túy (trong đó 11/27 xã trọng điểm phức tạp về ma túy); có 516 người nghiện, nghi nghiện có mặt tại địa bàn; 01 tụ điểm, 03 điểm phức tạp, 33 điểm bán lẻ ma túy và 26 đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy.
Trước tình hình đó, để đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh và trên tuyến biên giới Việt- Lào, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 318/QĐ-CAT-PV01 ngày 7/4/2022 về việc ban hành Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của đề án lấy phòng ngừa là chính, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân ở các xã biên giới; kết hợp triển khai quyết liệt việc “chặn cung, giảm cầu”; tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo lập “lá chắn”, “vành đai biên giới” sạch ma túy vững chắc để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy, quyết tâm không để khu vực biên giới Nghệ An trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Đồng thời tạo thành “vùng xanh” là chốt chặn đầu tiên, có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu của Đề án, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huy động sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và toàn dân tại các xã biên giới tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp, điểm bán lẻ ma túy, tăng cường công tác cai nghiện, quản lý sau cai, công tác tái hòa nhập cộng đồng, không để phát sinh tình hình phức tạp mới; quyết tâm phấn đấu xây dựng 27 xã biên giới sạch về ma túy ngay trong năm 2022 và giữ vững, nâng cao hơn một bước những năm tiếp theo.
Phạm vi Đề án triển khai tại 27 xã biên giới thuộc 6 huyện biên giới gồm: Xã Nậm Cắn, Tà Cạ, Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn); Tam Quang, Tam Hợp, Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương); Môn Sơn, Châu Khê (huyện Con Cuông); Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tri Lễ, Nậm Giải (huyện Quế Phong); Phúc Sơn (huyện Anh Sơn); Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Đức, Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Đề án thực hiện từ ngày 15/4/2022 đến hết năm 2022.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, Công an tỉnh đã công bố quyết định điều động 25 đồng chí cán bộ tăng cường cho các xã biên giới với thời gian 1 năm; bàn giao 27 ô tô bán tải của Bộ Công an trang cấp cho Công an 27 xã biên giới; phân công, giao nhiệm vụ cho 12 đơn vị, địa phương kết nghĩa với UBND 12 xã biên giới khó khăn để phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện Đề án.
Theo đó, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai hiệu quả các giải pháp tuyên truyền tại 27 xã biên giới; Tổ chức tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các xã biên giới khó khăn phục vụ thực hiện Đề án, đặc biệt quan tâm đến những đối tượng liên quan đến ma túy trở về tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, đã trao tặng các trang thiết bị, hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí và các suất quà hỗ trợ cho người dân tại các xã biên giới với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2209 ngày 29/7/2022 về phân công các sở, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ 22 xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các xã miền núi, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.
Ngay sau Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án, Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt ra quân triệt phá hàng loạt tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn các huyện biên giới bắt giữ hàng chục đối tượng cùng số lượng lớn tang vật gồm vũ khí và ma túy các loại.
Điển hình như vào rạng sáng 20/4/2022, Công an tỉnh đã huy động các đơn vị chức năng tiến hành áp sát và tấn công đồng loạt vào 12 tụ điểm ma túy phức tạp tại địa bàn các bản Pà Khốm, Tam Hợp (xã Tri Lễ), bản Thanh Phong 2, Ná Công (xã Mường Nọc) và bản Kim Khê (xã Châu Kim), huyện Quế Phong. Qua đó, bắt giữ và khống chế kịp thời 12 đối tượng, thu giữ 19 gói hêrôin, hồng phiến và nhựa cây thuốc phiện cùng 7 khẩu súng và dao kiếm các loại. Đây là những đối tượng lợi dụng đặc điểm dân cư, địa hình của địa bàn biên giới để hoạt động phạm tội về ma túy, thường xuyên tiến hành giao dịch, mua bán cũng như tập trung sử dụng ma túy, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trong cuộc chiến chống ma tuý ở tuyến biên giới, lực lượng đánh án phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Bởi một số đối tượng người Việt Nam cấu kết, móc nối với một số người Lào hình thành các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động. Đặc biệt, tội phạm ma túy luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ.
Điển hình như vào 19h30’ ngày 30/5/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Quế Phong tiến hành bắt quả tang 2 đối tượng người dân tộc Mông đang vận chuyển ma túy đưa đi tiêu thụ. Quá trình bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, sử dụng súng K59 bắn 1 cán bộ Công an huyện Quế Phong bị thương ở đùi trái. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, kiên quyết trấn áp tội phạm, lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ thành công 2 đối tượng. Tang vật thu giữ 15 bánh heroin, 1 khẩu súng, 7 viên đạn.
Qua 6 tháng thực hiện Đề án, với quyết tâm cao, triển khai quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, tấn công trấn áp hiệu quả tội phạm ma túy, Công an 6 huyện biên giới đã phát hiện, bắt 83 vụ, 96 đối tượng phạm tội về ma túy tại các xã biên giới, thu gần 15 kg ma tuý các loại, 50 khẩu súng, dao, kiếm và nhiều tang vật khác có liên quan. Trong đó, đã triệt xoá thành công 1 tụ điểm, 3 điểm phức tạp và 28 điểm bán lẻ ma túy tại các xã biên giới.
Ngoài ra, qua đấu tranh các chuyên án, vụ án, triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp, đường dây, đối tượng phạm tội về ma túy ở các xã biên giới, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ 9 vụ, 21 đối tượng, triệt xóa 1 tụ điểm, 6 điểm phức tạp, 5 điểm bán lẻ ma túy tại các xã trọng điểm phức tạp về ma túy thuộc 6 huyện biên giới; thu hơn 4kg ma tuý các loại và nhiều tang vật liên quan khác.
Song song với công tác đấu tranh triệt xóa, bắt giữ các đối tượng liên quan đến ma túy, Công an tỉnh Nghệ An đã ký kết Quy chế phối hợp số 02 với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh trong công tác bảo đảm an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực biên giới đất liền, vùng miền núi, dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”, từng bước nhân rộng Đề án và phấn đấu tiến tới xây dựng “Huyện biên giới, miền núi, dân tộc sạch ma túy”.