Phát huy giá trị lịch sử – văn hóa Lễ hội Làng Vạc

Di chỉ khảo cổ Làng Vạc – Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ở phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa có niên đại khoảng 2.500 năm trước – thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Trên mảnh đất thiêng liêng này, cha ông ta đã tổ chức lao động, sản xuất, an cư lập nghiệp, đã sáng tạo ra những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí tinh xảo, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ.

Qua 5 cuộc khai quật trên 1.438m2 với 347 ngôi mộ và 1.228 hiện vật, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước kết luận: Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn vĩ đại trên lưu vực sông Cả, là cái nôi của người Việt cổ cực kỳ quan trọng không những của nước ta mà của khu vực Đông Nam Á. Làng Vạc là trung tâm kinh tế chính trị khá quy mô thời Hùng Vương. Đặc trưng văn hóa Làng Vạc đã góp phần khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã mà còn tồn tại ở vùng sông Lam.

Một số cổ vật được tìm thấy ở di tích làng Vạc.  Ảnh tư liệu: Quang Huy
Một số cổ vật được tìm thấy ở di tích làng Vạc. Ảnh tư liệu: Quang Huy

Nền văn minh đó được lưu giữ đến ngày hôm nay để muôn đời con cháu mai sau tiếp nối nhau giữ gìn, trân trọng và phát huy các giá trị truyền thống trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua đó, nhắc nhở chúng ta phải luôn hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn và tiếp nối ý chí, nghị lực của dòng máu Lạc Hồng trong mọi công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế.

Khu di chỉ Làng Vạc đã được xây dựng nâng cấp gồm: Phần chính của điện thờ là tượng Vua Hùng (đúc bằng đồng nặng 500 kg), được rước chân linh từ đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ) về thờ tại đền Làng Vạc năm 2010; đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ và các vị thần, quần thể Tứ linh “Long – Ly – Quy – Phượng”. Cạnh đền thờ là Nhà trưng bày với nhiều cổ vật có giá trị, thông qua đó sẽ giúp người dân và du khách hình dung rõ hơn về văn hóa, cuộc sống sinh hoạt của các bậc tiền nhân thời Vua Hùng.

Khu vực Di tích Làng Vạc. Ảnh tư liệu: Quang Huy
Khu vực Di tích Làng Vạc. Ảnh tư liệu: Quang Huy

Ngày mồng 7, 8, 9/2 (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Làng Vạc thường niên được tổ chức nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống hiếu nghĩa của các thế hệ con cháu với tổ tiên, tăng cường mối đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đồng thời giữ gìn, bảo vệ Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc ngày càng tốt hơn; phát huy giá trị văn hóa – kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh của thị xã Thái Hòa.

Về với Lễ hội Làng Vạc lần thứ XXIV – năm 2023, mỗi người dân và du khách tri ân Vua Hùng dựng nước; thăm Khu di chỉ khảo cổ học của quốc gia – quê hương của truyền thuyết Vạc đồng và một phần của truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân; về với truyền thống  lịch sử – văn hóa và khoa học, về với quá khứ oai hùng của dân tộc.

Lễ rước Vạc từ sân tổ chức lễ hội về Đền Làng Vạc và Lễ Đại tế tại đền. Ảnh tư liệu: Hoàng Thủy - Hồ Phương
Lễ rước Vạc từ sân tổ chức lễ hội về Đền Làng Vạc và Lễ Đại tế tại đền. Ảnh tư liệu: Hoàng Thủy - Hồ Phương

Về với Lễ hội Làng Vạc, bà con nhân dân và du khách còn được thưởng thức các chương trình văn hóa – văn nghệ, cồng chiêng đặc sắc, thi người đẹp Làng Vạc; các hoạt động thi đấu thể thao sôi động, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co (nam – nữ phối hợp); ném còn (nam – nữ); cờ thẻ nam; các trò chơi đậm chất dân gian được tái hiện như: Nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo… Du khách cũng được tham quan các nhà trại, các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã Thái Hòa.

Du khách Lễ hội Làng Vạc còn được tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, lâm viên Bàu Sen và một số điểm đến khác như: Siêu thị Vincom, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồi hoa xuân Thái Hòa… Tất cả đã được các cấp, ngành, địa phương ở TX. Thái Hòa chuẩn bị, kết nối để du khách đến với Lễ hội Làng Vạc sẽ được tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái ở trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tại Lễ hội Làng Vạc. Ảnh tư liệu: Hồ Phương - Hoàng Thủy - CTV
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tại Lễ hội Làng Vạc. Ảnh tư liệu: Hồ Phương - Hoàng Thủy - CTV

Lễ hội Làng Vạc năm nay còn gắn với các hoạt động kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển thị xã Thái Hòa. Đây cũng là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về xây dựng, phát triển thị xã Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An”. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, thị xã sớm xây dựng phương án, kịch bản huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế 9,3%. Cùng đó, đa dạng các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quảng bá tiềm năng lợi thế của thị xã để mời gọi đầu tư; nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.

Khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội. Ảnh tư liệu Quang Huy
Khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội. Ảnh tư liệu Quang Huy