Không phải mẫu trung phong quái kiệt như lão tướng Anh Đức, không sút phạt đẳng cấp như Quang Hải, cũng không mang dáng dấp của một thần đồng như Công Phượng, Văn Quyến nhưng Phan Văn Đức đang sở hữu những tố chất hiếm có của một cầu thủ lớn. Bằng chính năng lực và khát khao của mình, Phan Văn Đức đã chinh phục cả những khán giả khó tính nhất…
Những ngày hè xứ Nghệ năm 2007, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh và các bạn nhỏ đồng trang lứa hồ hởi trong một chuyến xe đặc biệt trên chiếc xe công nông xuống thành phố Vinh tham dự Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An. Đó là lần đầu tiên cậu bé quê Tăng Thành, Yên Thành được rời quê đi ra thế giới bên ngoài. Vốn chỉ quen chơi bóng trên những bãi cỏ dài trên đồng, đây là lần đầu cậu bé có vóc dáng mảnh khảnh này vinh dự tham gia một giải bóng đá có quy mô toàn tỉnh. Mà lúc đó, được xuống thành phố Vinh, được ở khách sạn, ăn kem thỏa thích là cả một niềm mơ ước của những đứa trẻ vùng quê.
Năm đó trong màu áo đội Nhi đồng Yên Thành, Phan Văn Đức là người ghi bàn trong trận chung kết gặp NĐ Đô Lương nhưng đành chấp nhận ngôi Á quân của giải. Lỡ hẹn với chức vô địch, không khóc nhưng Phan Văn Đức dễ dàng lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch và SLNA ngay lập tức đưa tài năng trẻ này về. Huyện Yên Thành vốn chỉ được biết đến là vựa lúa của Nghệ An, vùng quê nghèo hiếm có đứa trẻ nào được gia nhập lò SLNA. Vì thế, Văn Đức và những đứa trẻ khác khăn gói xuống Vinh ăn tập mang theo bao nhiêu kỳ vọng của gia đình, bà con hàng xóm.
Thời gian thấm thoắt trôi, mốc son đầu tiên của Phan Văn Đức trong nghiệp quần đùi áo số là chức vô địch U17 QG năm 2012 tại Huế dưới bàn tay của HLV Ngô Quang Trường. Đây là lứa cầu thủ 1995, 1996 đánh dấu sự trở lại của bóng đá trẻ xứ Nghệ như Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh…
Hai năm sau, một lần nữa Phan Văn Đức góp mặt trong thành phần U19 SLNA đoạt ngôi Á quân toàn quốc. U19 SLNA để thua U19 Hà Nội của Quang Hải trên chấm luân lưu nhưng nhờ đó, Phan Văn Đức được góp mặt trong thành phần ĐT U19 Việt Nam. Giữa cơn sốt U19 với những ngôi sao Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ngày đó thì Phan Văn Đức không được biết đến nhiều vì là kép phụ tại Giải vô địch U19 Đông Nam Á 2014.
Tất cả sẽ không biết đến Phan Văn Đức nếu không có dấu mốc 2017, một năm khá thành công của bóng đá xứ Nghệ. Mùa bóng 2017 mới là năm thứ 2 Văn Đức được đưa lên đội 1 SLNA và lần đầu đóng vai chính. Tiền vệ cánh có ngoại hình thư sinh này có một mùa giải quá thành công khi giúp SLNA đăng quang Cúp QG bằng 3 bàn thắng, trong khi ở V.League 2017 có 4 bàn thắng. Ít ngày sau đó khi được tăng cường cho U21 SLNA, Văn Đức cũng tiếp tục tỏa sáng với 3 bàn thắng (Vua phá lưới) sau 2 trận ra sân, giúp đội nhà ngẩng cao đầu giành tấm HCĐ.
Trong màu áo U21 Việt Nam ở giải U21 quốc tế báo Thanh Niên, Đức “cọt” tiếp tục khẳng định vị trí với phong cách chơi bóng rất ấn tượng và thông minh. Không những vậy, khả năng săn bàn bẩm sinh của Văn Đức và bệ phóng từ những thành công đó ngay lập tức chinh phục Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede. Chuyên gia người Đức chính là người đã tiến cử Văn Đức và Xuân Mạnh tham dự VCK U23 Châu Á bằng những tấm vé vớt sau cùng…
Lên muộn, phải cạnh tranh và khẳng định vị trí nhưng gần như tiền vệ của SLNA được HLV Park Hang-seo “xếp chỗ”. Rất nhanh, những gì Phan Văn Đức làm được trong những lần vào sân thay người ở 3 trận đấu vòng bảng của U23 Việt Nam trước U23 Hàn Quốc, U23 Australia và U23 Syria đã chinh phục hoàn toàn niềm tin của HLV Park Hang-seo. Phan Văn Đức có khả năng gây đột biến là chưa đủ, khả năng hỗ trợ phòng ngự và bắt chặt cầu thủ đối phương chính là chìa khóa vàng giúp anh làm nên sự khác biệt.
Phần thưởng mà Phan Văn Đức nhận được là một suất đá chính trong trận tứ kết giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq. Đáp lại niềm tin của thầy Park là màn trình diễn tuyệt vời của Đức “cọt”, góp phần giúp U23 Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc. Phan Văn Đức chính thức trở thành “người hùng” của người hâm mộ trong khoảnh khắc anh gỡ hòa 2 – 2 đầy cảm xúc. Ngoài ra, cầu thủ của SLNA còn có pha tung người móc bóng theo kiểu “xe đạp chổng ngược” giúp Nguyễn Công Phượng mở tỉ số trước đó. Phan Văn Đức chính xác là “nhân tố X”, là “quân bài trong tay áo” của HLV Park Hang-seo.
Màn trình diễn xuất sắc của Phan Văn Đức ở trận đấu với U23 Iraq là cơ sở để anh tiếp tục có mặt trong đội hình xuất phát của U23 Việt Nam. Trong cuộc so tài cùng U23 Qatar tại vòng bán kết, dù không có được bàn thắng hay pha kiến tạo nào cho các đồng đội lập công, nhưng Phan Văn Đức vẫn để lại dấu ấn của mình với pha sút luân lưu thành công, giúp U23 Việt Nam giành quyền vào chơi ở trận chung kết.
Trong trận quyết đấu tranh vô địch, tuyết trắng phủ dày mặt sân, Phan Văn Đức và các đồng đội chiến đấu đến giây phút cuối cùng và phải nhận thất bại với tỉ số 1 – 2 trước U23 Uzbekistan. Hình ảnh các Văn Đức và U23 Việt Nam đội tuyết, gồng mình chịu rét thi đấu tại Thường Châu đến bây giờ vẫn còn khắc khoải trong tâm trí người hâm mộ. Đó được xem là biểu tượng cho tinh thần, sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí chiến đấu quả cảm của người Việt.
Những khoảnh khắc đáng nhớ của Phan Văn Đức trong màu áo các ĐTQG và SLNA:
Trở về từ VCK U23 châu Á 2018, Đức “cọt” là một trong những cầu thủ hiếm hoi của U23 Việt Nam vẫn giữ được phong độ cao ở mùa giải vừa qua. Không hề xao nhãng, tại V.League năm nay, Phan Văn Đức đã có tới 9 pha lập công, 2 đường kiến tạo cho đội bóng xứ Nghệ, giúp SLNA tái lập kỷ lục 8 trận thắng liên tiếp. Tiền vệ quê Yên Thành cùng với những Ngọc Hải, Khắc Ngọc và Olaha Michael là những quân bài vô cùng quan trọng của HLV Nguyễn Đức Thắng.
Không phải là người thích nói về từng cá nhân, nhưng sau bàn thắng rất đẹp của Phan Văn Đức trong trận hòa Uzbekistan 1-1 tại giải giao hữu tứ hùng, HLV Park Hang-seo đã chia sẻ những đánh giá của mình về cầu thủ trẻ SLNA: “Phan Văn Đức là một cầu thủ đã có một giải đấu thành công, tạo ra hình ảnh và chứng minh được năng lực ở Trung Quốc. Cậu ấy đã ghi bàn ở giải U23 châu Á và hôm nay lại ghi bàn. Tại Trung Quốc, Phan Văn Đức chỉ vào sân thay người nhưng đã thể hiện rất tốt. Văn Đức là người rất cần cho đội bóng”.
Cày ải liên tục trong màu áo SLNA, U21 SLNA, U21 BTN Việt Nam và U23 Việt Nam, khiến nền tảng thể lực của Văn Đức bị bào mòn nghiêm trọng. Chính vì vậy, Asiad 18 tại Indonesia, Văn Đức đã không thi đấu xuất sắc như mong đợi. Nhưng trong chiến tích giành hạng 4 chung cuộc của Olympic Việt Nam trên đất Indonesia, Phan Văn Đức vẫn đóng góp 1 bàn thắng và 2 đường kiến tạo cho các đồng đội lập công.
Trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, Phan Văn Đức chính là cầu thủ tiến bộ nhanh nhất, ổn định nhất của bóng đá Việt Nam. Những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo SLNA, U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và hiện tại là Đội tuyển Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất. Ngay cả một chuyên gia vốn khó tính và khắt khe như ông Lê Thụy Hải cũng phải thốt lên rằng: “Tôi thực sự rất thích cầu thủ Phan Văn Đức của SLNA”.
Sau khi trình làng, Xuân Mạnh đã được cả 2 cánh, cả vị trí tiền vệ lẫn hậu vệ thì tại AFF Cup 2018 lần này, bóng đá xứ Nghệ lại tiếp tục cho thấy Văn Đức cũng làm được điều đó. Thậm chí, về khâu kiến tạo thì số 20 này còn làm tốt hơn người đồng đội, Văn Đức đang là “con dao pha” trong tay ông thầy Hàn Quốc.
Trong 4 trận đấu vòng bảng, Văn Đức được thi đấu cả 3 trận ở 3 vị trí khác nhau, trở thành cầu thủ Việt Nam đa năng nhất trong đội tuyển quốc gia. Nếu trận đấu với đội chủ nhà Lào, Văn Đức được vào thay Văn Hậu từ đầu hiệp 2, đá vị trí hậu vệ trái. Trận đấu này, Văn Đức chủ yếu làm nhiệm vụ tấn công bởi tiền vệ Lào B.Bounkong hầu như chỉ đá bên sân nhà. Nếu chắt chiu hơn thì cầu thủ của SLNA này đã có bàn thắng vào lưới thủ thành ĐT Lào trong lần đầu tiên được dự AFF Cup.
Trong trận gặp Malaysia trên sân Mỹ Đình, Văn Đức đá vị trí tiền vệ trái sở trường thay đàn anh Văn Quyết. Trong 73 phút trên sân, cầu thủ số 20 đã làm rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự từ xa không cho đối phương thực hiện các miếng đánh biên. Tiền vệ của SLNA đã in dấu giày trong cả 2 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam, phối hợp tốt với cả hậu vệ Văn Hậu lẫn trung phong Anh Đức.
Văn Đức và Văn Hậu đã khiến cho hậu vệ Safari (4) của đội khách Malaysia không dám dâng cao phối hợp với M.Sumareh (13). Ngược lại, hậu vệ phải này đã để Văn Hậu căng bóng vào trong cho Công Phượng ghi bàn thắng mở tỷ số từ quả chồng biên của Văn Đức.
Sở dĩ ông Park Hang-seo mạnh dạn dùng cặp tiền vệ trung tâm “tấn công, không phòng ngự” Quang Hải, Xuân Trường trong sơ đồ 3-4-3 vì ông có 2 tiền vệ “ảo” gốc Nghệ là Trọng Hoàng, Văn Đức. Nhiều lần trong trận đấu, Văn Đức và Trọng Hoàng chủ động bó vào trong, gia cố tuyến giữa bằng những pha tranh chấp với Akram (12) và Abba (14). Trong lần hiếm hoi, khi được đồng đội chuyền bóng ngay ở trung lộ thì số 20 này đã có quả xẻ nách tuyệt đẹp cho đàn anh Anh Đức ghi bàn thắng tiếp theo.
Tưởng như ông Park Hang-seo “làm khó” Văn Đức khi đẩy anh sang đá hậu vệ phải trận đấu với Myanmar. Bởi ngay cả cầu thủ chuyên đá phòng ngự cũng ít người đá được cả 2 cánh huống hồ Văn Đức xuất thân là tiền vệ trái. Nhưng đây lại là “nước cờ” cao của ông thầy Hàn Quốc, chính ông đã khai phá khả năng của cầu thủ xứ Nghệ.
Phan Văn Đức thực sự đã làm lu mờ ngôi sao trẻ Myanmar, tiền vệ Aung Si Thu và hậu vệ lần đầu được vào sân N.Kyaw. Cầu thủ xứ Nghệ này liên tục, xuyên phá hành lang trái của đội bạn, nhiều lần cầm bóng đột nhập và sút thẳng vào khung thành Z. Kyaw. Nếu cột dọc không từ chối bàn thắng ở phút 40, cầu thủ này đã có bàn thắng trong sự ngỡ ngàng của hơn 30.000 khán giả chủ nhà.
Trận đấu cuối với Campuchia, khi được đá đúng vị trí sở trường, chỉ cần 2 cú sút Văn Đức đã có bàn thắng đầu tiên trong màu áo đội tuyển bằng cú nã đại bác tầm xa rất đẳng cấp. Công bằng mà nói, khả năng chọn vị trí kèm người của Văn Đức vẫn còn phải cải thiện, nhưng 278 phút thi đấu trên sân Văn Đức đã thi đấu khá ấn tượng ở cả 3 vị trí được giao, đúng bằng chất Nghệ vốn có.
Ông Nguyễn Hồng Thanh – Chủ tịch CLB SLNA nhận xét: “Phan Văn Đức là một cầu thủ có bản lĩnh, có khát khao thi đấu, cống hiến và ghi bàn bên cạnh kỹ thuật cơ bản. Từ rất sớm, Văn Đức đã xác định được năng lực và có động lực rõ ràng. Với những cầu thủ trẻ xuất thân từ khó khăn thì điều này rất quan trọng. Thứ hai là sự nhanh nhẹn, khéo léo, sự nhạy cảm trong khâu ghi bàn của Văn Đức. Điểm yếu của Văn Đức là khả năng va chạm vì thể hình mỏng.
“Bù lại, Phan Văn Đức là cầu thủ chơi thông minh, chơi bóng bằng cái đầu. Điều này rất quan trọng. Bên cạnh đó, Văn Đức có sự lì lợm, có tham vọng khi ra sân. Vì vậy nên cậu ấy dứt điểm rất nhiều. Mỗi khi có cơ hội là Văn Đức xâm nhập vòng cấm và dứt điểm, chân trái, chân phải và có thể bằng đầu. Chơi tiền đạo là phải dám mạo hiểm, có mặt ở điểm nóng và khát khao như vậy.
Tại SLNA từ trước đến nay đã luôn xây dựng cách chơi này, Xuân Mạnh, Văn Đức và Trọng Hoàng thi đấu ở vị trí tấn công biên nhưng còn một vai trò khác nữa là phải có nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự khi mất bóng, lùi về chơi như một hậu vệ cánh. Ở giữa là tiền vệ, dâng cao là tiền đạo và lùi là hậu vệ. Để chơi được như vậy thì trước hết là cầu thủ phải có thể lực sung mãn, chịu khó và ý thức chiến thuật”, ông Thanh tâm đắc.
Nổi lên từ sớm một cách thần tốc, song điều quan trọng là chàng trai này vẫn biết giữ đôi chân trên mặt đất. “Tôi không muốn mình là tâm điểm, tôi chỉ là Đức ‘cọt’, vậy thôi. Được trao cơ hội là tôi sẽ chiến đấu hết mình, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của ban huấn luyện đề ra”, tiền vệ 22 tuổi từng chia sẻ.
HLV Nguyễn Đức Thắng đặc biệt khen ngợi thái độ tập luyện của Văn Đức trong màu áo SLNA: “Văn Đức là một cầu thủ cá tính. Mỗi khi Văn Đức ra sân, cậu ấy chỉ nghĩ đến việc chơi bóng. Tuyệt đối chỉ là trái bóng mà thôi, chứ không hề bị phân tâm bởi yếu tố bên ngoài. Tôi rất vui khi chứng kiến sự trưởng thành của Văn Đức qua từng ngày. Cậu ấy và đồng đội đã làm rạng danh lò SLNA, là niềm tự hào của bóng đá xứ Nghệ lúc này”.
Nhìn lại những hành trình đầu tiên, Phan Văn Đức không chỉ chinh phục HLV, đồng đội và những khán giả khó tính nhất bằng chính năng lực của mình mà còn là tính cách hiền lành, hồn nhiên của một chàng trai chân chất xứ Nghệ mới ngoài đôi mươi. Điều khiến cho người ta không thể ghét nổi Phan Văn Đức chính là một chàng trai giản dị, đi đâu cũng đặc sệt tiếng Nghệ. Khác với những ngôi sao U23 châu Á khác, Phan Văn Đức nói không với quảng cáo để không bị phân tâm, tập trung tối đa cho chuyên môn.
Cách đây 10 năm, trong một đêm Mỹ Đình vỡ òa cảm xúc, Lê Công Vinh – một cầu thủ xứ Nghệ điền tên mình vào thời khắc Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Năm nay, ĐT Việt Nam đang bách chiến bách thắng trên hành trình xưng vương tại khu vực. Biết đâu thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ vào chơi trận chung kết, đối thủ lại là Thái Lan và Phan Văn Đức là một trong số những người viết tiếp trang sử vàng cho bóng đá Việt Nam. Sân Mỹ Đình – nơi đã chứng kiến Văn Quyến, Công Vinh, Công Phượng tỏa sáng và hàng triệu người hâm mộ nước nhà đang đếm ngược thời gian chờ đợi đôi chân của Phan Văn Đức một lần nữa thăng hoa. Và không chỉ giải đấu này, tương lai của chàng trai xứ Nghệ vẫn đang rộng mở./.