PV: Xin chào nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh! Có phải như một số người nói, ca khúc “Vợ người ta” là bản hit mà từ đó công chúng, nhất là giới trẻ mới biết đến Phan Mạnh Quỳnh? Anh có thể cho Báo Nghệ An biết con đường đến với âm nhạc của mình, và những gì để có một Phan Mạnh Quỳnh thành công, nổi tiếng?
– Đúng là Quỳnh rất may mắn có được một ca khúc đến được với số đông người nghe nhạc trong năm 2015, trở thành một hiện tượng trong thời điểm đó – ca khúc “Vợ người ta”. Tuy nhiên, ca khúc này cũng đem đến cho Quỳnh những tranh cãi, nào là ca từ hơi “tầm thường”, nào là ca khúc chỉ dành cho dân mạng. Thế nên bản thân tôi sau đó đã phải nỗ lực rất nhiều để khẳng định lại chất Phan Mạnh Quỳnh vốn dĩ.
Trên thực tế “Vợ người ta” được viết sau 5 năm bắt đầu viết nhạc tương đối chuyên nghiệp, tính từ mốc 2011. Thời gian trước đó không hiểu sao tôi rất thiếu chất liệu và cảm hứng sáng tác, cộng với cuộc sống đô hội nơi “Sài Gòn hoa lệ” có phần ngột ngạt với tôi. Vì thế cuối năm 2014 tôi trở về nhà tại Diễn Châu, Nghệ An để được tắm lại tình yêu và hương vị quê hương. Về nhà tôi có viết được khoảng 6 ca khúc, trong đó có “Nước ngoài” và “Vợ người ta” đã giúp tôi có được sự ghi nhận theo những cách khác nhau.
Kể từ khi “Vợ người ta” thành hit thì tôi có làm thêm một số sản phẩm cũng gây được chú ý ít nhiều. Đặc biệt việc lọt vào chung kết cuộc thi “Sing My Song” đã đánh dấu một dấu mốc hành trình mới trên con đường âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh.
PV: Chúng tôi muốn trở lại câu hỏi, là Phan Mạnh Quỳnh đến với âm nhạc như thế nào, rất sớm, hay chỉ khi đã đến độ trưởng thành mới định hình và chắp cánh?…
– Từ nhỏ, ngay từ lúc tiếp xúc với những nốt nhạc đầu tiên, tôi đã có linh cảm mình sẽ theo âm nhạc. Ngay cả những năm cấp 3 thì tâm trí tôi vẫn cứ xoay quanh ý tưởng, giai điệu, rồi cầm bút gõ phách linh tinh trong các giờ giải lao. Kể cả khi mù mờ về đường hướng nghề nghiệp thì những mơ mộng vẫn cứ quy hướng về âm nhạc, kiểu như: tôi sẽ là một người kinh doanh có khả năng ca hát, tôi sẽ là người lái xe nổi tiếng vì hát một bài nào đó…
Thế rồi tôi quyết định vào TP. Hồ Chí Minh tìm cơ hội với ngành học của mình. À thế mà, như duyên nghiệp, nhạc nó lại vận vào tôi, theo tôi. Để rồi sau một vài ca khúc ban đầu tôi tự viết và thu âm phát trên trang cá nhân thì nhận được rất nhiều lời mời viết nhạc cho các ca sĩ đã thành danh. Rồi tôi theo nhạc như mọi người đã biết. Đấy, rất hồn nhiên, bản năng!
PV: Vậy là cơ duyên và cơ may đã cho công chúng một Phan Mạnh Quỳnh hôm nay? Với những ca khúc hit liên tục tạo sức hút trong giới trẻ và công chúng nói chung, người ta thường nhắc đến anh không chỉ là một hiện tượng mới về âm nhạc, về cách phát triển ca khúc và đề tài mà anh đang chuyển tải; người ta còn nói về anh như một xu hướng âm nhạc mới. Anh nghĩ sao về điều này?
– Thật ra âm nhạc của tôi là sự hội tụ của những phong cách âm nhạc mà tôi đã yêu thích, đã thấm vào mình, rồi từ đó phát triển thành một lối viết nhìn chung là cẩn thận, hướng về cái đẹp. Điều này không mang tính đột phá nhưng tôi nghĩ vẫn sẽ khiến cho khán giả yêu quý mình và đâu đó tìm được câu chuyện của họ trong tác phẩm mình viết.
PV: Người ta nhận xét rằng sau thiên hướng nhạc thị trường mà anh thường nói vui là sáng tác ngẫu hứng, thì âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh là thứ âm nhạc có chút hàn lâm, là âm nhạc kể câu chuyện về cộng đồng, về hiện tượng xã hội bằng ngòi bút văn học, khiến nó thật sự chạm đến cảm xúc người nghe, ai cũng thấy một phần con người mình trong đó!
– Tôi rất yêu văn học, ở đó có những câu chuyện của những con người ở các thời kỳ khác nhau, cho ta thấy sự kỳ diệu của từ ngữ, của ý tứ, của cách đặt vấn đề, của cách gửi gắm thông điệp và cảm xúc cá nhân của tác giả. Qua văn học, chúng ta có lẽ còn biết đồng cảm hơn với nhau. Cùng với đó, tôi tự thấy mình có khả năng cảm nhận khá tốt về hoàn cảnh của những người mà tôi tiếp xúc hoặc có ý muốn quan tâm, nên những câu chuyện trong một số tác phẩm tôi viết về mảng đề tài này có lẽ đã khá trọn vẹn.
– Chẳng hạn như ca khúc “Nước ngoài” tôi viết được khi trò chuyện cùng anh em bạn bè đồng trang lứa đã đi xuất khẩu lao động, ở đó có những chi tiết thật, những câu chuyện thật vì chính mình năm 2014 đã trở về quê mà rất ít bạn bè còn ở nhà. Một số ca khúc khác tôi cũng viết được bằng cảm xúc lúc đó cộng với suy niệm như “Ai cũng có ngày xưa”, “Bước qua thế giới”, “Miền gian khổ”…
PV: Và nữa, quê hương và những nét sinh hoạt nông thôn thời niên thiếu có phải là hành trang của Phan Mạnh Quỳnh và chính những hành trang đó đã làm nên những chất riêng cho các tác phẩm âm nhạc của bạn? Bạn có thể kể về những kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nhà Diễn Vạn – Diễn Châu?
– Có lẽ tôi có đầy đủ những trải nghiệm tuổi thơ của một đứa trẻ miền Trung đồng trang lứa, như là chứng kiến những ngày đầu trong làng có điện, có ti vi, xe máy. Đó là những ngày tháng tuổi thơ nghèo mà ăm ắp tình cảm khi mỗi ngày mưa lũ cả bố mẹ em phải vất vả vì nhà dột tứ bề, thế mà anh em chúng tôi thi nhau dô hò tắm mưa. Thế đấy, tuổi thơ nghèo mà vui. Đó chính là hành trang giúp ta có thêm nhiều vốn sống cho hành trình sáng tạo sau này.
PV: Cảm ơn Phan Mạnh Quỳnh về cuộc trò chuyện. Chúc anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp âm nhạc với hành trang ăm ắp tình cảm quê hương của một thời hoa niên như anh đã nói!