P.V: Chào anh! Tôi cũng như anh được coi là thế hệ hậu chiến. Nhưng chúng ta vẫn hiểu rõ chiến tranh đi qua để lại nhiều nỗi đau cho một dân tộc, để lại nhiều vết thương trên những thân thể con người. Thương binh là một trong những đối tượng gánh chịu nhiều đau đớn và thiệt thòi nhất trong và sau chiến tranh. Nhưng có một điều đáng nói, từng trải qua ranh giới sinh tử đã làm cho nhiều thương bệnh binh nhìn cuộc sống với một tấm lòng nhân ái và bao dung. Họ cũng chính là những người hiểu rằng sự hy sinh của mình và đồng đội sẽ trở nên vô nghĩa nếu như nó không mang lại một cuộc sống tươi đẹp cho thế hệ sau. Suy nghĩ của anh về nhận xét này như thế nào?
Anh Bùi Sỹ Hào: Cảm nhận về chiến tranh của những người thương binh, có lẽ là cảm nhận thật nhất, con người nhất. Bởi họ tham gia vào cuộc chiến thật sự và phải gánh chịu những vết thương trên cơ thể. Họ đau trong cuộc chiến và cả khi cuộc chiến đã vào dĩ vãng hàng chục năm thì vết thương đó vẫn còn đau. Trong quá trình tìm hiểu về tâm tư của những người thương binh, tôi đã được diện kiến nhiều người. Có lẽ người thân thuộc nhất với tôi là một thương binh ở gần nhà tôi mà tôi biết từ khi còn bé. Ông là thương binh 1/4, kinh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ở tuổi 96, hai tay phải chống hai nạng gỗ, nhưng ngày nào ông cũng đi lại, ghé thăm bà con hàng xóm. Nói về chiến tranh, ông kể: Năm 1946, vừa tròn 20 tuổi ông vào quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp ông 2 lần bị thương nặng trong đó có một lần suýt chết. Đến kháng chiến chống Mỹ ông lại tiếp tục ra trận và chịu thêm 4 lần bị thương nữa. Nhưng nỗi đau lớn nhất của ông là đã phải tự mình chôn cất cho nhiều đồng đội thân thiết…
Đến giờ nghĩ lại, ông nói vẫn không thôi ám ảnh vì sự khốc liệt của chiến tranh: “Khủng khiếp và tàn khốc, đó là chiến tranh. Nhưng đối với cuộc chiến vệ quốc của chúng ta, lớp lớp thế hệ đã lên đường cầm súng lao vào cuộc chiến một cách anh dũng, không sợ hãi trốn tránh. Thế hệ chúng tôi, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng, và vì bảo vệ Tổ quốc, nó thực sự thôi thúc mỗi người tình nguyện xung phong vào chiến trận… Nhưng thú thực, ai cũng là con người, đối diện với cái chết, có khi sau trận đánh đi nhặt từng mảnh xương thịt của đồng đội để mai táng, hoặc nhìn mà không kịp nhặt thì ai mà không bi thương, không có một phút chùng lòng?”.
Rồi có một thương binh chống Mỹ khác mà tôi biết. Ông này bị thương 7 lần và có lần suýt chết ở Quảng Trị, may mà được chuyển ra Bắc chữa trị kịp thời. Nói về sự ác liệt của chiến tranh, ông Ngọc kể lại rằng: Năm 1966, khi chưa tròn 20 tuổi ông cũng nhập ngũ. Thời các ông, đi bộ đội là cảm thấy vinh dự, ai cũng hăng hái tham gia, có những người không đủ tiêu chuẩn cũng cố gắng tìm cách để đi cho bằng được. Nhưng vào chiến trường thật sự mới thấy nó ác liệt, nhiều khi vượt quá sức chịu đựng của con người. Tháng 7/1972, ông bị thương nặng được chuyển ra Bắc điều trị. Trên đường di chuyển, bị địch phát hiện và thả bom, hai cô dân quân Quảng Trị kịp cáng ông xuống hầm rồi trở lên để lo cho người khác và không thấy họ quay lại. Ông nằm dưới hầm ngày rồi đến đêm, nghe côn trùng kêu, đói, khát, đau và nghe vết thương thối rữa. Mãi hôm sau khi có người tìm được và đưa ông lên thì ông mới biết hai cô gái đã hy sinh ngay sau khi đưa ông xuống hầm. Trò chuyện với tôi, ông nói thêm: “Trên chiến trường phải giành giật sự sống. Phải nhìn thấy sự ác liệt của chiến tranh, thấy đồng đội, nhân dân mình hy sinh nên sự căm thù kẻ địch trở thành sức mạnh để chiến đấu. Và khi đó, trong người luôn nghĩ kẻ thù cụ thể bên kia chiến tuyến, họ chiến đấu vì xâm lược, vì làm tay sai cho giặc Mỹ nên phải tiêu diệt chúng”.
PV: Ký ức chiến tranh, hay cho phép tôi gọi là “ám ảnh chiến tranh”, là vô cùng kinh khủng đối với những người lính trận. Chiến tranh nói chung không chỉ để lại những vết thương cho tất cả những người bị cuốn vào cuộc chiến đó, nó còn là vết thương ăn sâu vào một đất nước, một dân tộc, kéo lùi sự phát triển đến cả hàng chục, hàng trăm năm. Vậy nên, khi cuộc chiến kết thúc, làm sao để giảm nhẹ những vết thương cho những người phải chịu thiệt thòi cả cơ thể lẫn tinh thần từ chiến tranh, và cả giảm nhẹ vết thương của một dân tộc, đó là trách nhiệm của mọi con người…
Anh Bùi Sỹ Hào: Quá khứ không thể lãng quên nhưng cũng không thể mang gánh nặng quá khứ vào sự phát triển của hiện tại và tương lai. Vết thương của người thương binh sẽ theo họ đến hết cuộc đời, nhưng mà họ vẫn dùng lương tri và lòng nhân ái của mình để mong muốn làm dịu những nỗi đau của nhiều người, của dân tộc.
Ấy như cái ông thương binh mang 7 vết thương mà tôi đã kể. Nhà ông ở thành phố Vinh, nhà cửa, đời sống gọi là rất đơn sơ. Nhiều năm nay ông vẫn chạy xe ôm kiếm sống, hàng ngày vẫn bỏ ống một ít tiền để khi có điều kiện thì đi thăm đồng đội hay giúp đỡ những người không may mắn. Ông còn dành nhiều thời gian và tâm huyết đi sưu tầm tài liệu để viết về đồng đội, viết về những câu chuyện của thời chiến tranh. Gần đây, ông lại quan tâm đến viết những câu chuyện về những người bên kia chiến tuyến nhưng có những hành động tử tế với các tù nhân, các đồng đội của ông. Ông cho rằng chúng ta đã nói nhiều về sự tàn ác của kẻ thù trong chiến tranh, điều đó không sai nhưng nói quá nhiều và nhiều khi còn nói quá lên vô hình trung gây nên tâm lý thù hận lẫn nhau. Trong khi đó, thời chiến tranh cũng có những người họ có lương tri, đối xử tử tế với tù nhân bị bắt, hay giúp đỡ nhiều chiến sỹ trốn thoát… Những người này ít được nói đến. Và quan trọng hơn, cái cần nói đến là lương tri của mỗi con người. Chiến tranh làm cho nhiều người mất lương tri, nhưng không phải tất cả. Và cả khi không có chiến tranh thì cũng có những người đánh mất lương tri của mình. Nên hòa giải phải bắt đầu từ lương tri của mọi người, từ lòng nhân ái trong mỗi con người. Chúng ta phải khép lại quá khứ để mở rộng tương lai vì đất nước, vì dân tộc mà cha anh và chính mình đã không tiếc xương máu để bảo vệ.
Tóm lại, những người lính tham gia các cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta đã không ngại hy sinh để mong muốn cho con, em sau này sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Và chiến tranh đã qua, có vết thương sẽ không bao giờ lành, nhưng nếu khơi gợi lại vết thương thì nó càng đau đớn. Sống thật nhân ái, đó là cách để con người ta làm giảm nhẹ nỗi đau do vết thương chiến tranh để lại, và cũng là để hàn gắn vết thương của dân tộc bao nhiêu năm qua…
PV: Nói đến thương bệnh binh, tôi chợt liên tưởng đến một “binh chủng” rất đặc biệt là đội ngũ quân y, họ bám sát phía sau mỗi trận đánh, mỗi trận địa, trực tiếp lên chiến hào cáng thương binh, tử sỹ, có khi trực tiếp cầm súng chiến đấu… Bản thân tôi cũng đã được đọc, nghe nhiều câu chuyện về chiến tranh, các trận chiến mà những người lính trận bị đạn bom quân thù vùi dập, bị trọng thương, đã được quân y cứu chữa, ngoài làm dịu nỗi đau thể xác thì chính các y bác sĩ quân y là người đầu tiên giúp các thương binh dịu lại nỗi đau, sự khủng hoảng nhất định về tinh thần. Được biết anh cũng đã tiếp cận tìm hiểu về các cựu binh – thầy thuốc trong chiến tranh. Anh có thể kể gì về họ?
Anh Bùi Sỹ Hào: Đúng như anh nói. Nhưng ở đây tôi muốn đề cập thêm ở một khía cạnh khác. Trong một trận đánh, bị thương dù ở phe nào thì cũng đều gọi là thương binh. Trên chiến trường, tìm mọi cách tiêu diệt địch và giành chiến thắng để bảo vệ Tổ quốc là điều tất yếu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng cũng trên chiến trường, sẵn sàng băng bó vết thương cho chính những kẻ thù của mình ở bên kia chiến tuyến thì có lẽ chỉ có những bác sĩ chân chính với tấm lòng nhân ái bao la mới làm được. Và đó cũng là câu chuyện có thật của GS Nguyễn Thúc Tùng, một người con của quê hương xứ Nghệ, một cây đại thụ của nền y học nước nhà thế kỷ XX.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y tại Hà Nội vào năm 1945, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng tham gia cách mạng. Tháng 6/1946, ông được cử vào công tác tại mặt trận Nam Trung Bộ. Đầu tháng 7/1949, ông cùng các đồng đội, đồng nghiệp tham gia trận đánh Ninh Mã ở Phú Yên. Để phục vụ chiến dịch và đảm bảo công tác quân y được thuận lợi, Nguyễn Thúc Tùng đã cùng với một số y, bác sĩ khác trong trạm mổ quyết tâm đi cùng các chiến sĩ ra mặt trận để có thể kịp thời chữa trị cho các thương binh. Đó là một nguồn động viên rất lớn cho các chiến sĩ có thêm động lực và yên tâm chiến đấu hơn.
Trận Ninh Mã thắng lớn, tiêu diệt gần hết hỏa lực của địch và cướp được nhiều vũ khí, đạn dược. Sau khi kết thúc trận đánh, ông cùng các đồng đội được phép rút lui dần để đảm bảo an toàn. Trên đường rút lui, Nguyễn Thúc Tùng và một vài đồng chí đã gặp một trường hợp vô cùng khó xử: gặp một lính Pháp bị thương đang nằm bên đường. Sau phút do dự, ông đã lấy dụng cụ y tế ra băng bó vết thương cho người lính Pháp trong sự ngỡ ngàng của cả người lính lẫn người đồng chí của mình. Xong xuôi, ông bảo với người lính Pháp rằng: “Người Pháp sang xâm lược nước chúng tôi là có tội, nhưng vì lòng nhân đạo, chúng tôi không giết các anh đâu. Tôi đã băng bó các vết thương, anh cứ yên tâm nằm đây, lát nữa quân lính của các anh ở trên đồn sẽ đưa anh về…”. Lúc ông băng bó cho người lính Pháp thì có một chiến sỹ đi cùng đã chụp được một bức ảnh về câu chuyện này. Bức ảnh này được chính GS Nguyễn Thúc Tùng lưu giữ và sau này tặng cho một trung tâm bảo tồn di sản các nhà khoa học. Câu chuyện của GS Tùng băng bó cho chính kẻ địch của mình cũng được nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng hiểu được nội tâm của người bác sĩ, người chiến sỹ khi đối xử với chính kẻ địch của mình như vậy.
Thời kỳ chiến tranh, câu chuyện về các người lính – y bác sĩ điều trị cho những người bên kia chiến tuyến bị thương thực ra không phải là xa lạ hay hiếm thấy. Và câu chuyện của GS Nguyễn Thúc Tùng tôi cho là điển hình cho phẩm chất, tinh thần bao dung bác ái của lực lượng quân y trực tiếp tham chiến của chúng ta…
PV: Vâng, nhưng để khỏi lạc đề, xin được trở lại câu chuyện về các thương binh. Anh có thể nói ngắn gọn nhất cảm nhận của mình về họ?
Anh Bùi Sỹ Hào: Trong nhiều cuộc trò chuyện với các cựu chiến binh, thương bệnh binh, họ giúp tôi nhận ra rằng: Chỉ có tình yêu thương, lòng nhân ái mới tạo ra được khối đoàn kết toàn dân, tạo ra được động lực để phát triển đất nước. Đất nước ngày càng giàu mạnh, người dân ngày càng ấm no thì mới chứng minh được những sự hy sinh của các liệt sỹ, các thương binh là có giá trị. Và đó là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam tiếp nối truyền thống của ông cha đi trước. Cần làm tất cả những gì có thể để đau thương, mất mát trong quá khứ trở thành động lực cho tương lai!
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!