Có thể thấy rằng, với một địa phương có tới 82 km bờ biển, việc phát triển kinh tế biển là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Nghệ An. Chỉ tính riêng trong năm 2021 lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trong địa bàn toàn tỉnh đã tăng 0,7% theo hướng nuôi trồng các loại có giá trị kinh tế cao và phát triển đánh bắt xa bờ; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 245.000 tấn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch biển, nhất là tại các địa phương như TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu ngày càng khẳng định vai trò hướng về phía biển trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bảo vệ môi trường là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Vì vậy, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch. Phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống và sức khỏe của con người.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho biết: Đối với việc xả rác bừa bãi ra môi trường biển, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an, các tổ dân cư tăng cường kiểm tra và thực tế cũng đã phát hiện được một số trường hợp, đã tiến hành xử phạt. Sắp tới sẽ lắp đặt camera tại các khu vực thường xuyên có tình trạng xả rác bừa bãi giám sát, xử lý kịp thời các tình huống. Đối với việc rác các loại hải sản, vỏ ốc đổ tràn lan tại xung quanh cảng cá, chúng tôi đã chỉ đạo thu gom, vận chuyển đi nơi khác nhưng thực chất, việc xử lý rất khó vì vào chính vụ, lượng vỏ ốc rất lớn trong khi về tàu thuyền lại về không có giờ cố định, việc đổ vỏ ốc diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch UBND xã Diễn Thành thì cho rằng: Trước tình trạng ô nhiễm vùng biển Diễn Thành, huyện Diễn Châu đã bố trí kinh phí 150 triệu đồng để địa phương triển khai thu gom. Hiện nay, xã cũng đang lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng thu gom, xử lý rác lâu dài tại bãi biển Diễn Thành. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, hộ kinh doanh về việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan trong lành phục vụ du khách.
Đặc biệt, mùa du lịch đang đến gần, việc đảm bảo môi trường biển sẽ giúp tạo nên hình ảnh sạch đẹp trong mắt du khách, góp phần thu hút du lịch. Hiện nay, tại TX. Cửa Lò, Quỳnh Lưu đã đón khách du lịch trở lại, các địa phương này cũng rất quan tâm đến việc giữ gìn môi trường biển.
Tại TX. Cửa Lò, địa phương này đã xây dựng được những bãi cát dài đầy hoa cúc biển. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như xử lý nghiêm đối với những trường hợp làm ô nhiễm môi trường biển. Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND TX. Cửa Lò cho biết: Hiện tại, thị xã đã bố trí lại các địa điểm kinh doanh ẩm thực, trả lại sự thông thoáng cho bờ biển. Đồng thời, quy định rõ về giờ bán và giờ thu dọn, vệ sinh môi trường, không để tình trạng sử dụng các điểm kinh doanh để ở và sinh hoạt. Các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực cũng phải ký cam kết sau khi hoạt động phải vệ sinh sạch sẽ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và áp lực của sự bùng nổ dân số liên tục ở các địa phương ven biển đã làm gia tăng nhu cầu việc làm, đất đai. Tuy nhiên, do không quản lý, kiểm soát chặt chẽ dẫn đến gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Theo ông Nguyễn Anh Văn – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, để giảm áp lực ô nhiễm môi trường biển thì hiện nay hướng mở là chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lực lượng lao động. Tại TX. Hoàng Mai, hiện nay Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 và Hoàng Mai 2 đang được đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Một khi áp lực về việc làm của người dân khu vực ven biển được giải toả thì sẽ giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là liên quan đến hoạt động nuôi tôm tự phát.
Ông Hồ Phan Long – Trưởng phòng Nước, biển và hải đảo, Sở TN&MT Nghệ An cho biết: Nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, sở cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên quan trắc định kỳ và ghi chép số liệu cụ thể để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Từ đó, kịp thời cảnh báo để xử lý nhanh chóng và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường tốt nhất.
Tuy nhiên, để môi trường biển được trong sạch, theo ông Long, chính quyền các địa phương ven biển cũng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xả thải không qua xử lý xuống biển. Tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, xử phạt xong lại tiếp tục xả thải, làm ảnh hưởng đến môi trường và tính nghiêm minh của pháp luật. Vì thế, cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi cố tình hay không chấp hành luật pháp của Nhà nước. “Ngoài ra, cần quy hoạch hoạt động đánh bắt thủy, hải sản theo các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề,… để tránh tình trạng khai thác tràn lan, không phù hợp và khó quản lý như hiện nay” – ông Long nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quan trắc, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho rằng, bên cạnh việc xây dựng hệ thống hạ tầng kênh, mương, bể lắng để xử lý nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường, cần phải chuẩn bị một số nguyên liệu có khả năng khử độc, khử khuẩn có nguồn gốc từ thiên nhiên như vôi, than hoạt tính để làm sạch môi trường. Xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến hải sản một cách hợp lý. Các khu vực đặt nhà máy chế biến, nuôi trồng thuỷ sản cần phải xây dựng được hệ thống bể lắng để xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Một số chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng bộ quy chế về phí, lệ phí liên quan đến xử lý ô nhiễm, xả thải ra môi trường biển, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường biển. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2013 có 4 điều quy định về bảo vệ môi trường biển nhưng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo còn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển thông qua việc đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương, nhất là những địa phương có điểm nóng về ô nhiễm môi trường biển.
Ngày 21/6/2021, Quốc hội khoá 13 đã thông qua Luật Biển Việt Nam, trong đó xác định nguyên tắc phát triển kinh tế biển một cách bền vững nhằm phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Luật cũng đã xác định cụ thể các vùng bờ biển dễ bị tổn thương như bãi bồi, vùng bờ biển xói lở, rừng phòng hộ, đất ngập nước, cát ven biển, xác định vùng đệm và có các giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp.
Rõ ràng, môi trường biển sạch là nền tảng tạo nên nguồn thủy sản an toàn và dồi dào, nó còn là tiền đề để phát triển nền kinh tế biển, du lịch biển bền vững, đồng thời là động lực để cải thiện sinh kế và giúp cho đời sống ngư dân ngày càng ấm no.