Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; mật độ dân số tại các khu dân cư ven biển cao, trong khi đó trình độ dân trí thấp, nhiều chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường còn bất cập… Điều này dẫn đến việc dù nhận thấy việc vi phạm liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường nhưng không thể xử lý dứt điểm.
Anh Nguyễn Quốc Hùng, quê xã Diễn Nguyên (Diễn Châu), hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết: Vào dịp hè anh thường đưa cả gia đình về quê, vừa thăm gia đình, anh em bạn bè, vừa cho con cái đi nghỉ ngơi, tắm biển. Trước đây mỗi lần về, anh rất thích đưa gia đình xuống biển Diễn Thành vì vừa gần nhà, lại mong giúp ích cho sự phát triển của quê hương. Thế nhưng mấy năm gần đây, biển Diễn Thành bị ô nhiễm, lần nào về cũng thấy rác nên biển quê kém hấp dẫn, gây lo lắng cho du khách.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, xã Diễn Phúc (Diễn Châu) thì chia sẻ: Nhà tôi cách biển Diễn Thành chỉ 5km nên chiều nào cũng ra biển tập thể dục, hóng mát. Tuy nhiên, bãi biển lớn nhất huyện Diễn Châu bị ô nhiễm thì bản thân mình là người bản địa cũng cảm thấy không muốn xuống biển để vui chơi. Du khách cũng sẽ cảm thấy không hài lòng khi thấy cảnh biển như vậy mà thôi, việc vắng khách cũng là điều tất yếu…
Du lịch biển mất đi sức hút với người dân đã đành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà nghỉ, khách sạn tại khu vực xã Diễn Thành (Diễn Châu) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài những dự án du lịch phải bỏ không vì du khách chê biển bẩn, Diễn Châu đã mất đi những lợi thế không nhỏ khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển không được cải thiện. Được biết, dù đã bước vào mùa du lịch nhưng huyện Diễn Châu đã không có ý định tổ chức khai trương mùa du lịch, phần vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một phần là do tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: cứ vào mùa du lịch huyện lại giao cho địa phương cùng các tổ chức chính trị, xã hội tham gia làm sạch biển Diễn Thành. Tuy nhiên, việc làm này là không xuể khi mà xung quanh khu vực này có nhiều nhiều cửa sông, cửa lạch, hàng ngày mang theo nhiều rác thải, bèo tây trôi xuống biển, sau đó bị gió đánh dạt vào khu du lịch Diễn Thành.
Ông Luyện cũng thừa nhận, nếu so với các huyện (trừ TX. Cửa Lò) thì Diễn Châu có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch biển, bởi vì từ trung tâm của huyện đi xuống biển chưa đầy 5km. Hiện nay hướng phát triển của địa phương là hướng về phía biển để phát huy tiềm năng, lợi thế của tuyến đường quốc gia ven biển sắp sửa khởi công. Tuy nhiên, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường biển không được cải thiện thì sẽ rất khó có thể phát triển được.
Việc môi trường ven biển bị ô nhiễm đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó rõ ràng nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng biển. Ông Nguyễn Văn Nam, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bức xúc: “Việc môi trường biển bị ô nhiễm đã ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao khiến các loại rác thải, xác hải sản bốc mùi hôi tanh, ở trong nhà lúc nào cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi khó chịu, ăn uống không ngon. Nhiều khi có anh em, họ hàng xa từ các nơi về thăm cũng ái ngại, chưa kể đến việc phát sinh ra các bệnh tật vì sống trong môi trường ô nhiễm lâu dài…”.
Ngoài việc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân gắn với biển cũng bị vạ lây. Thực tế rõ nhất chính là tại khu vực 3 xóm Đồng Thanh, Đồng Minh và Tân Minh của xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), khi ban đầu chỉ mới có một vài hộ nuôi tôm, môi trường chưa bị ô nhiễm, con tôm đã đem lại nguồn thu nhập cao. Thế nhưng mấy năm gần đây, nước biển bị ô nhiễm, dẫn đến tôm bị mắc bệnh, bị chết, khiến nhiều hộ gia đình đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở Quỳnh Lập đang phải gánh trên lưng số nợ hàng tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Đồng – Xóm trưởng xóm Tân Minh (Quỳnh Lập) thở dài ngao ngán khi con trai mình bị thất bại mấy vụ tôm liên tiếp. Ông Đồng bảo, sắp tới chắc cũng phải bán nhà trả nợ. Mà nhà cửa cũng dễ gì bán được khi đất đai đang nằm trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp.
Tại khu vực xã Quỳnh Xuân phía Nam TX. Hoàng Mai, lâu nay nghề nuôi tôm tương đối phát triển. Tuy nhiên, khu vực này lại nằm giữa 2 cửa lạch, đó là Lạch Cờn từ phía Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) và Lạch Quèn từ phía Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Khi thủy triều lên xuống, thay vì nước thải theo con sông Mơ thoát ra biển thì lại bị 2 cửa lạch dồn nước bẩn đi sâu vào đất liền, lên đến tận vùng nuôi tôm của người dân gây bệnh cho tôm làm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, năm 2021, nước biển ven bờ đã có biểu hiện ô nhiễm TSS (Total Suspended Solids – tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ (chất ô nhiễm do chất thải động vật, nước cống…), F- và Fe (nước bị nhiễm sắt). Ô nhiễm TSS xuất hiện tại một số điểm nước biển ven bờ vùng bãi tắm; Ô nhiễm NH4+, F- và Fe xuất hiện tại một số điểm nước biển ven bờ vùng cửa lạch, cửa sông và vùng bãi tắm.
Đáng lưu ý, ô nhiễm NH4+ xuất hiện tất cả các đợt quan trắc trong năm tại một số điểm vùng cửa lạch, cửa sông và nhiều nhất vào đợt II – tháng 3/2021 với 4/7 điểm quan trắc (B2 – Lạch Cờn, cửa sông Hoàng Mai lấy tại cầu Quỳnh Phương; B5 – Lạch Quèn, cửa sông Mai Giang; B6 – Lạch Thơi, cửa sông Thái; B7 – Lạch Vạn, cửa sông Bùng) vượt quy chuẩn cho phép, với mức vượt dao động từ 1,12 đến 1,96 lần. Trong đó đáng chú ý tại điểm B6 – Lạch Thơi, cửa sông Thái có 4/4 đợt quan trắc đều cho Fe vượt quy chuẩn, dao động từ 1,18 – 1,96 lần.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quan trắc, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho rằng, với những kết quả quan trắc này cho thấy nước biển ven bờ ở Nghệ An đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính được xác định là do ô nhiễm môi trường, tình trạng xả rác, xả nước thải chưa qua xử lý một cách bừa bãi ra môi trường. Một khi điều này không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra hệ lụy rất lớn, trước hết là cho ngành chăn nuôi thủy, hải sản, sau nữa là du lịch và đặc biệt hơn có thể gây hại cho con người khi tiếp xúc lâu dài với môi trường nước biển bị ô nhiễm.
Thực tế trong năm 2021, bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 71 đầm ở 7 phường, xã thuộc 4 huyện, thành, thị (TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc). Tổng diện tích bị bệnh 23,77 ha, trong đó: Bệnh đốm trắng 8,1 ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 13,73 ha; tôm chết không rõ nguyên nhân 1,94 ha. Diện tích tôm bị bệnh tập trung chủ yếu ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh là TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.