Tại xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) có 3 thôn (Đồng Thanh, Đồng Minh và Tân Minh) nằm trong quy hoạch KCN, thế nhưng hiện nay nhiều hộ dân đã đào ao nuôi tôm tự phát. Nước thải hồ nuôi hầu hết không qua xử lý mà đổ thẳng ra khe, mương nhỏ rồi chảy ra biển, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khu vực nuôi tôm tự phát ở đây không theo một quy hoạch nào, kích thước lớn bé nằm san sát nhau. Giữa cái nắng hanh hao, một mùi tanh bốc lên nồng nặc.
Theo tổng hợp của Sở TN&MT, khu vực này có đến 44 trường hợp nuôi tôm, trong đó có 1 doanh nghiệp và 43 hộ gia đình, cá nhân. Nhưng có đến 39 cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhiều trường hợp phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND thị xã Hoàng Mai phê duyệt, nhưng chưa thực hiện theo quy định. Chưa kể, hầu hết các trường hợp nuôi tôm đã không thực hiện việc quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, vì thế các loại chất thải này đã được xả thẳng ra môi trường.
Ông Hoàng Văn Đồng – Trưởng thôn Tân Minh cho biết: Người dân không có công việc ổn định, đi xuất khẩu lao động thì gặp mùa dịch nên đã quay về nuôi tôm. Vì diện tích chật hẹp, không đủ đất để làm hệ thống xử lý nước thải, nên phải xả ra các kênh mương rồi đổ ra biển.
Nhiều chủ cơ sở nuôi tôm tại đây đã bị xử phạt, vì gây ô nhiễm môi trường, cụ thể năm 2019, UBND thị xã Hoàng Mai xử phạt cơ sở nuôi tôm ông Trần Xuân Ủy (thôn Tân Minh); UBND xã Quỳnh Lập cũng đã xử lý vi phạm hành chính 17 trường hợp, tạm giữ 16 lượt máy múc, 1 máy ủi, 1 máy đào với số tiền phạt hơn 71 triệu đồng. Tuy vậy cho đến thời điểm này, tình trạng nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Theo ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, mặc dù địa phương đã nhiều lần yêu cầu dừng hoạt động nuôi tôm nhưng người dân không chấp hành. Nếu xử phạt vi phạm hành chính trong thẩm quyền của UBND xã thì người dân vẫn nộp, nhưng sau đó lại tiếp tục nuôi.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/8/2021 Tổ công tác liên ngành do Sở TN&MT chủ trì đã có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát về việc một số người dân đào ao nuôi trồng thủy sản tại xã Quỳnh Lập và chỉ rõ việc UBND thị xã Hoàng Mai chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm để xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Anh Văn – Phó Chủ tịch UBND TX.Hoàng Mai cũng thừa nhận, việc để tự phát nuôi tôm một phần là do chính quyền cơ sở yếu kém. Vì tự phát nên không được đầu tư, không được quan tâm, mạnh ai nấy chạy dẫn đến ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc ngay lập tức phải hoàn trả mặt bằng là rất khó, mà phải giải quyết từng bước.
Tại xóm Đức Long, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), thời gian gần đây, người dân hết sức bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy chế biến bột cá của Công ty TNHH Thuỷ sản Bắc Miền Trung. Người dân nơi đây cho biết, vào mùa chế biến, mỗi khi nhà máy này hoạt động thì mùi hôi thối lại bốc lên nồng nặc.
Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy chế biến bột cá này nằm ngay bên cạnh lạch Quèn, thời điểm chúng tôi có mặt thì phía sau nhà máy đang có hiện tượng nước rỉ của đường ống chảy ra đen ngòm và bốc mùi nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm không phải mới xuất hiện, trước đó, vào ngày 11/12/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra, và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty này. Ngày 10/01/2022, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thủy sản Bắc Miền Trung với số tiền 60 triệu đồng. Trong đó, nội dung vi phạm là thải khí thải, nước thải có chứa thông số thông thường vượt quy chuẩn về chất thải vào môi trường.
Mới đây nhất, vào ngày 23/3/2022, Phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu cũng đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của đơn vị này. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra, công tác vệ sinh môi trường tại khuôn viên nhà máy chưa sạch sẽ, vẫn còn phát sinh mùi. Hệ thống mương thu gom nước mưa chảy tràn, nước thải sản xuất chưa đảm bảo.
Tại huyện Nghi Lộc và TX.Cửa Lò, các địa phương phía cuối nguồn sông Cấm lâu nay đang đứng trước nỗi lo lắng cho môi trường biển bởi tình trạng nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên chưa được xử lý triệt để, mỗi khi mưa xuống lại chảy ra sông Cấm.
Ông Nguyễn Bá Điệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, tình trạng ô nhiễm do nước rỉ rác của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đã xảy ra trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để. Nhất là những khi mưa xuống, nước mưa chảy tràn lên bề mặt rồi theo những con mương nhỏ đổ ra sông Cấm. Sau đó nước lại chảy qua Bara Nghi Quang rồi đổ ra biển.
Ông Điệp cũng cho biết, phía địa phương cũng đã chỉ đạo các xã có sông Cấm đi qua, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình chăn nuôi. Vào năm 2021 trên địa bàn các xã Nghi Thiết, Nghi Tiến đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Tại vùng biển huyện Diễn Châu, điểm ô nhiễm rõ ràng nhất là khu vực cảng Lạch Vạn. Suốt chiều dài bờ lạch, rác thải chất thành dãy dài, bốc mùi hôi thối. Rác thải tại đây không chỉ là xác thủy, hải sản mà còn có cả rác sinh hoạt, rác xây dựng. Khu vực rừng bần dọc đê biển tại khu vực này cũng dày đặc các loại bao bì, túi ni lông.
Bà Nguyễn Thị Vân, người dân xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Thực trạng ô nhiễm vùng biển tại cảng Lạch Vạn đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào mùa nắng nóng, mùi hôi tanh của xác hải sản, rác thải sinh hoạt bốc lên khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn…”.
Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực cảng Lạch Vạn bị ô nhiễm, trong đó rõ nhất là việc sục rửa tàu thuyền trực tiếp tại cảng mỗi khi về bến, nước thải đổ trực tiếp ra cửa lạch. Đối với xác hải sản, đặc biệt là vỏ ốc, vỏ sò bị ngư dân đổ thành từng đống tràn lan khu vực cảng nhưng không được thu gom, xử lý kịp thời. Ngoài ra, mặc dù đã có quy định bỏ rác thải theo ngày tập kết tuy nhiên nhiều người dân thiếu ý thức vẫn cố tình đổ trộm vào giờ thấp điểm, khiến khu vực Lạch Vạn ô nhiễm trải dài hơn 1 cây số.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cũng xác nhận có tình trạng người dân vứt rác bừa bãi xung quanh cửa lạch gây ô nhiễm nặng. Dù đã quy định giờ tập kết rác, tuy nhiên nhiều người thiếu ý thức vẫn vứt rác bừa bãi, địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt tuy nhiên tình trạng đổ trộm rác thải, vẫn thường xuyên xảy ra vào giờ thấp điểm nên việc bắt quả tang rất khó khăn. Mặc dù hàng năm xã đều hợp đồng với công ty môi trường để thu gom với tổng kinh phí là 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu của dân để chi trả dịch vụ môi trường đều không đủ.
Cách cảng cá Lạch Vạn chưa đầy 10 cây số là bãi biển Diễn Thành – điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn huyện Diễn Châu, bị rác tấp thành bãi dài vây lấy bờ biển, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch UBND xã Diễn Thành thì lượng rác lớn không phải do người dân trên địa bàn vứt bừa bãi mà do mỗi khi mở cống ba ra nên rác từ các xã bãi ngang như Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim… theo dòng nước đổ ra biển rồi dạt về Diễn Thành. Hàng năm, xã đều huy động các tổ chức, đoàn thể, ra quân tổng dọn vệ sinh vùng biển, nhất là trước mỗi mùa du lịch, tuy nhiên vẫn không thể xử lý dứt điểm được.
Năm 2021, chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ tại các cửa sông, cửa lạch và bãi biển tỉnh Nghệ An được tiến hành 4 đợt vào các tháng 1, 3, 5 và 7 tại 7 điểm quan trắc. Kết quả cho thấy, nước biển ven bờ đã có biểu hiện ô nhiễm. Trong đó có 4 điểm bị ô nhiễm nặng nhất là Lạch Cờn thuộc phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai); Lạch Quèn thuộc xã Tiến Thủy và Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), Lạch Thơi thuộc xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) và Lạch Vạn thuộc các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn (Diễn Châu).