– Chị được công chúng tôn vinh là một trong những diva hàng đầu của Việt Nam, chị có thể cho biết con đường âm nhạc của chị ngay từ bé được “định hình” như thế nào trong một gia đình làm nghệ thuật?
NSƯT Thanh Lam: Như mọi người đã biết, tôi sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ sỹ đàn tranh Thanh Hương, bố là nhạc sỹ Thuận Yến. Từ nhỏ tôi đã được tắm trong không gian nghệ thuật và dòng máu nghệ sỹ. Tôi sớm được bố mẹ định hình theo nghệ thuật từ rất sớm, và theo bộ môn đàn tỳ bà. Ít ai ngờ tôi học chuyên sâu bộ môn này tới hơn 10 năm, nhưng đùng cái tôi chuyển sang thanh nhạc và chọn cho mình hướng đi này từ năm 15 tuổi.
– Vâng, là ca sỹ chứ không phải là một nghệ sỹ biểu diễn tỳ bà, vậy mẹ chị có hối tiếc những năm tháng chị miệt mài theo đuổi bộ môn này không?
NSƯT Thanh Lam: Mẹ tôi là nghệ sỹ đàn tranh và bà được đào tạo bài bản trong trường Âm nhạc quốc gia. Từ bé bố mẹ đã mong muốn tôi đi theo con đường của mẹ, bởi lẽ mẹ tôi được học đàn tranh cũng là từ mong muốn của ông ngoại tôi. Ông ngoại là một người Nghệ nho nhã, ngay từ thủa bé mẹ tôi đã được ông ngoại định hướng theo học đàn dân tộc, được ông gửi ra Hà Nội để được đào tạo bài bản, vì ông sớm nhìn thấy chất nghệ sỹ, năng khiếu thiên bẩm của bà.
– Chắc hẳn từ bé chị đã được mẹ kể nhiều về ông ngoại, về những tình yêu nghệ thuật âm thanh mà ông thắp sáng cho bà. Ấy, là từ thời người ta còn ăn chưa đủ no, dân ta còn “đói kém” về con chữ,…
NSƯT Thanh Lam: Mẹ tôi sinh ra ở vùng quê được mệnh danh là đất học của xứ Nghệ, bà lại may mắn được sinh ra trong gia đình “gọi là có” ở thời đó. Bởi ông ngoại tôi còn là một thợ may có tiếng của vùng, lại kiêm nghề bốc thuốc, nên ông sớm cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Nhưng ngay cả người dân khá giả trong vùng thời ấy cũng ít ai ngờ ông lại cho con gái mình theo học nghệ thuật mà lại gửi ra tận Hà Nội để đeo đuổi con đường này. Ấy thế mà người con gái cưng nhất của ông lại được sớm thụ hưởng tinh thần canh tân của cha mình.
Tôi còn nhớ mẹ kể cho nghe nhiều về những tư tưởng của ông ngoại, cách ông dạy dỗ con cái đặc biệt là những người con gái của ông như mẹ tôi, dì tôi. Đó là trước hết phải trau dồi tinh thần kẻ sỹ của một người Nghệ, trau dồi tinh thần ham học hỏi, chí tiến công trong cuộc sống, thắng không kiêu, bại không nản. Thế nên ít nhiều chúng tôi được bà truyền thụ cho cách ứng xử này, ít nhiều chúng tôi cũng được thụ hưởng tinh thần người Nghệ, luôn học hỏi trau dồi dù trong bất cứ hoàn cảnh, giai đoạn nào của cuộc đời.
– Vậy để có được những thành công ban đầu, chị đã tôi luyện như thế nào trong môi trường nghệ thuật, với chị nó có phải là con đường đã có ánh hào quang chói lọi, đã có những vòng nguyệt quế ở trước mắt?
NSƯT Thanh Lam: Hoàn toàn không, ngay khi tôi được tôi luyện trong trường Nhạc trung ương tôi đã luôn ý thức rằng mình không phải có chất giọng vô cùng đẹp, chạm ngay đến tâm can người nghe. Thế nên lúc nào tôi cũng đặt mục tiêu phải đạt được những thành quả, phải có giải thưởng. Vì thế tôi học hỏi rèn luyện, tìm tòi khám phá rất nhiều. Tôi vẫn luôn mong muốn mình chạm được những dấu mốc, bằng những đánh giá chuyên môn của những người làm chuyên môn.
Ở Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc năm 1992 tôi là một trong những người đầu tiên đăng ký dự thi, và lượng thí sinh dự thi nhiều lắm, họ cũng là những thí sinh đã có va chạm sân khấu nhiều. Trong quá trình tập luyện dù được đánh giá là khá nổi trội, nhưng tôi luôn nỗ lực hết mình để có phần thi tròn đầy nhất về cảm xúc lẫn nội lực trong giọng hát. Và ở nấc thang quan trọng đó tôi đã giành giải Nhất, với số điểm gần như tuyệt đối với bài “Chia tay hoàng hôn” của ba tôi – nhạc sỹ Thuận Yến. Thành quả bước đầu nó là nền móng quan trọng cho sự nghiệp sau này.
Có thể bạn may mắn khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, may mắn nữa khi bạn có giải thưởng lớn khi còn trẻ nhưng nếu bạn không nỗ lực trong lao động và sáng tạo nghệ thuật sẽ không bao giờ vượt qua chính mình. Không vượt được cái bóng của mình thì bạn thất bại trước. Đó chính là tinh thần mà tôi đã tự sản sinh cho mình, tự đặt áp lực cho mình trong chặng đường hoạt động nghệ thuật.
– Nói cách khác đó, cũng chính là tinh thần của con gái một nghệ sỹ người Nghệ?…
NSƯT Thanh Lam: Đúng rồi, không hiểu sao từ nhỏ mỗi lần được về quê với mẹ, được tiếp xúc và tắm mình trong không khí của làng quê xứ Nghệ tôi thấy yêu thích vô cùng. Đó là cảm giác được trở về, được gặp gỡ những nét tính cách gần gũi, được sống trong vòng tay yêu thương của những người cậu, người dì nơi quê hương làng Quỳnh của mẹ.
– Dạo này truyền thông hay nói về chị rằng, người đàn bà hát đang hạnh phúc trong tình yêu, nên âm nhạc của Thanh Lam đằm thắm hơn nhiều ở độ tuổi ngoài 50. Chị nói gì về điều này?
NSƯT Thanh Lam: Đúng rồi, tình yêu làm cho chúng ta được thăng hoa, được bình an, và nó là một phần tất yếu trong cuộc sống, nó làm cho chúng ta thăng bằng trong một mặt phẳng không gian và khi thăng bằng tốt, chúng ta làm gì cũng thăng hoa!
Còn về âm nhạc mỗi giai đoạn tôi chọn cho mình một cách đi, khán giả của tôi luôn thấy những chuyển động trong chặng hành trình đó, đó là sự nổi loạn, sự phá cách hay sự đằm thắm đều có cơ duyên, đều có lý lẽ của nó.
– Một câu hỏi cuối cùng, chị có thể “bật mí” về những dự định tương lai?
NSƯT Thanh Lam: Tôi đang có một vài dự án âm nhạc, và mọi người sẽ sớm biết điều này. Và tất nhiên sẽ có những dự án không phải là âm nhạc mà là những chương trình thiện nguyện hướng về quê nhà, xứ Nghệ quê tôi. Tôi sẽ lại về làng Quỳnh để được gặp gỡ các dì, các cậu, được tắm mát trong dòng sông tuổi thơ mà tôi luôn muốn được trở về!
– Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!