Vừa nhận được tin là 1 trong 3 nghệ sĩ của Nghệ An được vinh danh NSƯT, Quế Thương cho biết, đó là quả ngọt với những phấn đấu không ngừng nghỉ trong bao năm tháng làm nghề. Với Quế Thương, ca sĩ chỉ có giọng hát trời phú là chưa đủ, mà còn cần rèn luyện để có được kỹ thuật tốt, nhạc cảm tinh nhạy, để khi thể hiện tác phẩm, có thể chuyển tải được tốt nhất tinh thần của tác giả, kể được câu chuyện âm nhạc và truyền cảm xúc cho người nghe.
Bởi tâm niệm ấy, nên Quế Thương luôn được khán giả yêu cầu hát đi hát lại một số tác phẩm mà cô hát thành công, điển hình như “Xa khơi”, “Tàu anh qua núi”, hay “Đất nước tình yêu”. Những ca khúc này đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi thể hiện, song nghe Quế Thương hát vẫn cảm nhận được hơi thở tươi mới, vẫn da diết truyền cảm, cuốn hút lạ kì. Nhạc sỹ, NSND Hoàng Thành có lần từng nói: Quế Thương là ca sĩ hiếm hoi có thể hát ngọt ngào với âm vực dân ca rộng. Cô nhả chữ chỉn chu, nắn nót nhưng rất có hồn. Giao bài cho Quế Thương, chỉ cần nói ý tưởng, còn lại là cô sẽ tự tìm cách thấu cảm để truyền tải vừa vặn cảm xúc.
Để có được những cột mốc thành công hôm nay, Quế Thương đã trải qua hành trình nghệ thuật đầy gian khó, vượt qua chính mình, vươn ra biển lớn tìm kiếm tri thức mới mẻ, ngay cả khi cô ít nhiều đã thành danh trên đất Nghệ. Năm 2013, Quế Thương xuất sắc thi đỗ hai trường là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cô quyết định chọn Học viện vì môi trường ấy tuy khắc nghiệt hơn nhưng lại được thử thách và sáng tạo nhiều hơn. “Vượt qua khó khăn chắc chắn sẽ cho ta thành quả ngọt ngào” – Quế Thương cho hay.
Hành trình ấy nay nhớ lại, Quế Thương miêu tả là “chỉ có chạy không có đi”, hết ngày qua ngày vùi đầu vào sách vở, đàn và luyện thanh, không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa đã khiến cô nhiều lúc như muốn gục ngã, muốn dừng lại. Nhưng rồi, cô ca sĩ quê Nghệ vẫn kiên gan một lòng với mục tiêu đã chọn: phải trưởng thành bằng được, phải học bằng được và học giỏi hơn các bạn. Mỗi ngày của Quế Thương gấp gáp và bận rộn đến độ cô ước gì mình được phân thân ra làm 4, vừa học tập để vượt cả những người trẻ, vừa phải tăng tốc để học luôn lịch học tuần tới để có thể về quê cùng con 2 ngày cuối tuần, vừa tham gia đầy đủ lịch công tác của Đoàn. “Có những thời điểm, tôi không hiểu sao mình có sức khỏe đến thế. Sáng học, trưa về tập đàn hoặc kỹ thuật thanh nhạc, tối lại luyện thanh và vùi vào những bài tập khó” – Quế Thương nói. Nỗ lực ấy đã được đền đáp khi cô liên tục là học sinh giỏi của lớp, của khoa, điểm chuyên ngành lúc nào cũng đạt điểm 10.
Để đạt thành tích ấy, ngoài nội lực của bản thân, Quế Thương còn may mắn có được sự động viên tiếp sức của gia đình. Chồng cô – một người cùng làng, yêu đắm đuối giọng hát của vợ, luôn đồng hành với vợ trong suốt chặng đường nghệ thuật gian truân. Quế Thương ứa nước mắt khi kể lại: “Có những thời điểm con đi viện cả tuần, nhưng khi điện thoại về ông bà nội vẫn nói con chơi ngoan, và đang đi chơi đâu đó… Nói thế là để mình yên tâm học hành, rèn luyện, vì ông bà biết chỉ cần nghỉ một buổi thôi là mình sẽ phải học lại và có nguy cơ tốt nghiệp chậm”.
Từ những nỗ lực đó, Quế Thương tốt nghiệp loại xuất sắc và được mời về công tác ở nhiều đơn vị như Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Trung ương… Thế nhưng, cô không hề nao núng khước từ những cơ hội tốt, kiên định trở về quê hương với niềm háo hức được cống hiến lời ca tiếng hát trên sân khấu quê nhà.
Quế Thương nổi tiếng là nghệ sĩ chỉn chu, cẩn trọng trong làm nghề cũng như trong cuộc sống. Thế nên, nhạc sĩ nào đã giao bài cho Quế Thương đều an tâm vì sự nghiên cứu kỹ lưỡng của cô. Còn nhớ có những cuộc thi sáng tác, đến vòng công diễn có 8 tác phẩm thì đã có tới 4 tác phẩm do cô trình bày. “Điều này là niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ, nhưng cũng là áp lực bởi kết quả lần sau phải tốt hơn lần trước” – Quế Thương nói. Cô luôn nỗ lực đạt được những dấu mốc mới: “Lời ru nguồn cội” của nhạc sĩ Xuân Thủy đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015; “Thương ôi phận gái” của nhạc sĩ Trọng Đài đạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018; “Hồn sông” của nhạc sĩ Xuân Thuỷ đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021; “Hát đợi anh về” của nhạc sỹ Xuân Thuỷ đạt Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng) tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022…
Mỗi ca khúc đến với Quế Thương đều được cô trân trọng nghiên cứu kỹ lưỡng, thể hiện lời ca bằng sự hiểu biết sâu sắc và tình cảm lắng đọng. Như ca khúc “Thương ôi phận gái” – lấy ý thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nói về thân phận của người con gái trong xã hội cũ, Quế Thương đã rất trăn trở. Cô nghĩ, mình phải hát làm sao để ngoài đạt kỹ thuật thanh nhạc tốt, còn phải toát lên được hồn cốt của bài hát, phải giãi bày được tâm tư tình cảm của tác giả, chuyển tải được các tầng nghĩa gửi gắm trong từng câu chữ. Nhạc sĩ Trọng Đài – người sáng tác “Thương ôi phận gái”, cũng từng có đôi chút băn khoăn biết tin Quế Thương chọn ca khúc này để thể hiện, bởi lo rằng ca sĩ tỉnh lẻ ít va chạm, sự chiêm nghiệm cuộc sống còn non nớt; thế nhưng khi nghe Quế Thương trình diễn, người nhạc sĩ nổi tiếng này đã phải thán phục về nhạc cảm, sự day dứt và bứt phá của cô.
Còn nhiều nữa những ca khúc có độ khó lớn với những quãng âm thanh rộng, đòi hỏi người ca sĩ phải thể hiện được sự khoáng đạt tự hào nhưng lại rất tinh tế trong những nốt bỏ nhỏ đã được Quế Thương thể hiện hoàn mỹ. Điển hình đó là “Hồn sông”, Quế Thương đã được thành viên ban giám khảo là NSND Thu Hiền cho điểm tuyệt đối trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, với lời nhận xét: “Tôi thực sự thấy xúc động về phần trình diễn này. Và điểm tuyệt đối hoàn toàn xứng đáng với em”.
Trong cuộc đời làm nghề của mình, đến nay, ngoài “bộ sưu tập” giải thưởng đáng mơ ước thì Quế Thương còn được biết đến là người sáng tác, dàn dựng chương trình có nghề. Những ca khúc cô sáng tác như “Về với quê em”, “Chiều Cửa Lò”, “Mùa xuân gọi bạn”,… hé mở năng lực mới ở cô. Đặc biệt, ca khúc dành cho tuổi thiếu nhi “Bài học đèn giao thông” của cô đã giành được giải Nhì cuộc thi sáng tác về An toàn giao thông cách đây không lâu.