Nghệ sỹ Quang Hạnh sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh. Lên 5 tuổi, ông mồ côi cha. 8 tuổi, ông cùng gia đình di cư lên xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An sinh sống. Trong ký ức của cậu bé Hạnh lúc bấy giờ, tuổi thơ gắn liền với những cơn đói triền miên. Gia đình khó khăn, ông phải đi ở đợ cho nhà người. Vóc dáng nhỏ bé, gầy yếu hơn bạn bè cùng trang lứa, song mỗi ngày, công việc của cậu bé Hạnh là chăn dắt đàn trâu to khỏe. Đã mấy chục năm qua, nhưng làm sao quên được cái cảm giác mùa đông, trời rét cắt da, cắt thịt vẫn phải dắt trâu ra đồng, trên mình chỉ bận độc một chiếc áo cánh mỏng tanh và một chiếc quần đùi cũn cỡn.
Cậu bé ngồi co ro giữa cánh đồng hoang vu, mắt môi bầm tím vì rét và đói, nghĩ miên man về hiện tại, về tương lai, về những điều quá sức tưởng tượng của một đứa trẻ 8 tuổi. Trong những tháng ngày đằng đẵng đói khổ ấy, có một niềm hy vọng nhỏ bé mà lấp lánh soi sáng tâm trí cậu, dẫn cậu bước ra khỏi những mệt nhoài của hiện thực, đó là những câu hát, điệu múa tuồng.
Nghệ sỹ Phan Quang Hạnh nhớ lại: Ngày chăn trâu, đêm đêm tôi lại thập thõm bước chân dọc bờ ruộng đi xem diễn tuồng. Mê lắm, xem quên ăn quên ngủ… Bấy giờ, mới lên 8, lên 10, tôi đã biết hát tuồng, cứ hát theo các bác, các chú trong đội tuồng của xã. Sân khấu tuồng cứ như có một hấp lực lạ kỳ cuốn hút tôi, tôi cứ đứng cạnh cánh gà nhìn say mê từng khuôn mặt, từng cử chỉ, nghe như nuốt từng câu hát…
Cứ thế, đến năm 1959, nghe tin Trường Nghệ thuật Sân khấu về tỉnh tuyển sinh, Quang Hạnh lập tức đăng ký và có kết quả trúng tuyển sau đó không lâu. Sau 4 năm chăm chỉ học hỏi và rèn luyện, năm 1963, ông tốt nghiệp đạt loại ưu ở bộ môn diễn viên Tuồng và được Đoàn tuồng Liên Khu V tiếp nhận về làm việc. Từ Đoàn Tuồng Liên khu V, Quang Hạnh chuyển qua Nhà hát Tuồng Phú Khánh, đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau. Ông bảo, làm lãnh đạo cũng được, làm diễn viên cũng tốt, chỉ cần không rời xa sân khấu thì dù công tác ở đâu, giữ chức vụ nào, “lửa nghề” vẫn luôn cháy trong tim.
30 năm khóc cười cùng tuồng, khán giả nhớ đến một Quang Hạnh sinh động và sắc sảo trong nhiều vai diễn: Cát Thượng Nguyên (vở Đào Phi Phụng), Tạ Thiên Lăng (vở Sơn hậu), Đổng Trác (vở Phụng Nghi Đình), Triệu Văn Hoán (vở Tam nữ đồ vương), Trần Lộng (vở Trần Bình Trọng), Tạ Ngọc Lân (vở Ngọn lửa Hồng Sơn), Cao Hoài Đức (vở Đào Tam Xuân loạn trào)… Người nghệ sỹ ấy hiếm khi nhắc đến những huy chương, những bằng khen, giấy khen treo kín trong tủ kính, bởi với ông, điều đáng nhớ nhất là sự tán thưởng của khán giả, là những khóc cười đồng điệu với người nghệ sỹ, là khoảnh khắc tấm màn nhung sân khấu khép lại trong tiếng vỗ tay không ngớt của công chúng yêu tuồng. Năm 2002, với những cống hiến và thành tích đã đạt được, Phan Quang Hạnh được Nhà nước phong tặng nghệ sỹ ưu tú.
Nếu như với nhiều diễn viên thường bị “chết vai” với một kiểu mẫu nhân vật, thì nghệ sỹ Quang Hạnh lại đa sắc màu, ứng biến linh hoạt trong nhiều vai diễn. Diễn vai phản diện khiến khán giả phẫn nộ, diễn vai chính diện khiến khán giả cảm phục, diễn hài khiến cả sân khấu rền vang tiếng cười, diễn bi khiến công chúng khóc cùng nhân vật…
Điều đặc biệt nhất làm nên dấu ấn nghệ sỹ ưu tú Quang Hạnh là 36 điệu cười đặc trưng cho tính cách từng nhân vật – đây là thành quả sau hàng chục năm làm nghề, được ông học tập, đúc rút nên. Ông nói, tiếng cười trong tuồng không phải là nụ cười tâm lý, cũng không phải tiếng cười sinh lý đơn thuần, mà muôn hình vạn trạng với diễn biến nội tâm rất phong phú, đòi hỏi sự nhập vai và thấu hiểu từng vai diễn. Cười đau đớn, cười man dại, cười tức tưởi, cười tự mãn, cười sảng khoái, cười đểu cáng… Cười trong nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn ngào; tiếng cười dồn nén nỗi đau thương đến tột cùng… Tiếng cười tuồng thực sự là thử thách lớn đối với sức khoẻ, tâm lý của người nghệ sỹ, bởi đòi hỏi khổ luyện bền bỉ và sự tinh nhạy trong phân tích nhân vật. Nhiều người nhận xét rằng, cùng với nghệ sỹ nhân dân Đàm Liên – người được mệnh danh là “bà chúa của sân khấu tuồng Việt Nam”, thì nghệ sỹ ưu tú Phan Quang Hạnh có thể xem là giọng cười hiếm có trong lịch sử tuồng Việt.
Năm 2003, nghệ sỹ Quang Hạnh nghỉ hưu, nhưng tiếng hát, tiếng cười của ông vẫn không ngơi nghỉ. Ông nói rằng, nghệ thuật tuồng đã thấm vào trong huyết quản, một ngày còn sống là một ngày còn gắn bó với tuồng. Bấy giờ, cuộc sống gia đình, vợ con đã tạm ổn; ông gom góp tiền tiết kiệm, đạp xe đi khắp trường học, nhà văn hóa xóm, xã ở nhiều địa phương miền Nam, miền Trung để nói chuyện về tuồng, biểu diễn tuồng miễn phí phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, ông tìm về vùng đất tuổi thơ Yên Thành, cũng là “đất tuồng kẻ Gám” để tiếp lửa đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho bà con nhân dân. Và còn một nỗi niềm riêng tư mà ông nén lại trong lòng, về Yên Thành gầy dựng phong trào tuồng cũng là để giữ trọn lời hẹn năm xưa với một người bạn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“2 đứa ở cùng một huyện, học cùng một trường, cùng niên khoá. Tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu, 2 đứa lại cùng nhận công tác tại Đoàn tuồng Liên khu V. Sau đó, đồng chí ấy vào chiến trường, mang lời ca tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội, rồi không may hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Tôi nhớ mãi, trước khi vào chiến trường, đồng chí ấy bảo: Anh Hạnh ơi, sau này đất nước hết chiến tranh, anh em mình cùng về quê Yên Thành nhé, quê mình đẹp lắm, người dân yêu tuồng lắm, chúng mình về để xốc phong trào văn hoá văn nghệ lên…” – Nghệ sỹ Phan Quang Hạnh ngậm ngùi nhớ lại.
Năm nay, nghệ sỹ ưu tú Quang Hạnh đã 84 tuổi. Tuổi “cổ lai hy” nhưng ông vẫn miệt mài với hành trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống. Ông nghỉ ngơi đơn giản trong một căn phòng nhỏ ở chùa Gám, mỗi bữa lưng bát cơm chay cùng nhà chùa, sáng dậy thật sớm, thong thả dắt chiếc xe đạp cũ rảo trên khắp các nẻo đường ở huyện lúa Yên Thành, tìm đến các xã để đặt vấn đề thành lập Câu lạc bộ tuồng. Đến nay, đã có 5 Câu lạc bộ tuồng tại 5 xã được thành lập. Mỗi dịp lễ, tết hay các sự kiện văn hóa đặc biệt của địa phương, các đội tuồng lại tập hợp để luyện hát, luyện múa… Tuồng kẻ Gám được xem là cái nôi của tuồng Nghệ An, dễ đã tồn tại hàng thế kỷ, từng có thời hoàng kim với những buổi lưu diễn tại Cung đình Huế và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Song một thời gian dài, dưới tác động của xã hội, những người ở lại với tuồng ngày càng vơi dần… Vẫn còn đó những lớp than hồng ấm nóng mà bền bỉ với nghệ thuật truyền thống, song họ thiếu một sợi bấc, một ngọn lửa để khơi lên, để tuồng cổ một lần nữa vang danh…
Nghệ sỹ ưu tú Quang Hạnh về với tuồng cổ Yên Thành với tất cả tâm huyết, đam mê, với niềm đau đáu và kỳ vọng phục dựng, để rồi qua tháng năm, làng trên xóm dưới lại có những đêm hội tuồng rộn rã trống, chiêng… Nào Tống Trân Cúc Hoa, nào Lê Lai cứu chúa, nào Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga… Những diễn viên quần chúng ngày vùi chân cấy mạ, đêm đêm thắp đèn điểm trang tô vẽ, hóa thân thành muôn mặt khóc cười… Nhọc nhằn đồng ruộng dường như vợi đi trên sân khấu đơn sơ, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của tình làng nghĩa xóm. Nghệ sỹ ưu tú Phan Quang Hạnh vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, thi thoảng còn đóng vai nhắc vở… Ông tất bật chạy từ cánh gà xuống dưới hàng ghế khán giả, lại xắn tay mách nhỏ diễn viên mẹo hóa trang, cách đội mũ cầm gươm… Ông như thoắt trẻ ra trong những khoảnh khắc sống với tuồng, sống cùng tuồng. Ông bảo, tâm niệm duy nhất của ông là về sau sẽ ngày càng có nhiều sân khấu tuồng quần chúng được dựng lên, rằng phong trào diễn tuồng được lưu giữ, phát huy bền bỉ hơn, và giới trẻ sẽ hiểu, sẽ yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này nhiều hơn… Tâm niệm, ước ao của một đời nghệ sỹ vẫn chỉ trọn vẹn dành cho tuồng truyền thống; còn cá nhân ông, có mong mỏi gì cho riêng mình đâu, lưng bát cơm gạo quê, gắp rau xanh bữa chay nhà chùa… là đã mãn nguyện rồi!