Nốt lặng ở Châu Cường

CUỐI THÁNG 6/2022, NGHE PHONG THANH MẠN NÚI CHÂU CƯỜNG (QUỲ HỢP) XẢY RA MỘT VỤ PHÁ RỪNG TỰ NHIÊN VỚI DIỆN TÍCH BỊ HỦY HOẠI LÊN ĐẾN 2 HÉC TA, CHÚNG TÔI CÓ CHUYẾN NGƯỢC RỪNG ĐỂ MỤC SỞ THỊ, TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN.

—————–

Liên hệ với xã Châu Cường, được xác nhận vào đầu tháng 5/2022 trên địa bàn xảy ra vụ việc phá rừng tự nhiên, tại khu vực giáp ranh với xã Châu Thái.  Bí thư Đảng ủy xã Châu Cường, ông Lưu Văn Điểm cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về vụ việc phá rừng, xã đã phối hợp với chủ rừng, các lực lượng chức năng của huyện vào hiện trường kiểm tra. Công an huyện cũng đã tiếp nhận hồ sơ, hiện đang tổ chức điều tra làm rõ đối tượng hủy hoại rừng…”. Hỏi đường vào khu vực rừng bị phá, ông Lưu Xuân Điểm trao đổi: “Vùng rừng này thuộc phạm vi quản lý, bảo vệ của Lâm trường Quỳ Hợp, vị trí ở cuối địa bàn xã. Nếu lên hiện trường, nên đi từ hướng Châu Thái, vào từ Châu Cường sẽ rất vất vả…”.

Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Châu Cường, sáng sớm ngày 4/7, từ hướng Châu Thái, chúng tôi có chuyến ngược vào vùng rừng bị phá. Để đến đây, phải men theo các tuyến đường chuyên chở gỗ keo trên các sườn núi, và mất thêm khoảng 30 phút vượt dốc, luồn rừng. Vùng rừng bị phá, tại hai vị trí thuộc khoảnh 7, tiểu khu 295B. Vị trí thứ nhất, được xác định thuộc lô 18, lô 19, hiện trạng đã bị phát trắng. Những gì trên đó cho thấy rừng là các loại cây bụi, nứa, giang, chuối và một số ít cây thân gỗ. Toàn bộ các loại cây bị đốn hạ, nằm nguyên tại vị trí bị chặt phát, đã khô xác xơ, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Vị trí thứ hai cách vị trí đầu chỉ khoảng 20 phút luồn rừng, cắt qua một sườn núi. Nơi này, được xác định thuộc lô 14. Ở đây, rừng cũng cơ bản đã bị phát trắng. Hiện trạng cho thấy rừng có khá nhiều cây thân gỗ và các loại cây bụi. Cây gỗ chủ yếu có đường kính từ 20 – 30cm; có một số cây có đường kính trên 30cm. Với những thân, gốc còn nằm nguyên tại hiện trường cho thấy số lượng cây gỗ bị đốn hạ khá lớn, các vết cắt đã khô, lác đác ở một số gốc đã mọc lên chồi non. Hỏi những công nhân, cán bộ Lâm trường Quỳ Hợp cùng đi, họ cho biết những vùng rừng tự nhiên bị phá là rừng sản xuất. Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, đây là rừng thường xanh phục hồi, đang được khoanh nuôi bảo vệ. Diện tích bị phá ở vị trí thứ nhất, khoảng 1,4 ha; vị trí thứ hai, khoảng 1,1ha.

Công nhân Trạm bảo vệ rừng Châu Cường là anh Trần Hữu Dương cho hay, vào ngày 3/5, trạm phát hiện vụ phá rừng. Ngay sau đó, trạm báo cáo lãnh đạo đơn vị và cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra toàn bộ những khu vực rừng đã bị phá và truy vết đối tượng đã phá rừng. Cũng theo lời Dương, vùng rừng bị phá cách khá xa khu dân cư, đến trên 2 – 3km đường dốc núi, khe suối; với diện tích rừng đã bị phá khoảng 2,5ha, những đối tượng có hành vi phá rừng phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 10 – 15 ngày.

Nói với Trần Hữu Dương, việc rừng tự nhiên bị hủy hoại có diện tích lớn, thể hiện vụ việc chậm được phát hiện, để hỏi: “Trạm bảo vệ rừng Châu Cường nhìn nhận trách nhiệm trong việc kiểm tra, bảo vệ, phát hiện vi phạm như thế nào khi để xảy ra vụ phá rừng với diện tích như vậy?”. Người công nhân Lâm trường Quỳ Hợp này nhìn nhận, việc phát hiện hành vi phá rừng vừa qua là chưa kịp thời. Nhưng anh cũng trình bày rằng, địa bàn quản lý, bảo vệ của trạm lớn, khoảng 1.200ha, gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên trải dài trên địa bàn 3 xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Hồng. Trong khi đó, lực lượng của trạm rất mỏng, tại thời điểm xảy ra vụ việc chỉ có 3 người. Hơn nữa, địa hình đồi núi phức tạp nên việc đi lại kiểm tra trên rất vất vả…

Đề nghị đánh giá về tính chất vụ phá rừng, Trần Hữu Dương trao đổi: “Đây là rừng tự nhiên tái sinh đang được khoanh nuôi bảo vệ, diện tích bị phá khá lớn nên Lâm trường xác định đây là một vụ việc nghiêm trọng. Còn về nguyên nhân, qua tìm hiểu ban đầu, chúng tôi cho rằng các đối tượng phá rừng là nhằm mục đích chiếm đất, trồng keo…”.

Kết nối với Chi cục Kiểm lâm, được biết vào ngày 19/5/2022 đơn vị này nhận được Báo cáo số 131/BC-KL  ngày 19/5/2022 của Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 3 về vụ việc chặt phá  rừng tự nhiên thuộc Lâm trường Quỳ Hợp quản lý. Nội dung báo cáo việc phát hiện vụ phá rừng trên lâm phần của Lâm trường Quỳ Hợp quản lý tại các lô 14, 18, 19  khoảnh 7, tiểu khu 295B, xã Châu Cường với tổng diện tích 26.300 m2 rừng sản  xuất, trạng thái rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi (TXP).

Tiếp cận Báo cáo số 131/BC-KL, thể hiện vào ngày 18/5/2022, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 tiến hành kiểm tra rừng thuộc Lâm trường Quỳ Hợp quản lý. Quá trình kiểm tra có sự tham gia của đại diện UBND huyện, Hạt Kiểm lâm, UBND xã Châu Cường và đại diện Lâm trường Quỳ Hợp. Kết quả kiểm tra tại lô 14, khoảnh 7, tiểu khu 295B, diện tích bị chặt phá 11.780 m3. Hiện trạng rừng theo kiểm kê rừng 2015 là rừng lá rộng thường xanh phục hồi, tại khu vực kiểm tra có một số gốc chặt, phần thân cây còn nguyên tại hiện trường. Kiểm tra tại lô 18, lô 19, khoảnh 7, tiểu khu 295B, diện tích bị chặt phá 14.520 m. Hiện trạng rừng theo kiểm kê rừng 2015 là rừng lá rộng thường xanh phục hồi, tại khu vực kiểm tra có một số gốc chặt,  phần thân cây còn nguyên tại hiện trường. Căn cứ Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh, khu vực rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất thuộc Lâm trường Quỳ Hợp quản lý.

Hỏi ông Trịnh Tuấn Anh – Phó Giám đốc Lâm trường Quỳ Hợp chi tiết về sự vào cuộc của chủ rừng. Được trả lời sau khi nhận được báo cáo của Trạm bảo vệ rừng Châu Cường, lãnh đạo Lâm trường đã chỉ đạo trạm, đồng thời tăng cường thêm nhân lực túc trực tại hiện trường nhằm phát hiện đối tượng vi phạm, và để ngăn chặn kịp thời hành vi tiếp tục phá rừng tiếp theo. Bên cạnh đó, Lâm trường cũng có báo cáo nhanh sự việc gửi xã Châu Cường, Trạm Kiểm lâm số 3, cùng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp đề nghị cùng phối hợp để điều tra đối tượng để xử lý. Bởi diện tích rừng bị hủy hoại là tương đối lớn, lại là đối tượng rừng tự nhiên đang được khoanh nuôi bảo vệ, nghiêm cấm mọi sự tác động nên từ ngày 9/5, Lâm trường đã có đơn tố cáo, gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳ Hợp đề nghị điều tra làm rõ vụ việc và các đối tượng đã thực hiện hành vi phá rừng.

Về phía Lâm trường, theo ông Trịnh Tuấn Anh, cũng chủ động nắm bắt các thông tin trong nhân dân, xác định một số đối tượng khả nghi và có báo cáo đầy đủ với cơ quan điều tra. “Nhận được hồ sơ, thông tin từ Lâm trường, cơ quan điều tra đã nhanh chóng vào cuộc. Tôi được biết, đã có 2 đối tượng chủ động ra đầu thú tại cơ quan điều tra. Một đối tượng tên là Lô Văn Cường trú tại bản Tèo, đối tượng còn lại là Lô Văn Mạnh trú tại bản Hạ Đông, cùng thuộc xã Châu Cường. Họ đã khai nhận thực hiện hành vi phát rừng. Trên cơ sở khai nhận của hai đối tượng, cơ quan điều tra đang tiếp tục tổ chức mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc..” – Phó Giám đốc Lâm trường Quỳ Hợp thông tin.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra vụ việc này, ông Trịnh Tuấn Anh nói rằng, để xảy ra vụ phá rừng tự nhiên trong phạm vi được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ, Lâm trường và Trạm bảo vệ rừng Châu Cường không thể tránh được trách nhiệm. Ông Trịnh Tuấn Anh nói: “Cũng từ vụ việc này, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác, sẽ phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng, chính quyền 2 cấp trên địa bàn để có những giải pháp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng…”.

Vào vùng rừng tự nhiên bị hủy hoại, chúng tôi dùng flycam ghi lại địa hình rừng núi Châu Cường. Xác định nơi có tình trạng phá rừng cách xa khu dân cư, để đến được từ hướng Châu Cường, cần phải luồn rừng, vượt dốc núi với một khoảng đường xa ngái. Nghĩ về việc trồng rừng, phải đầu tư không ít kinh phí cho nhân lực, phân bón, cây giống…; trong khi diện tích đất rừng thuộc quản lý của Lâm trường Quỳ Hợp. Đặt ra câu hỏi: Giả sử việc phá rừng trót lọt, trồng được cây keo, nhưng liệu sau này các đối tượng có thu hoạch được để có lợi ích kinh tế hay không? Rồi tự trả lời là: Không thể! Nghĩ về những điều này, băn khoăn liệu những đối tượng ở Châu Cường hủy hoại rừng có nhằm mục đích chiếm đất, trồng keo; hay họ mang thân phận làm thuê cho “đầu nậu”, như đã từng có ở vụ phá rừng ở xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp)…

Vì vậy, cũng trong ngày 4/7, trao đổi với đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Châu Cường, các cán bộ nơi đây cũng bày tỏ băn khoăn. Vì theo họ, những cá nhân đã ra đầu thú không thuộc diện kém nhận thức, về gia cảnh cũng không phải quá khó khăn. Bí thư Đảng ủy Lưu Xuân Điểm trao đổi: “Vài năm trước trong quá trình canh tác, có một vài người dân phát lấn vào đất lâm trường, dẫn đến tranh chấp. Nhưng đấy là những vụ việc nhỏ, sau đó đều đã được giải quyết triệt để. Còn tình trạng phá rừng tự nhiên là chưa từng xảy ra. Chính vì vậy, khi biết sự việc chúng tôi cũng lấy làm lạ tại sao 2 đối tượng này luồn rừng, vượt núi xa như thế để phá rừng; đặt ra câu hỏi tại sao họ lại có hành động như vậy. Nhưng rồi cũng không lý giải được. Có lẽ, cần thêm thời gian, chờ kết luận của cơ quan điều tra. Còn hiện tại, xã cùng 3 đơn vị chủ rừng trên địa bàn đang tập trung tuyên truyền trong nhân dân, nhất là ở các xóm bản, cụm dân cư sống gần rừng. Để người dân hiểu, không tác động xấu đến rừng, dẫn đến vi phạm pháp luật…”.

Nghe Bí thư Đảng ủy Châu Cường trao đổi lại, chợt nghĩ đến thực tế địa bàn huyện Quỳ Hợp từ nhiều năm qua có một số cụm dân cư đã mâu thuẫn khá gay gắt với các nông lâm trường, xảy ra tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp; có những nơi cho đến nay vẫn là “điểm nóng” chưa được giải quyết triệt để. Thấy cần thiết hơn việc làm rõ nguyên nhân, mục đích của các đối tượng thực hiện hành vi hủy hoại rừng. Vì chỉ khi làm rõ được nguyên nhân, mục đích của việc phá rừng, mới có thể đề ra được những giải pháp bảo vệ rừng hữu hiệu…

Hiện trường vụ chặt phát rừng trái phép tại Khoảnh 7, Tiểu khu 295B thuộc xã Châu Cường , nằm trong lâm phần do Lâm trường Quỳ Hợp quản lý.