Phóng viên: Thưa đồng chí, nhìn và nghĩ về phụ nữ, nhiều người thường cho rằng, họ “chân yếu, tay mềm”, chăm lo việc “bếp núc”, “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Suy nghĩ của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Không thể phủ nhận những đặc trưng của nữ là “chân yếu, tay mềm” và thiên hướng chính của họ là gia đình, lo chuyện bếp núc, chăm chồng, chăm con. Song phụ nữ cũng luôn lấp lánh sự thông minh, cần cù, sáng tạo, không khuất phục trước mọi hoàn cảnh để vượt lên. Lịch sử của dân tộc đã ghi danh những nữ anh hùng: Bà Trưng, Bà Triệu; nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu; nữ tướng Nguyễn Thị Định; nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình…
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ở hậu phương, “tay cày, tay súng” với phong trào “Ba đảm đang”. Trong đó, nhiều phụ nữ là dân quân, du kích tham gia trực tiếp cầm súng chiến đấu tại các chiến trường; nhiều chị em đã dành cả tuổi thanh xuân của mình tham gia thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến, nữ quân y, nữ văn công… Họ xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Có thể nói, mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử, phụ nữ Việt Nam đều có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, quê hương. Trong xu thế hội nhập và phát triển, người phụ nữ tiếp tục vượt qua những định kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực. Ngày càng có nhiều người trở thành nhà lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của hệ thống chính trị các cấp; các nhà khoa học, kinh tế, doanh nhân, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, công nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi… Nhiều người phụ nữ gánh trên vai “trụ cột” gia đình, lo kinh tế, chăm chồng, nuôi con trưởng thành.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Thời gian qua, dưới vai trò tập hợp, gắn kết và dẫn dắt của Hội LHPN các cấp trong tỉnh, phụ nữ Nghệ An đã có nhiều hoạt động và đóng góp tích cực đối với sự phát triển của chung của tỉnh. Đồng chí có thể chia sẻ một số hoạt động và đóng góp nổi bật?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Hoạt động và đóng góp nổi bật của tổ chức hội và hội viên, phụ nữ là chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với nhiều công trình, phần việc cụ thể; như xây dựng các mô hình “đoạn đường Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, tuyến đường phụ nữ tự quản; “Biến rác thải thành việc có ích”; mô hình “Nhà sạch vườn đẹp liền kề”, “Nhà sạch, vườn đẹp liền kề kiểu mẫu”… Triển khai phong trào “Phụ nữ vun trồng tương lai – vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào “Mỗi cơ sở Hội 1 đường hoa, đường viền cây xanh; mỗi chi hội 1 bồn hoa; mỗi gia đình hội viên 1 không gian xanh” và “Mỗi phụ nữ trồng 1 cây xanh – Gieo mầm hạnh phúc”…
Các cấp Hội cũng tập trung trao cơ hội cho hội viên, phụ nữ nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế thông qua hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay thông qua nhận uỷ thác, tín chấp ngân hàng và huy động các nguồn lực khác; xây dựng các hợp tác xã do các thành viên là phụ nữ làm chủ; mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Đặc biệt, triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, tổ chức Hội các cấp tích cực vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có ý tưởng tham gia các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội phụ nữ các cấp và UBND tỉnh tổ chức.
Chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề và phối hợp các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho lao động nữ, đặc biệt là lao động yếu thế, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống và tự chủ về tài chính cho phụ nữ. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin, thị trường cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm, quảng bá thương hiệu sản phẩm của Nghệ An.
Tổ chức Hội và hội viên, phụ nữ cũng luôn thể hiện vai trò trách nhiệm xã hội thông qua các chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Tết vì người nghèo”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm tình thương”… Đặc biệt chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, đã, đang được các cấp Hội triển khai, tạo sự kết nối, lan toả rộng khắp. Đến thời điểm 16/10/2022, toàn tỉnh đã kết nối nhận đỡ đầu 1.050 trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 9,628 tỷ.
Phóng viên: Để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội, đồng chí có thể chia sẻ tổ chức Hội LHPN có những định hướng gì trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Để tiếp tục khẳng định vai trò, khả năng, sức sáng tạo và đóng góp của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, đòi hỏi mỗi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức; có sức khỏe; có đạo đức và khát vọng vươn lên; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và tổ quốc; có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Các cấp Hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động đối với hội viên, phụ nữ; tổ chức nhiều diễn đàn nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ về mọi mặt cho hội viên phụ nữ. Tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ; tham mưu và triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh liên quan đến phụ nữ và trẻ em như bạo lực gia đình; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; buôn bán người;… Tiếp tục thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”; tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo, chủ động, linh hoạt với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động Hội, tạo hiệu quả, thiết thực trong hoạt động Hội các cấp. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp triệt để thực hiện “3 cùng”: Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo. Tập trung xây dựng, lan tỏa các giá trị cốt lõi của tổ chức Hội “Đoàn kết, nhân văn, sáng tạo, khát vọng, phát triển”.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!