Niềm khát khao trở thành người thầy thuốc bùng cháy trong tôi từ một lần mẹ lâm trọng bệnh. Tôi ôm chặt lấy bà, nức nở: Ước gì con là bác sỹ…
Những ngày từ khi còn trên ghế nhà trường, mơ ước ngày càng cháy bỏng, được khoác lên mình chiếc áo blu trắng, được ngắm nhìn nụ cười của người bệnh mỗi lần xuất viện, được xã hội yêu quý và tôn vinh hai tiếng lương y. Bệnh viện đối với tôi lúc đó là tiếng còi cấp cứu, ánh đèn mổ bật sáng, ca mổ thành công, bệnh nhân sống lại…
Ước mơ cuối cùng cũng trở thành hiện thực, tôi vui mừng và hãnh diện được đứng vào hàng ngũ những người thầy thuốc và công tác tại một bệnh viện ở miền tây xứ Nghệ. Nhưng những ấn tượng lung linh về nghề y trong tôi cứ dần dần tan vỡ…
Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã sút đi năm ký, người gầy rộc vì nhiều đêm mất ngủ. Mỗi lần nhắm mắt là hình ảnh về bệnh viện cứ tái hiện trong tâm trí. Đó là cảnh dòng người chen lấn trong khu khám bệnh chật chội nóng nực, chốc chốc lại có tiếng la ó, phàn nàn. Hình ảnh những người thầy thuốc tóc tai rối bù, bộ áo quần blu phai sờn theo thời gian và cũng không còn giữ được màu trắng tinh khiết vốn có, vẻ mặt đăm chiêu kiệm lời lúc thì lại cáu bẳn gắt gỏng. Rồi những buồng bệnh chật chội nằm đôi, nằm ba dã chiến; những công trình vệ sinh ẩm thấp, đầy ứ. Và cái mùi bệnh viện: mùi cồn, mùi thuốc, mùi hơi ngườì, mùi nhà vệ sinh… Tất cả những thứ mùi kinh khủng ấy quyện lại, như ám vào áo quần, cơ thể, luôn khiến tôi phải rùng mình.
Chưa hết. Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã lây lan trong một bộ phận những người làm nghề y. Sự trì trệ trong cách suy nghĩ, thái độ ban ơn, những phong bì dúi dắm, lợi ích cá nhân… đã len lỏi gặm nhấm dần cái mà xã hội vẫn tôn vinh là y đức.
Cũng như khá nhiều bệnh viện khác, bệnh viện của tôi đã từng diễn ra cảnh người nhà bệnh nhân vây quanh nhân viên y tế, chửi bới, lăng mạ. Đồng nghiệp đã có người bị hành hung, có người nhận án kỷ luật do vi phạm quy tắc ứng xử. Những sự cố y khoa, về y đức trong ngành y tế liên tục xuất hiện trên mặt báo, các phương tiện thông tin đại chúng…
Áp lực về nghề đã đè nặng trong tôi như thế. Đã nhiều lúc tôi không dám nhận mình là nhân viên ngành y, hoặc quay mặt bước đi thật nhanh để tránh những lời đàm tiếu về bệnh viện… Tôi đã loay hoay, tự vấn lòng mình. Có phải tôi đã chọn sai nghề? Phải làm gì để tôi và đồng nghiệp được tác nghiệp an toàn trong môi trường có vô vàn những hiểm họa vây quanh? Làm gì để nghề y thực sự là nghề cao quý?…
Ngày 15/8/2015, tôi được tham dự lớp tập huấn triển khai Quyết định 2151/QĐ-BYT của Bộ y tế về “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Thú thực là lúc ấy tôi không tin. Liệu có phải là lý thuyết? Quyết định gì mà dài dằng dặc, nhẩm cái tên thôi mà mãi chẳng thuộc. Từ trước đến nay, Bộ y tế từng có nhiều quy định lắm rồi. Nào là quy định về 12 điều y đức; rồi Thông tư 07 về quy tắc ứng xử, … Nhiều lắm rồi mà có thấy chuyển biến được mấy đâu? Buổi tập huấn kết thúc, mọi người cùng ký cam kết. Nội dung rất nhiều, nhưng đọng lại trong tôi một câu nói của giám đốc bệnh viện: “Đổi mới là để tồn tại. Không đổi mới, sẽ không thể tồn tại chứ đừng nói đến phát triển bệnh viện…”. Tôi tự hỏi: Sao thế nhỉ? Chẳng phải mấy chục năm nay bệnh viện vẫn tồn tại đó thôi?
Thế rồi mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng đến không ngờ. Cùng với sự đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh và thiết bị, một loạt những chính sách, quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế… đã được bệnh viện áp dụng, thực hiện. Đó là thông tuyến khám chữa bệnh; tăng giá dịch vụ; thay đổi về cơ chế tài chính hướng đến tự chủ ở bệnh viện… Quy định về đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh như mang đến một làn gió mới lan tỏa đến từng ngóc ngách trong bệnh viện tạo ra một bầu không khí trong lành mà bản thân mỗi chúng tôi ai cũng cảm nhận được.
Bệnh viện đã không còn cảnh chen chúc, chờ đợi ở khu khám bệnh; không còn cảnh người bệnh ken dày, chồng lớp tại những buồng bệnh chật chội thiếu ánh sáng; Thứ mùi đặc trưng phản cảm của bệnh viện trước đây cũng đã không còn… Như có một phép màu vậy. Có những đêm trực tại bệnh viện, tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi đã tự cho phép mình dạo bộ trong khuôn viên bệnh viện, tôi cảm thấy như đang lạc giữa một công viên với những bãi cỏ, vườn cây xanh mướt mát, đẹp lung linh dưới ánh đèn. Mùi hương của dạ lan, mùi hoa sữa thoảng thoảng bay trong gió khiến tôi nao lòng.
Và tôi lại có những đêm mất ngủ, mất ngủ vì hạnh phúc, vì niềm tin với nghề đã trở lại. Hình ảnh những cô điều dưỡng trong bộ váy blu trắng tinh với nụ cười trên môi; Bóng áo xanh của các tình nguyện viên Câu lạc bộ tiếp sức người bệnh hướng dẫn, dìu dắt những cụ già; Hình ảnh nữ điều dưỡng nhỏ bé của Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống, vượt hàng chục cây số giữa đêm đông giá lạnh, kịp thời hiến những giọt máu của mình cứu giúp các bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch… Những hình ảnh ấy thật đẹp, tự nhiên và đầy cống hiến.
Tôi từng nghe: “Hãy cho đi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế”. Quả vậy, từ ngày cả bệnh viện thay đổi hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thay vì những lời phàn nàn, những lá đơn khiếu nại… là những bức thư ngợi khen, những tình cảm ấm áp của người bệnh khi xuất viện. Cho đến một hôm, tôi bất ngờ nhận được một phong thư dán kín của một người bệnh. Hồi hộp xen với lo âu. Cái gì bên trong đây? Phàn nàn khiếu kiện điều gì chăng? Sao không gửi qua hòm thư góp ý? Sao không gọi vào đường dây nóng hay phản ánh trong họp hồi đồng người bệnh? Mà lại gửi trực tiếp cho tôi? Tim tôi đập dồn, mắt tôi hoa lên giọt nước mắt bỗng rơi lên gò má lúc nào không hay. Một bài thơ gửi tặng. Bài thơ khá dài, đến 3 trang A4, lời mộc mạc, chân thành, vừa như một lời khen vừa như lời nhắn nhủ.
“…Bệnh viện ta chuyển mình đổi mới
Vững tay nghề học hỏi nâng cao
Tình thương người bệnh dâng trào
Tận tâm cứu chữa sát sao ân tình
Đã chỉnh đốn văn minh trang phục
Thêm kỹ năng giao tiếp hài lòng
Tự mình rèn đức chăm công
Cứu dân với cả tấm lòng lương y
Được như vậy đúng là từ mẫu
Gìn danh thơm phúc rạng ngành Y
Noi theo gương Bác mỗi ngày
Niềm vui lan tỏa, nơi đây ngọt ngào…”
Chúng tôi đã chuyền tay, say sưa đọc, cùng chung cảm nhận, đây là phần thưởng quý nhất trong cuộc đời làm nghề. Tôi đã thầm cảm ơn đồng nghiệp, những người bệnh thân yêu đã giúp tôi lấy lại niềm yêu nghề tưởng chừng như vụn vỡ. Cảm ơn “Quyết định 2151” cùng với các chính sách đổi mới đã giúp bệnh viện chuyển mình. Hiểu rằng, con đường đổi mới còn rất dài, còn rất nhiều khó khăn rào cản phía trước. Nhưng có hề chi khi niềm tin đã trở lại, tôi hạnh phúc với con đường mình đã lựa chọn.