Sáng 16/11/2020, Thường trực Huyện ủy Tương Dương tổ chức phiên làm việc với Tổng Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Khe Bố để giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
Dự cuộc họp này, có một nhân vật đặc biệt khiến chúng tôi phải quan tâm. Đó là một người dân trú tại bản Pủng, xã Yên Thắng, ông Lô Xuân Tiến. Sở dĩ ông Tiến được Thường trực Huyện ủy Tương Dương mời đến là bởi đang có đơn kiến nghị trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy, nội dung liên quan đến thủy điện Khe Bố.
Tới dự cuộc họp, ông Lô Xuân Tiến mang bên mình một tập dày những hồ sơ, tài liệu chứng minh đất ở và đất lâm nghiệp của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất, cùng với lá đơn kiến nghị có xác nhận của Ban quản lý bản Pủng, được Chủ tịch UBND xã Yên Thắng ký tên, đóng dấu. Hỏi chuyện, ông Tiến cho biết ở giai đoạn trước đất ở và đất lâm nghiệp của gia đình ông Tiến không được thể hiện trên bản đồ đo vẽ năm 2008, do đó, không được lập phương án bồi thường. Mãi đến sau này mới được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trích lục bổ sung, Hội đồng BT-GPMB lập hồ sơ, thế nhưng chủ đầu tư chưa thỏa thuận bồi thường. “Nội dung của gia đình tôi đều có trong đơn kiến nghị. Các anh cứ xem đơn sẽ hiểu…” – ông Lô Xuân Tiến khẽ nói.
Lá đơn kiến nghị gửi lên Bí thư Huyện ủy của ông Tiến gồm hai phần. Phần đầu thông tin về đất đai và giá trị bồi thường (được căn cứ theo Biên bản được Hội đồng BT-GPMB và UBND xã Yên Thắng lập ngày 21/10/2019). Theo đó, các loại đất gia đình ông Tiến được lập phương án bồi thường gồm: 400m² đất ở; 2.000m² đất vườn; 6.357,6m² đất trồng cây lâu năm; 1.953,7m² đất lâm nghiệp. Tổng số tiền giữa ông Tiến và Hội đồng BT-GPMB huyện thống nhất thỏa thuận bồi thường là 340.444.400 đồng. Ở phần hai, ông Lô Xuân Tiến có ý kiến hỏi Bí thư Huyện ủy Tương Dương: “Vì lý do gì mà mãi đến nay gia đình tôi chưa được nhận đền bù đất đai đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất từ năm 2003? Nếu như Ban đền bù huyện có trách nhiệm với dân thì đã không kéo dài đến ngày hôm nay. Xin hỏi gia đình tôi có được đền bù hay không? Nếu được thì bao giờ sẽ thực hiện?”.
Đến với cuộc họp, có lãnh đạo 6 xã liên quan đến dự án thủy điện Khe Bố gồm Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám, Yên Thắng, Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình. Khi được chủ trì cuộc họp cho phép thì tất cả đã đồng loạt giơ tay xin phát biểu “để huyện và chủ đầu tư hiểu rõ thực tế tại địa phương cơ sở, cùng tâm tư của người làm cán bộ xã”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tam Đình, ông Lô Văn Lý, xã Tam Đình nằm trọn trong vùng lòng hồ thủy điện Khe Bố nên cũng là nơi có nhiều tồn tại vướng mắc nhất. “Tại báo cáo của huyện, tồn tại của Tam Đình dài đến 3 trang” – ông Lô Văn Lý nhấn mạnh. Rồi ông nhắc lại thời kỳ đầu, khi dự án mới thực hiện những bước đi đầu, thì nói rất hay rằng “dân sẽ được lợi từ dự án”. Nhưng đổi lại từ ngày có thủy điện đến nay, các cán bộ xã, bản thì mệt mỏi, mất niềm tin của dân; trong khi người dân thì kéo dài những đợi chờ, chịu nhiều khổ ải. “Thưa các đồng chí, có người dân đã qua đời mà không được hưởng chế độ hỗ trợ. Vì vậy, nhân dân rất bức xúc…” – Bí thư Đảng ủy xã Tam Đình đầy tâm trạng.
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái, anh Lô Văn Huy thì nhiều năm qua, vì lời hứa của thủy điện Khe Bố không được thực hiện nên Nhân dân liên tục có ý kiến. “Ý kiến với xã, rồi ý kiến tại các cuộc họp HĐND huyện, các lần Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri. Chúng tôi thấy có lỗi với người dân. Nên mong huyện kiên quyết để chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc…” – anh Lô Văn Huy phát biểu. Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, anh Vi Xuân Phóng thì dẫn ra nội dung thu hồi đất lâm nghiệp, giá trị bồi thường ở giai đoạn thực hiện dự án là 6000 đồng/m²; nay đơn giá điều chỉnh xuống chỉ còn một nửa, là 3000 đồng/m². Để qua đó chứng minh người dân đã chấp nhận chịu nhiều thiệt thòi về mình, nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện chi trả. “Chủ đầu tư thể hiện sự thờ ơ, quay lưng lại với dân. Tôi mong muốn Thường trực Huyện ủy yêu cầu chủ đầu tư làm rõ về thời gian chi trả, cam kết thực hiện chi trả…” – Chủ tịch UBND xã Yên Thắng kiến nghị.
Các xã Tam Quang, Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám cũng có ý kiến phát biểu, đều bày tỏ sự lo lắng vì có nhiều nội dung thủy điện Khe Bố đã cam kết thực hiện bồi thường, hỗ trợ nhưng rồi không thực hiện, khiến người dân bức xúc, có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Như ông Nguyễn Hoàng Sơn – Bí thư xã Tam Quang thông tin: “Trận lũ năm 2018 người dân Tam Quang chịu rất nhiều thiệt hại. Có một số hộ dân bị ảnh hưởng đến công trình nhà cửa, hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được nữa, nhưng chủ đầu tư không quan tâm giải quyết. Thế nên người dân đã rất bức xúc với thủy điện Khe Bố, đã có đơn thư khiếu kiện…”.
Tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường di dân và tái định cư ở dự án thủy điện Khe Bố được UBND huyện Tương Dương chi tiết trên 8 trang giấy A4, như ông Phan Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện thống kê gồm “7 nội dung lớn với 45 vấn đề tồn tại trên địa bàn 6 xã, thị trấn”.
Đó là các nội dung tồn đọng về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về bù trừ chênh lệch nơi đi nơi đến; về việc cắm mốc tăng dày và điều chỉnh đường ven lòng hồ có sự sai lệch giữa hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt với thực tế; là việc điều chỉnh hồ sơ quy hoạch ban đầu có sự sai lệch đối với các khu tái định cư; là việc cung cấp hồ sơ địa chính phục vụ lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với các hộ bị ảnh hưởng do ngập lòng hồ thủy điện (UBND huyện yêu cầu từ năm 2018 nhưng chưa được chủ đầu tư thực hiện). Tính ra, có đến hàng trăm hộ dân và hàng trăm thửa đất các loại chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ; hoặc chưa thống nhất về phương án, nên chưa ký hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất. Bên cạnh đó, còn có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng lũ năm 2018 cũng chưa được giải quyết…
Cuộc họp có thêm rất nhiều những ý kiến của lãnh đạo huyện, đại diện các phòng, ban. Trong đó, ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, ông Phan Đức Sơn rất thẳng. Nhìn nhận chủ đầu tư thiếu trách nhiệm giải quyết các tồn tại, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, trực tiếp thực hiện công tác tiếp dân định kỳ hàng tháng, ông tiếp nhận nhiều đơn thư của dân về thủy điện Khe Bố, và “được nghe dân ca thán rất nhiều”. Khẳng định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được chuyển giao về chủ đầu tư, ông Phan Đức Sơn yêu cầu chủ đầu tư phải quan tâm xử lý các tồn đọng, giải quyết quyền lợi chính đáng của dân theo quy định của pháp luật. Về phía huyện, nếu người dân có đơn thư kiến nghị, khiếu nại tới huyện sẽ có phiếu chuyển đơn, hướng dẫn người dân trực tiếp chủ đầu tư để được giải quyết. “Nếu chủ đầu tư không tập trung giải quyết, khi dân đề nghị, huyện sẽ hướng dẫn làm đơn ra tòa án để được trả lại quyền lợi hợp pháp chính đáng…” – ông Phan Đức Sơn khẳng định.
Cũng thể hiện sự kiên quyết, kết luận của Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hải xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều tồn tại là do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, cố tình thực hiện không đúng quy trình, quy định của nhà nước, đưa ra những lý do không chính đáng để chây ì việc chi trả… Bí thư Huyện ủy Tương Dương kết luận cụ thể từng nội dung, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện hoàn thành theo tiến độ (mốc thời gian hoàn thành xác định từ ngày 31/12/2020 đến 30/12/2021). Trong đó, với những vị trí đã được kiểm kê, kiểm đếm, trích lục, hoàn thiện hồ sơ thì chủ đầu tư phải phê duyệt phương án để hoàn thành việc chi trả trước ngày 31/12/2020. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện, Văn phòng Huyện ủy hoàn thiện báo cáo để gửi lên Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; trong báo cáo nêu rõ thực trạng và đề nghị UBND tỉnh xem xét, nếu chậm xử lý các tồn tại, vướng mắc thì có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng việc tích nước thủy điện Khe Bố.
Liên quan đến những tồn tại, vướng mắc ở thủy điện Khe Bố, những năm qua đã dày kín trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An. Thế nên dù đại diện lãnh đạo Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam đã nhận thấy được vấn đề và có cam kết thực hiện, nhưng thấy rằng sự cứng rắn của lãnh đạo huyện Tương Dương là cần thiết. Vì để thủy điện Khe Bố được khởi công năm 2007, tích nước, vận hành năm 2013, người dân vùng ảnh hưởng đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Đừng để người dân vụn vỡ niềm tin!